Yên Bái mở rộng diện tích, nâng cao giá trị kinh tế cây vụ Đông
Nhiều năm trở lại đây, sản xuất vụ Đông ở Yên Bái liên tục được mở rộng về diện tích và cơ cấu cây trồng, mang lại giá trị kinh tế ngày càng cao, góp phần quan trọng tăng thu nhập, ổn định lương thực cho người dân tại thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp như hiện nay.
Nỗ lực gieo trồng gần 10.000 ha cây vụ Đông
Ngay từ đầu tháng 9, ngành nông nghiệp tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo các địa phương căn cứ tiềm năng, lợi thế từng vùng để rà soát, thống kê lại diện tích gieo trồng vụ Đông; đồng thời, để tạo quỹ đất cho sản xuất, các địa phương đã đưa vào sản xuất 7.500 ha lúa mùa sớm, thu hoạch trước 30/9 để lấy diện tích gieo trồng các giống cây chịu rét kém.
Là địa phương có diện tích gieo trồng vụ Đông lớn nhất tỉnh Yên Bái, đến thời điểm này, huyện Văn Yên đã hoàn thành gieo trồng trên 2.400 ha. Trong số đó, diện tích ngô trên đất 2 vụ lúa đạt 1.000 ha, ngô trên đất soi bãi đạt 750 ha; khoai lang 100 ha. Đặc biệt, năm nay cây rau màu trên địa bàn Văn Yên được chú trọng chỉ đạo sản xuất, có hơn 550 ha cây rau màu các loại đã được gieo trồng.
Ông Doãn Văn Thủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết, ngoài vùng sản xuất chuyên canh cây vụ Đông Đại - Phú - An, huyện giao chỉ tiêu diện tích cụ thể cho các xã trên cơ sở điều kiện thực tế của từng địa phương, chủ lực vẫn là cây ngô trên đất 2 vụ lúa và tăng diện tích trồng rau màu tại các vùng đất thấp, đủ nguồn nước và có khả năng chịu rét tốt.
Bên cạnh đó, huyện Văn Yên chỉ đạo ngành nông nghiệp tăng cường cán bộ xuống thôn bản, đôn đốc, hướng dẫn nhân dân sản xuất đúng khung lịch thời vụ, áp dụng các biện pháp thâm canh; đồng thời, cung ứng đầy đủ, bảo đảm số lượng, chất lượng các loại giống cây trồng, phân bón; tăng cường điều tra, dự báo để phát hiện sớm, phòng trừ sâu bệnh kịp thời phát sinh trong vụ.
Đối với những huyện vùng cao, tỉnh Yên Bái chỉ đạo các địa phương này tiếp tục khuyến khích nông dân mở rộng diện tích các cây vụ Đông sớm ngắn ngày và cây vụ Đông muộn, đa dạng giống cây trồng có khả năng chống chịu được sương muối và thời tiết khắc nghiệt. Điển hình như huyện Lục Yên, nhiều mô hình cây trồng vụ Đông đã thành công từ những năm trước đã tạo động lực cho người nông dân mạnh dạn đầu tư, mở rộng hơn 20% diện tích so với vụ Đông năm 2020.
Đến nay, toàn huyện Lục Yên đã gieo trồng được gần 1.700 ha cây trồng các loại. Trong số đó, ngô trên đất 2 vụ lúa là 500 ha; khoai lang là 400 ha; cây rau đậu gần 600 ha; diện tích còn lại trồng các loại rau màu ngắn ngày khác, như dưa chuột, cà chua ghép, khoai tây, cải ngồng ngọt, cải bẹ mào gà, giống bắp cải Green nova, su hào B40, súp lơ xanh, bí xanh số 1...
Ông Đinh Khắc Yên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Lục Yên cho biết, toàn huyện đang tập trung xuống cơ sở chỉ đạo bà con khẩn trương sản xuất vụ Đông, đảm bảo diện tích đã được giao, với phương châm "sáng lúa, chiều ngô”, vận động nhân dân thu hoạch lúa mùa đến đâu xuống giống ngô đến đó, khắc phục mọi khó khăn, chủ động khơi thông dòng chảy, đáp ứng nhu cầu nước tưới phục vụ sản xuất và tiêu úng nhanh khi có mưa lớn.
Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt từ các cấp chính quyền và sự chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết cho triển khai sản xuất vụ Đông, đến nay toàn tỉnh Yên Bái đã triển khai gieo trồng được 5.800 ha ngô, trên 1.000 ha cây khoai lang, khoai tây và trên 2000 ha cây rau mầu các loại, đạt gần 90% diện tích so với kế hoạch. Dự kiến từ nay cho đến giữa tháng 11 sẽ hoàn thành gieo trồng gần 10.000 ha cây vụ Đông.
Nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích
Theo kế hoạch sản xuất vụ Đông năm 2021, toàn tỉnh Yên Bái gieo trồng gần 10.000 ha, giá trị kinh tế ước đạt khoảng 340 tỷ đồng, trung bình giá trị sản xuất đạt khoảng từ 33 - 35 triệu đồng/ha, tăng diện tích trồng cây rau màu đặc sản, các loại giống cây ngô, cây khoai lang năng suất cao theo hướng hữu cơ, an toàn mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Để đạt được mục tiêu này, tỉnh Yên Bái chỉ đạo ngành nông nghiệp định hướng nông dân đưa giống cây trồng mới phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật để nâng cao hiệu quả trên một đơn vị diện tích canh tác, đồng thời bám sát diễn biến của thị trường và khuyến khích nông dân liên kết với doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nông sản trên địa bàn.
Ông Nguyễn Ngọc Xuân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Yên Bái cho biết, vụ Đông được coi là vụ sản xuất quan trọng trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập cho nông dân. Bên cạch các loại cây trồng chủ lực, Yên Bái tiếp tục trồng thử nghiệm một số cây trồng có giá trị kinh tế cao. Hiện tại, cây vụ Đông sinh trưởng, phát triển khá tốt, tỉnh đang tăng cường hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp phòng, trừ sâu bệnh gây hại để đảm bảo năng suất và chất lượng cao cho diện tích đã gieo trồng.
Thực tế cho thấy, sản xuất cây vụ Đông mang lại hiệu quả kinh tế khá cao nhờ các loại giống mới và khả năng áp dụng khoa học kỹ thuật vào thâm canh, tăng năng suất thông qua tập huấn cho người nông dân. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái, ngô lấy hạt đạt năng suất trung bình 34 tạ/ha; khoai lang đạt gần 55 tạ/ha, cây rau màu 122 tạ/ha… Theo thời giá hiện tại, giá trị sản xuất cây vụ Đông bình quân trên toàn tỉnh Yên Bái đạt khoảng 33 triệu đồng/ha.
Tuy nhiên, để tăng cao hiệu quả kinh tế cho sản xuất vụ Đông, ngoài việc gieo trồng các loại cây chủ lực truyền thống, Yên Bái đang từng bước chuyển đổi sang các loại cây trồng mới nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, như: các loại hoa, cây cảnh, rau đặc sản cho thị trường xuất khẩu; cây ngô sinh khối và các loại cỏ sinh khối dùng làm thức ăn trong chăn nuôi gia súc.
Theo ông Phạm Đình Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Yên Bái, thực tế cho thấy vụ Đông năm 2020, trồng hoa, cây cảnh và các loại rau màu cho thu nhập 80 triệu đồng/ha; mỗi ha ngô lấy thân làm thức ăn cho trâu, bò thời gian canh tác khoảng 80 - 85 ngày, cho thu nhập hơn 40 triệu đồng, cao hơn từ 5 đến 7 triệu đồng/ha trồng ngô lấy hạt. Tuy vậy, việc canh tác các loại cây trồng này phụ thuộc rất nhiều vào trình độ kỹ thuật, mức vốn đầu tư và thị trường tiêu thụ.
Do vậy, theo ông Vinh, tỉnh Yên Bái đã xây dựng kế hoạch sản xuất vụ Đông phù hợp, linh hoạt, đặc biệt Yên Bái đang xây dựng mô hình liên kết tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, từ người nông dân, doanh nghiệp chế biến, bao tiêu sản phẩm đến người tiêu dùng. Điều đó đang dần hình thành vùng sản xuất chuyên canh tập trung theo hướng an toàn, bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái và sản xuất theo tín hiệu thị trường, nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các đối tác tham gia trong chuỗi; trong đó có người nông dân sản xuất vụ Đông.
Tiến Khánh