Yên Bái phát triển cây quế bền vững
Theo ông Kiều Tư Giang, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái, tỉnh hiện có trên 80.000 ha quế, chiếm 1/3 tổng diện tích rừng trồng trên địa bàn toàn tỉnh. Đáng chú ý, cây quế đã trở thành cây mũi nhọn chủ lực trong phát triển kinh tế đồi rừng của người dân, vì vậy Yên Bái đang tập trung thực hiện tốt chủ trương, giải pháp nhằm phát triển cây quế bền vững.
Trước tiên, Yên Bái đẩy mạnh công tác tuyên truyền để triển khai hiệu quả tiểu Đề án Phát triển cây quế (thuộc Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp); đồng thời, ban hành nhiều chính sách hỗ trợ các hộ trồng quế về giống, lồng ghép một số chương trình, dự án để hỗ trợ nhân dân khai thác và chăm sóc cây quế. Tỉnh Yên Bái đã đưa cây quế vào kế hoạch trồng rừng hàng năm; có nhiều chính sách thu hút đầu tư chế biến sản phẩm quế nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế từ cây quế.
Cùng với đó, Yên Bái đã quy hoạch các cơ sở chế biến vỏ quế, gỗ quế, tinh dầu quế theo hướng bền vững, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào quy trình chế biến nhằm nâng cao chất lượng, giá trị các sản phẩm quế; tăng cường các hoạt động tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp như: gặp mặt, đối thoại, đơn giản hóa thủ tục hành chính; vận động, giúp đỡ các doanh nghiệp thành lập các hội, phối hợp với các doanh nghiệp xây dựng, phát triển các chuỗi liên kết trong trồng trọt, sản xuất, chế biến và tiêu thụ.
Ngoài những giải pháp trên, theo ông Nguyễn Thái Bình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái, tỉnh đã đặc biệt chú trọng phát triển, duy trì nguồn nguyên liệu chất lượng, làm tốt việc bảo tồn giống quế gắn với việc bảo tồn nguồn gen, đồng thời đẩy mạnh xúc tiến thương mại tìm đầu ra cho sản phẩm...
Tỉnh Yên Bái thường xuyên cử cán bộ khuyến nông về cơ sở, hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng quế, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trong quá trình cây sinh trưởng; thu hoạch và bảo quản sản phẩm quế; khuyến khích, hướng dẫn các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm hàng hóa; chỉ đạo lực lượng chức năng làm tốt công tác quản lý thị trường, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm thương hiệu, bản quyền, gian lận thương mại…
Thực tế cho thấy, do hiệu quả kinh tế đem lại nên cây quế ở Yên Bái đã phát triển ổn định từ nhiều năm nay. Ban đầu cây quế được trồng tập trung chủ yếu ở huyện Văn Yên, nơi được coi là "thủ phủ" quế của tỉnh Yên Bái. Hiện nay, vùng trồng quế đã được mở rộng sang hầu hết các huyện, thị xã và thành phố trong tỉnh; trong đó nhiều nhất là các huyện Văn Yên, Trấn Yên, Yên Bình, Lục Yên và Văn Chấn. Ngay như ở các huyện vùng cao như Trạm Tấu và Mù Cang Chải, các khu vực giáp ranh với huyện Văn Chấn, người dân cũng đã chú trọng đến phát triển cây quế.
Chủ tịch UBND huyện Văn Yên, ông Hà Đức Anh khẳng định, cây quế ở huyện Văn Yên được đồng bào người Dao trồng từ hàng trăm năm nay với nét văn hóa độc đáo là trong gia đình khi con cái đã lớn (bất kể là trai hay gái) sắp đến tuổi xây dựng gia đình thì các bậc cha mẹ sẽ dành riêng cho một khoảnh đất đồi để trồng quế, đến khi con cái lớn xây dựng gia đình và ra ở riêng thì họ coi đó là của hồi môn cho con cái. Đến nay, không chỉ đồng bào người Dao mà nhiều đồng bào các dân tộc khác trong huyện Văn Yên cũng đã hưởng ứng cách làm này.
Cũng theo ông Hà Đức Anh, huyện Văn Yên có gần 50.000 ha quế, chiếm trên 60% diện tích quế của Yên Bái, mỗi năm huyện xuất ra thị trường khoảng gần 8.000 tấn vỏ quế tươi; sản lượng cành lá quế khoảng 63.000 tấn/năm; sản lượng tinh dầu 300 tấn/năm; sản lượng gỗ quế 51.000 m3/năm. Quế đã trở thành cây làm giàu cho người dân huyện Văn Yên với doanh thu mỗi năm trên 600 tỷ đồng. Nhiều gia đình có đồi quế trị giá cả chục tỷ đồng, còn các hộ nông dân có đồi quế trị giá khoảng 4-5 tỷ đồng là không thể kể xiết. Điển hình như, hộ ông Đặng Nguyên Minh ở thôn Khe Phầy xã Đai Sơn có tới 60 ha, hộ ông Hoàng Văn Minh ở thôn Đoàn kết, xã Đại sơn có 50 ha hay hộ ông Nguyễn Kim Hín ở thôn Khe Lơ, xã Viễn Sơn có 25 ha...
Ông Vũ Lê Chung Anh, Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu cho biết, do hiệu quả kinh tế của cây quế nên tại các xã giáp ranh với huyện Văn Chấn, thị xã Nghĩa Lộ là những nơi có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với cây quế nên huyện Trạm Tấu đã có chủ trương tuyên truyền vận động nhân dân trồng quế để xóa đói giảm nghèo. Ông Vũ Lê Chung Anh chia sẻ, cây quế chỉ trồng sau 3 năm là hàng năm người dân đã có thu hoạch từ việc tỉa cành, lá để bán với giá 2.500 đồng/kg lá tươi, có tiền chi tiêu cho sinh hoạt hàng ngày. Đến khi quế lớn trên 7 năm khi thu hoạch ngoài bán vỏ quế, người dân còn bán được cả cành, lá và thân gỗ quế nên giá trị của cây quế rất cao.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh Yên Bái có 17 nhà máy chiết xuất tinh dầu quế với quy mô lớn, tổng công suất 1.000 tấn/năm. Ngoài ra có hơn 400 cơ sở chế biến tinh dầu quế quy mô nhỏ lẻ hộ gia đình, công suất 200 tấn/năm và nhiểu cơ sở chế biến vỏ quế, gỗ quế cùng các xưởng thủ công mỹ nghệ chế biến các sản phẩm từ quế.
Đặc biệt, trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Yên Bái đã ban hành chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất quế hữu cơ liên kết theo chuỗi giá trị, đối với các dự án có quy mô từ 1.000 ha trở lên sẽ được hỗ trợ 2 tỷ đồng/dự án. Đây là cơ hội để phát triển sản xuất quế hữu cơ liên kết chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Đức Tưởng