Yên Châu: Đẩy mạnh chăn nuôi giúp nông dân vươn lên làm giàu
Vùng cao Yên Châu (Sơn La) tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng phát huy lợi thế, ứng dụng khoa học... góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
YÊN CHÂU PHAT TRIEN CHAN NUOI
Phát triển chăn nuôi giúp người dân có thu nhập cao
Cùng với việc tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm nâng cao năng suất, sản lượng, những năm gần đây, nông dân trên địa bàn huyện Yên Châu (Sơn La) còn mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng hàng hóa, tăng giá trị kinh tế. Một số giống mới được đưa vào sản xuất bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội so với vật nuôi truyền thống.
Là một trong những hộ điển hình của huyện Yên Châu (Sơn La) khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, gia đình anh Bùi Văn Việt, bản Chiềng Thi, xã Chiềng Pằn, huyện Yên Châu (Sơn La) đã mạnh dạn vay vốn để phát triển chăn nuôi bò sinh sản theo mô hình gia trại. Đối với bò cái sinh sản, gia đình anh chọn giống bò lai sind, còn bò vỗ béo thì gia đình anh chon nuôi bò 3b. Theo anh Việt lý giải, với các giống bò này có ưu điểm là lớn nhanh, khỏe mạnh điều đặc biệt là khung to, bán được giá cao hơn so với giống bò khác.
Nhờ chịu khó làm ăn và áp dụng kiến thức tập huấn về chăn nuôi theo mô hình khép kín, đàn bò của gia đình được nhân rộng và phát triển tốt, đem lại thu nhập mỗi năm trên 300 triệu đồng. Hiện gia đình anh đã xây dựng được mô hình chăn nuôi trang trại rộng hơn 2 ha, với mỗi lứa nôi từ 35-40 con bò.
"Chăn nuôi nhỏ lẻ nhiều năm tôi nhận thấy không mang lại hiệu quả cao. Nhiều đêm trăn trở tìm cách đột phá trong chăn nuôi. Với suy nghĩ đó, năm 2018, cùng với sự hỗ trợ của Hội Nông dân về vốn vay, gia đình tôi đã đầu mở rộng chuồng trại, với 3 khu chăn nuôi riêng biệt cho đàn bò mẹ sinh sản, bê con và bò đực vỗ béo..." anh Việt nói.
Con đối với gia đình chị Lò Thị Hoa, bản Thèn Luông, xã Chiềng Đông, huyện Yên Châu, (Sơn La), nhận thấy các giống gà được nuôi theo mô hình công nghiệp chất lượng thịt không cao, thịt mềm và bở, khó tiêu thụ trên thị trường nên tôi mạnh dạn đầu tư, phát triển mô hình trang trại nuôi gà thả vườn. Bắt đầu nuôi lứa gà đầu tiên, chị Hoa vừa nuôi vừa đúc rút kinh nghiệm. Nhờ sự chịu khó học hỏi từ các mô hình nuôi gà hiệu quả, từ sách báo; đến nay, chị Hoa nhận thấy nuôi gà thả vườn không quá khó. Nuôi thả vườn rộng rãi, dễ chăm sóc, ít dịch bệnh, đàn gà phát triển nhanh, đều, thịt chắc.
Từ 1.000 con gà Lạc Thủy lúc bắt đầu nuôi, đến nay đàn gà của gia đình chị Hoa đã phát triển lên trung bình 4.000 con mỗi năm, chia làm 4 lứa nuôi gối nhau, mỗi lứa 1.000 con. Giá bán trung bình khoảng 100.000 đồng/kg, những lúc cao điểm như lễ tết, chị xuất gà được giá khoảng 120.000 đồng/kg. Bình quân mỗi năm sau khi trừ chi phí, anh Hoa thu lãi từ 150- 200 triệu đồng.
"Sau khi được chính quyền địa phương vận động tuyên truyền, cùng với việc được đi tham quan một số mô hình phát triển kinh tế trên địa bàn do huyện tổ chức. Gia đình tôi đã mạnh dạn phát triển mô hình nuôi gà Lạc Thủy thả vườn. Mô hình của gia đình tôi mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn chăn nuôi các loại con giống khác mà lại không mất nhiều thời gian chăm sóc", chị Hoa nói.
Yên Châu đưa ra nhiều chính sách ưu tiên phát triển chăn nuôi
Trao đổi với phóng viên, ông Cao Xuân Dũng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Châu cho biết: Với tiềm năng, lợi thế đất đai, đồi núi rộng, huyện Yên Châu (Sơn La) có điều kiện phát triển chăn nuôi gia súc. Phát huy thế mạnh này, những năm qua, huyện Yên Châu đã có nhiều chính sách khuyến khích nhân dân phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, từng bước đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính gắn với xây dựng nông thôn mới, giúp cho nhiều hộ dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Hiện đàn gia súc toàn huyện Yên Châu có trên 78.000 con, trong đó đàn trâu trên 7.540 con, bò 20.780 con, lợn trên 42.390 con, đàn dê 7.230 con và ngựa 79 con. Toàn huyện hiện có 40 hộ chăn nuôi gia súc theo mô hình trang trại, trong đó có 12 trang trại chăn nuôi lợn quy mô từ 100-300 con; 28 trang trại chăn nuôi trâu, bò, dê quy mô từ 20-100 con, tập trung chủ yếu các xã: Chiềng Pằn, Chiềng Hặc, Lóng Phiêng, Yên Sơn...
"Yên Châu đã tập trung tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chuyển từ tập quán chăn thả tự do sang nuôi theo hướng tập trung; quy hoạch vùng trồng cỏ và vận động các hộ chăn nuôi chuyển đổi những diện tích đất kém hiệu quả sang trồng cỏ để chủ động nguồn thức ăn, kiểm soát phòng dịch bệnh trên đàn gia súc. Đồng thời, chú trọng cải tạo giống thông qua các đề án bò đực giống lai sind, lợn siêu nạc. Chuyển dần từ chăn nuôi nông hộ sang chăn nuôi trang trại quy mô phù hợp với từng địa phương. Khuyến khích áp dụng công nghệ cao, chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi hữu cơ, xây dựng cơ sở chăn nuôi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh theo chuỗi liên kết", ông Dũng nói.
Có thể khẳng định rằng, bằng nhiều cách làm khác nhau trong phương thức, quy mô và được sự hỗ trợ đầu tư, khuyến khích của nhà nước, việc phát triển chăn nuôi ở Yên Châu là hướng đi đúng, mang lại hiệu quả, giúp người nông dân xóa đói giảm nghèo một cách bền vững.
Trong thời gian tơi, huyện Yên Châu tiếp tục đẩy mạnh hướng dẫn người dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi theo hướng an toàn; thử nghiệm các loại vật nuôi mới có chất lượng, hiệu quả. Tăng cường việc quản lí về lĩnh vực chăn nuôi, thú y và chủ động trong công tác tuyên truyền, cung cấp các loại vắc xin phòng chống dịch bệnh hiệu quả. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi giúp người chăn nuôi tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng và tham gia các dự án để phát triển mở rộng quy mô chăn nuôi theo hướng hàng hóa; khuyến khích liên kết với các doanh nghiệp để ổn định đầu ra cho sản phẩm, mang lại thu nhập ổn định cho người dân.