|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quản Bạ tập trung phát triển đàn bò bản địa

Nhằm phát huy tiềm năng, đưa chăn nuôi trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong phát triển kinh tế nông nghiệp, trong đó phát triển chăn nuôi bò là chủ đạo, thực hiện chăn nuôi theo hướng hàng hóa gắn với chế biến sản phẩm theo chuỗi giá trị. Huyện Quản Bạ đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/HU tập trung vào phát triển bò Vàng vùng cao, giai đoạn 2021-2025. Đây là hướng đi quan trọng giúp người dân nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo.

Chuồng trại nuôi bò của hộ anh Vàng Minh Thề, thôn Mỏ Sài, xã Thanh Vân (Quản Bạ).

Chuồng trại nuôi bò của hộ anh Vàng Minh Thề, thôn Mỏ Sài, xã Thanh Vân (Quản Bạ).

Hiện nay, Quản Bạ có tổng đàn bò trên 18.200 con, bò Vàng là giống bò bản địa của huyện, được biết đến với ưu điểm là có sức chống chịu tốt với các điều kiện bất lợi của thời tiết như giá lạnh và dịch bệnh. Đây cũng là giống bò có thể trạng to lớn, năng suất thịt cao, thơm ngon và đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bình chọn. Những năm gần đây, nhận thấy chăn nuôi bò theo hướng hàng hóa mang lại nguồn thu nhập lớn, nhiều nông hộ đã tập trung vào phát triển chăn nuôi bò sinh sản và vỗ béo. Hộ anh Vàng Minh Thề, thôn Mỏ Sài, xã Thanh Vân, chia sẻ: “Được chính quyền vận động, nhà tôi đã phát triển chăn nuôi bò hàng hóa, gia đình luôn duy trì đàn bò từ 8 – 10 con, mỗi năm lãi từ 40 – 50 triệu đồng. Nhờ có đàn bò mà kinh tế gia đình khá giả lên, thoát khỏi diện hộ nghèo, có điều kiện mua sắm các trang thiết bị phục vụ đời sống”. 

Để phát triển giống bò đặc sản của địa phương, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quản Bạ, Nguyễn Chiến Thuật, cho biết: Ngành đã tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ thúc đẩy phát triển tổng đàn, mở rộng quy mô chăn nuôi theo hướng hàng hóa gắn với trồng thâm canh cỏ được 300 ha; khuyến khích bà con chuyển đổi hợp lý một phần diện tích đất trồng cây lương thực sang trồng cỏ, xây dựng hoặc cải tạo chuồng trại hợp vệ sinh. Thực hiện tốt công tác thụ tinh nhân tạo nhằm cải thiện tầm vóc, chất lượng, gia tăng tổng đàn bò. Đến nay, tỷ lệ phối giống thành công từ thụ tinh nhân tạo đạt trên 70%, trong năm 2021 phối giống thành công gần 1.000 con. Bên cạnh đó, ngành làm tốt công tác quản lý, phòng, chống dịch bệnh và dự trữ thức ăn trong mùa Đông, cải thiện phương thức và nâng cao hiệu quả các biện pháp kỹ thuật chăn nuôi bò. 

Để đạt được mục tiêu Nghị quyết đề ra, huyện đang thực hiện các giải pháp như làm tốt công tác quy hoạch phát triển các vùng trồng cỏ, chăn nuôi, khu giết mổ, chế biến sản phẩm... Quy hoạch 3 vùng chăn nuôi tập trung, đó là vùng chăn nuôi bò hàng hóa gắn với trồng cỏ ở cụm xã Cán Tỷ, Lùng Tám, Đông Hà, Thanh Vân, Nghĩa Thuận, Tùng Vài với quy mô mở rộng diện tích cỏ thâm canh lên đến 700 ha, tương ứng với quy mô gia trại nuôi từ 7 con trở lên, tổng đàn khoảng 15.000 con. Các xã còn lại phát triển chăn nuôi với quy mô nông hộ gắn với trồng cỏ quanh nhà, nương hốc đá đủ nguồn thức ăn đáp ứng nhu cầu chăn nuôi từ 2-3 con/hộ. Khai thác hiệu quả Chỉ dẫn địa lý sản phẩm thịt bò Vàng Cao nguyên đá Hà Giang; xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, thu hút đầu tư, tập trung nguồn lực hỗ trợ, khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng cơ sở giết mổ, chế biến và phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị trong chăn nuôi. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng đàn hàng năm đạt trên 5%, đến năm 2025 tổng đàn đạt trên 23.300 con.

Triển khai xây dựng các mô hình chuồng trại chăn nuôi bò hàng hóa với quy mô tập trung để nhân dân tham quan học tập tại chỗ. Xây dựng và nhân rộng các mô hình chăn nuôi có hiệu quả kinh tế cao. Vận dụng linh hoạt các chính sách của Trung ương, của tỉnh, xây dựng cơ chế hỗ trợ đặc thù để đầu tư, hỗ trợ phát triển chăn nuôi bò theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng bằng các hình thức: Hỗ trợ kinh phí thực hiện chương trình thụ tinh nhân tạo; đầu tư con giống theo hình thức đầu tư có thu hồi; thực hiện các mô hình chăn nuôi bò vỗ béo, bò sinh sản; hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng cỏ, thâm canh cỏ tập trung, phát triển chăn nuôi gia trại; hỗ trợ xây dựng cơ sở chế biến và thương hiệu sản phẩm… Thông qua đó, phấn đấu đưa chăn nuôi trở thành nghề chính ở huyện, giúp người dân nâng cao thu nhập, xóa nghèo bền vững. 

Bài, ảnh: VIỆT TÚ


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Chưa có thông tin