|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát triển kinh tế tuần hoàn góp phần bảo vệ môi trường ở Đồng bằng sông Cửu Long

Để thích ứng với biến đổi khí hậu, sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường bền vững, một trong những định hướng phát triển đất nước đã được Đảng, Nhà nước ta xác định là xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường. Đối với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - vùng sản xuất thủy sản, lương thực, trái cây lớn nhất cả nước cũng là nơi chịu nhiều tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế tuần hoàn càng trở nên cấp thiết, để thực sự là vùng phát triển toàn diện, sinh thái, văn minh và bền vững.

 

Phat trien kinh te tuan hoan gop phan bao ve moi truong o Dong bang song Cuu Long hinh anh 1

Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang tham quan mô hình nông nghiệp tuần hoàn của Hợp tác xã Nông Gia tại ấp Hòa Bình, thị trấn Kinh Cùng, huyện Phụng Hiệp. Ảnh: Duy Khương - TTXVN

Mang lại nhiều lợi ích

Theo các chuyên gia, kinh tế tuần hoàn được hiểu là một hệ thống kinh tế, phát triển trên nền tảng các mô hình kinh doanh mà ở đó khái niệm “kết thúc vòng đời” được thay thế bằng việc giảm sử dụng, tái sử dụng, tái chế và phục hồi vật liệu trong quá trình sản xuất, phân bố, tiêu thụ sản phẩm. Mô hình kinh tế này được xem là công cụ giải quyết bài toàn kinh tế - môi trường hiệu quả, góp phần đạt mục tiêu phát triền bền vững.

Phó Giáo sư Nguyễn Hồng Quân, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) và các cộng sự nêu quan điểm: Kinh tế tuần hoàn là mô hình phát triển bền vững dựa trên mục tiêu tận dụng các nguồn chất thải và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, duy trì việc sử dụng lâu dài các nguồn nguyên vật liệu và tái tạo các hệ sinh thái tự nhiên. Mô hình kinh tế tuần hoàn khác biệt với mô hình kinh tế tuyến tính truyền thống dựa trên việc khai thác tài nguyên, sản xuất, tiêu dùng và thải bỏ.

Với cách hiểu như vậy, việc phát triển kinh tế tuần hoàn mang lại nhiều lợi ích như giảm ô nhiễm, giảm phát thải khí nhà kính, giảm nguyên vật liệu sơ cấp. Đồng thời, có thể bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên, nâng cao khả năng cạnh tranh, tạo thị trường mới, tạo việc làm, nâng cao giá trị xã hội.

Đề cập về sự cần thiết và những lợi ích mà kinh tế tuần hoàn có thể mang lại cho phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long, cụ thể ở lĩnh vực kinh tế nông nghiệp, Phó Giáo sư Nguyễn Hồng Quân phân tích: Đây là khu vực sản xuất nông nghiệp chính của cả nước, đóng góp gần 60% sản lượng lúa và trên 56% sản lượng thủy sản nuôi trồng của Việt Nam. Nhưng đồng bằng này đang đứng trước những thách thức liên quan đến biến đổi khí hậu và các vấn đề phát triển nội tại. Vì vậy, chuyển đổi các mô hình canh tác theo hướng thuận thiên, xanh và sạch hơn, trong đó có các mô hình sản xuất theo hướng kinh tế tuần hoàn sẽ góp phần bảo vệ môi trường và nâng cao hiệu quả sản xuất.

Đối với kinh tế tuần hoàn nông nghiệp, các nguyên tắc đòi hỏi phải tuân thủ là giảm thiểu các nguồn đầu vào bằng cách sử dụng các nguồn dinh dưỡng từ tự nhiên như: tận dụng phù sa từ nước lũ, sử dụng thức ăn tự nhiên cho chăn nuôi hoặc các mô hình canh tác khác, tái chế và tái sử dụng chất thải, tận dụng các phụ phế phẩm từ hoạt động sản xuất nông nghiệp. Đối với ngành Nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long, việc áp dụng các nguyên tắc này sẽ mang lại nhiều tác động to lớn về mặt kinh tế và môi trường do quy mô sản xuất nông nghiệp của khu vực, cũng như tiềm năng rất lớn trong tận dụng và giảm thiểu các nguồn đầu vào, xử lý, tái chế chất thải và nước thải, tận dụng phụ phế phẩm để gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp. Đồng bằng sông Cửu Long là nơi có hệ sinh thái đa dạng, do đó có thể tận dụng để cung cấp các nguồn đầu vào cho sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, các hệ sinh thái đất ngập nước và rừng ngập mặn còn có thể tận dụng để xử lý chất thải trong hoạt động nuôi trồng thủy sản.

Phat trien kinh te tuan hoan gop phan bao ve moi truong o Dong bang song Cuu Long hinh anh 2

Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang tham quan mô hình nông nghiệp tuần hoàn của Hợp tác xã Nông Gia tại ấp Hòa Bình, thị trấn Kinh Cùng, huyện Phụng Hiệp. Ảnh: Duy Khương - TTXVN

Đồng bộ giải pháp

Khẳng định phát triển kinh tế tuần hoàn là tất yếu, phù hợp với xu hướng, góp phần tạo đột phá trong phục hồi kinh tế và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, nhiều chuyên gia, nhà quản lý cũng đề cập các giải pháp để xây dựng, áp dụng hiệu quả mô hình kinh tế này trên các lĩnh vực một cách phù hợp nhất.

Đề cập về kinh tế tuần hoàn và những định hướng, giải pháp phát triển kinh tế tuần hoàn đối với ngành nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long, Giáo sư Lê Thanh Hải, Viện Môi trường và Tài nguyên (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng: Cần đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân, doanh nghiệp về các mục tiêu như “tiêu dùng xanh”, “sản xuất xanh”, “thân thiện môi trường” trong đời sống và sản xuất nông nghiệp để từ đó thực hiện nghiêm các hướng dẫn của địa phương về bảo vệ môi trường. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cần đẩy mạnh ứng dụng các mô hình, giải pháp theo hướng tận dụng, tái chế, thu hồi chất thải trong sinh hoạt cũng như sản xuất nông nghiệp, tiếp cận các chương trình, chính sách hỗ trợ, ưu đãi về vốn và thiết bị để thực hiện các giải pháp, mô hình theo hướng kinh tế tuần hoàn; cập nhật, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đời sống, sản xuất, đồng thời khai thác và vận dụng tối đa tri thức bản địa, những kinh nghiệm của địa phương kết hợp với kiến thức khoa học trong sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường.

Các cơ quan quản lý Nhà nước xây dựng các sổ tay hướng dẫn thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn cho các hộ dân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp có quy mô từ nhỏ đến lớn; tăng cường phổ biến, chuyển giao các giải pháp, mô hình tận dụng, tái chế, thu hồi chất thải trong sản xuất nông nghiệp theo định hướng kinh tế tuần hoàn.

Nhấn mạnh về tính phù hợp của các giải pháp, theo Phó Giáo sư Nguyễn Hồng Quân, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) và các cộng sự, việc áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp có nhiều khác biệt giữa các lĩnh vực sản xuất về yêu cầu và mức độ tuần hoàn trong các khâu của quá trình sản xuất, công nghệ được sử dụng, cũng như mong muốn và tính khả thi của từng giải pháp. Do đó, các giải pháp nên được tiến hành theo lộ trình cụ thể cho từng giai đoạn phát triển kinh tế-xã hội; trong đó, trước mắt cần tập trung hoàn thiện các giải pháp ứng dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn trong tất cả các khâu từ quản lý đầu vào, quá trình sản xuất, xử lý nước và chất thải, tận dụng các phụ phẩm trong khâu chế biến và tiêu thụ. Các giải pháp này nhằm nâng cao chuỗi giá trị sản xuất, hỗ trợ, liên kết xây dựng các mô hình thí điểm và mô hình doanh nghiệp ứng dụng kinh tế tuần hoàn, góp phần lan tỏa các mô hình hiệu quả ra cộng đồng. Đồng thời, cần đẩy mạnh đào tạo, chuyển giao kiến thức các mô hình kinh tế tuần hoàn và giải pháp phát triển bền vững ngành nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Trong khi đó, quan tâm đến phát triển kinh tế tuần hoàn từ góc nhìn hoạt động du lịch đối với một địa phương cụ thể ở Đồng bằng sông Cửu Long, Tiến sỹ Đinh Kiệm, Trường Đại học Lao động - Xã hội (Cơ sở II, tại Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng: Mục tiêu tổng thể của du lịch tuần hoàn là đạt được sự cân bằng tốt hơn giữa con người, hành tinh và tăng trưởng kinh tế trong suốt quá trình tổ chức hoạt động thuộc lĩnh vực du lịch trên phạm vi toàn cầu. Các nguyên tắc của kinh tế tuần hoàn nói chung và du lịch tuần hoàn nói riêng được xác định gồm: bảo tồn và phát triển vốn tự nhiên thông qua việc kiểm soát, sử dụng hợp lý các tài nguyên và tái tạo các hệ thống tự nhiên; tối ưu hóa lợi tức của tài nguyên bằng cách tuần hoàn các sản phẩm và vật liệu nhiều nhất có thể trong các chu trình kỹ thuật và sinh học; đồng thời tối thiểu hóa các ngoại ứng tiêu cực.

Phat trien kinh te tuan hoan gop phan bao ve moi truong o Dong bang song Cuu Long hinh anh 3

Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang tham quan mô hình nông nghiệp tuần hoàn của Hợp tác xã Nông Gia tại ấp Hòa Bình, thị trấn Kinh Cùng, huyện Phụng Hiệp. Ảnh: Duy Khương - TTXVN

Để phát triển du lịch bền vững theo định hướng kinh tế tuần hoàn ở tỉnh Trà Vinh - địa phương thuộc duyên hải phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long, có nhiều tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn, cần căn cứ dựa trên tổng thể nền kinh tế tuần hoàn chung, có lộ trình và ưu tiên thực hiện dựa trên nhu cầu thị trường và đáp ứng của xã hội. Trước tiên, tỉnh cần triển khai các mô hình kinh tế thí điểm gần với cách tiếp cận kinh tế du lịch tuần hoàn. Sau đó, bổ sung hoàn thiện và lựa chọn phù hợp cho từng ngành, từng lĩnh vực, từ thí điểm đến triển khai nhân rộng và phổ biến rộng rãi đến các doanh nghiệp cung ứng, doanh nghiệp lữ hành, du khách, các nhà quản lý và cộng đồng sở tại để học tập và áp dụng.

Đối với tỉnh Trà Vinh nói riêng, Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, nguồn rác thực phẩm hữu cơ, rác thải trên sông rạch, ven biển phát sinh trong quá trình khai thác hoạt động du lịch cũng là vấn đề cần phải giải quyết, trước mắt là rác thải từ các khu du lịch nông nghiệp sông nước miệt vườn, từ nhà hàng khách sạn, các khu nghỉ dưỡng, từ các hoạt động du lịch lữ hành sông nước, ao hồ và biển. Rác cần được phân loại tại nguồn và phải trở thành yêu cầu bắt buộc. Rác sau khi phân loại cần được thu gom, làm sạch, vận chuyển đưa vào tái sử dụng, tái chế. Trước hết, cần hạn chế chất thải nhựa và túi ni-lông để giảm thiểu tối đa phát thải ra môi trường dựa trên cơ sở phát triển kinh tế tuần hoàn.

Thanh Trà


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Chưa có thông tin