HTX nông nghiệp Yên Bài: Nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp
Không phát triển ồ ạt, mà tập trung vào những cây trồng có chất lượng, giá trị kinh tế cao, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, OCOP… HTX nông nghiệp Yên Bài (Ba Vì, Hà Nội) đã và đang giúp các hội viên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.
Đổi mới, HTX kiểu mới
Ông Nguyễn Văn Bảy – Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX nông nghiệp Yên Bài cho biết, HTX được thành lập từ năm 1998 và hoạt động theo Luật HTX cũ. Như chúng ta đã biết, mô hình HTX cũ tồn tại rất nhiều hạn chế, do đó chưa phát huy được hết sức mạnh tập thể của các hội viên, nếu không muốn nói là ít nhiều kìm hãm sự phát triển của HTX. Tuy nhiên, lịch sử là thế, ở mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn đều có những mặt tích cực và hạn chế nhất định.
Chính sự hạn chế, bất cập của Luật HTX cũ, Nhà nước đã ban hành Luật HTX mới năm 2012, với nhiều ưu điểm vượt trội, kích thích các cổ đông đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế… Và năm 2019, HTX nông nghiệp Yên Bài chính thức đổi mới, hoạt động theo Luật HTX mới, với 100 cổ đông góp vốn và 450 thành viên là các hộ nông dân tham gia vào chuỗi hoặt động kinh doanh, sản xuất của HTX.
Theo đó, HTX có khoảng 218 ha bưởi Diễn (Hà Nội) và bưởi đỏ Tân Lạc (Hòa Bình) với năng suất khoảng 32.000 quả/ha/vụ. Theo ông Bảy, giá bưởi các cổ đông của HTX trồng theo tiêu chuẩn OCOP, VietGAP có giá trung bình từ 20.000 – 25.000 đồng/quả, bưởi loại 1 có giá từ 25.000 – 30.000 đồng/quả. Trong khi đó, bưởi của người dân trồng bình thường chỉ có giá từ 8.000 – 15.000 đồng/quả.
408 ha chè, trong đó hơn 100 ha chè thương phẩm, với khoảng 18 tấn chè búp tươi/ha, với giá trung bình từ 12.000 – 25.000 đồng/kg, tùy vào thời vụ và cách chăm sóc của các chủ vườn. Ông Bảy cho biết, trung bình 1 tấn chè búp tươi sẽ cho ra từ 1,5 – 1,9 tạ chè khô, với giá trung bình từ 120.000 – 300.000 đồng/kg. Ngoài ra, các loại chè đinh 1 tôm, có giá từ 1,5 – 2 triệu đồng/kg.
Ngoài ra HTX còn có khoảng 220 ha lúa, năng suất khoảng 45 – 55 tấn/ha, hầu hết là những giống lúa đặc sản có chất lượng và giá thành khá cao, so với những giống lúa thông thường…
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Bảy – Giám đốc HTX nông nghiệp Yên Bài, việc sản xuất nông nghiệp ở Yên Bài vẫn còn rất nhiều bất cập như quy mô nhỏ lẻ, các vật tư đầu vào do tư nhân cung ứng là chính, trong quá trình phân phối vẫn còn nhiều sản phẩm có chất lượng kém, như phân bón, giống, thuốc BVTV, trong khi giá thành lại cao.
"Do đó, HTX nông nghiệp Yên Bài đã định hướng cho các thành viên phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp hữu cơ bền vững, từng bước đáp ứng các nhu cầu của người dân về vật tư nông nghiệp đạt chất lượng cao, giá cả phải chăng, sản phẩm sản xuất ra được HTX tiêu thụ…" – ông Bảy cho biết.
Theo tính toán của HTX, trung bình hàng năm HTX cần cung ứng khoảng 440kg/ha/năm phân chuồng cho cây lúa; 120 kg/ha đạm và 80 kg/ha/năm Kaly; 700.000 thuốc BVTV và khoảng 90kg/ha/năm lúa giống. 2 máy cày bừa công nghiệp; 1 máy gieo sạ, 1 máy cấy, 1 máy phun thuốc sâu, 1 máy thu hoạch lúa. Tương tự, đối với cây chè, HTX cần cung ứng khoảng 440kg/ha/năm; 1.800kg/ha/năm; phân đạm 2.300kg/ha/năm; 600kg/ha/năm; 2 triệu đồng tiền mua thuốc BVTV, với tổng kinh phí dự kiến khoảng 31 tỷ đồng.
Để có được nguồn vốn đầu tư trên, HTX nông nghiệp Yên Bài rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước. Trước mắt, HTX sẽ tích cực huy động nguồn vốn nội lực từ các thành viên để đầu tư mở rộng kinh doanh, sản xuất, trong trường hợp huy động nội lực không đủ, HTX sẽ huy động các nguồn lực hợp pháp khác.
"Trong thời gian tới HTX nông nghiệp Yên Bài đề nghị Liên minh HTX thành phố Hà Nội thường xuyên quan tâm, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của HTX trong quá trình xây dựng các mô hình phát triển KTTT-HTX, các chuỗi liên kết trong tổ chức sản xuất và thực hiện các hoạt động của HTX theo Luật năm 2012. Đề nghị UBND huyện Ba Vì, Phòng kinh tế huyện tiếp tục quan tâm, hỗ trợ các cây, con giống có năng suất cao đưa vào sản xuất, quan tâm tu sửa các kênh mương, vai đập thủy lợi để đảm bảo tưới tiêu. Đề nghị Phòng kinh tế huyện xem xét, hướng dẫn và có ý kiến chỉ đạo về việc xây dựng các mô hình sản xuất, chăn nuôi tập trung, kết hợp với du lịch thăm quan trải nghiệm…" – ông Bảy bày tỏ.
Nông dân cũ và cách làm mới
Chúng tôi về thôn Phú Yên, xã Yên Bài vào một ngày đầu năm 2022, khi cái Tết Nhâm Dầm đang cận kề, đi trên những con đường bê tông rộng rãi, phẳng lì, hai bên là những thảm hoa đang đua nhau khoe sắc khiến lòng vui rạo rực. Tôi hiểu, nông thôn mới đã và đang hiện hữu ở nơi đây, cái đích mà Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM hướng đến đã chạm một tay vào cuộc sống của người dân nơi đây.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang, xung quang là vườn bưởi xum xuê vàng óng, sai trĩu cành, đang tỏa ra một mùi thơm rất đặc trưng, mùi bưởi chín, thơm đến nao lòng, anh Bùi Văn Lập bóc bưởi mời khách rồi vui vẻ cho chúng tôi biết: "Gia đình tôi có hơn 7.000m2 bưởi Diễn, với khoảng 300 gốc, trong đó có khoảng 200 gốc từ 15 – 20 năm tuổi, trung bình mỗi gốc cho khoảng 350 – 400 quả, mỗi quả nặng khoảng 0,7-1kg, giá bán năm nay từ 20.000 – 25.000 đồng/quả tại vườn, trong đó loại 1 đạt khoảng 90%, thu về khoảng 400 triệu đồng, trừ chi phí lãi 250 triệu đồng".
Nhấp chén trà, anh Lập cho biết thêm, anh là một trong các hộ trồng bưởi Diễn đầu tiên ở Yên Bài, với 20 năm gắn bó với cây bưởi, anh Lập có rất nhiều kinh nghiệm đối với cây bưởi Diễn. Theo anh Lập, để có được quả bưởi ngon, ngọt, ráo nước, kỹ thuật chăm sóc rất quan trọng.
Anh Lập cho biết: "Mỗi vụ thu hoạch xong, tôi dùng máy xới gốc, bón phân chuồng khoảng 50 – 80kg/gốc, nước đậu tương và bột ngô ngâm, khoảng 1 – 2kg gốc. Ngoài ra việc tỉa cành cũng rất quan trọng. Nhiều người cứ tham để cành chi chit, như vậy cây sẽ thiếu ánh sáng, sẽ khó ra hoa và đậu quả…".
Theo anh Lập, anh bắt đầu tham gia vào HTX nông nghiệp Yên Bài từ năm 2018, với mong muốn cùng các thành viên đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp bằng cách xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý.
"Tôi tin rằng, nếu làm nông nghiệp đúng cách, chúng ta vẫn có thể làm giàu. Trước tiên, chúng ta phải đổi mới tư duy cách làm. Cứ tìm tòi, học hỏi cách làm sao để trồng được cây bưởi sai, quả to, tròn đều, múi ăn ngon ngọt… không sử dụng thuốc hóa học, sạch, an toàn ắt giá trị sẽ được nâng lên" – anh Lập bày tỏ.
Chia tay với anh Lập, chúng tôi tìm đến nhà anh Nguyễn Công Thanh và chị Nguyễn Thị Thiết. Vừa bước vào cổng, chúng tôi đã ngửi thấy mùi thơm của chè khô và mùi ngai ngái của chè búp đang được sao trong lò lửa rực hồng. Biết có khách đến thăm, nhưng chị Thiết cũng chỉ kịp chào, rồi lại thoăn thoắt đôi tay đảo nốt mẻ chè đang sao dở. Vừa sao chè, chị Thiết vừa trò chuyện cho biết. Sao chè là công đoạn rất quan trọng để có được mẻ chè ngon hay không.
"Trước đây chúng tôi sao chè thủ công bằng chảo, sau dùng bằng chảo quay tay, khoảng 10 năm gần đây chúng tôi mới dùng bằng máy, nhưng vẫn dùng củi, chứ không dùng điện. Chỉ có sao chè bằng củi, búp chè mới chín hết, khô, dẻo và ngọt đượm" – chị Thiết cho biết.
Dứt mẻ chè, chị Thiết và anh Thanh mới có thời gian pha nước mời khách. Anh Thanh cho biết, gia đình anh gắn bó với cây chè từ những năm 1989, nhưng chủ yếu sản xuất theo cách cũ, khoảng 6 năm gần đây gia đình anh mới tập trung sản xuất chè sạch theo tiểu chuẩn VietGAP và OCOP.
"Để có được chén chè ngon, thì vẫn là nhất nước, nhì phân, tam sao, tứ thổ (đất thổ nhưỡng), ngũ độ (khí hậu, nhiệt độ - PV), lục thu (thời điểm thu hoạch). Còn chè ngon nhất phải là chè đinh 1 tôm, 1 tép và hái lúc sáng sớm tinh sương, khi mặt trời lấp ló phải kịp đưa về sao luôn thì búp chè mới giữ nguyên được hương vị của nó" – chị Thiết cho biết thêm.
Năm 2020, gia đình anh Thanh, chị Thiết tham gia vào HTX nông nghiệp Yên Bài và đăng ký chè là sản phẩm OCOP năm 2021 của xã Yên Bài. Ngay sau khi tham gia vào HTX, gia đình anh chị đã được đưa đi tập huấn ở huyện Ba Vì và thành phố Hà Nội.
"Quy trình chăm sóc của OCOP rất khắt khe, từ nước phải là nước sạch, phân bón hữu cơ đã ải mục. Việc cắt tỉa cành, hái chè cũng được thực hiện theo đúng quy trình và được ghi lại bằng sổ sách rõ ràng để cán bộ HTX kiểm tra thường xuyên. Nếu hộ nào vi phạm điều lệ sẽ đưa ra khỏi HTX" – anh Thanh cho biết thêm.
Nghe chồng nói vậy, chị Thiết chia sẻ thêm. Việc sản xuất an toàn, trước hết là đảm bảo sức khỏe cho chính bản thân họ. Chị Thiết mong muốn tất cả người dân đều thực hiện tốt quy trình sản xuất OCOP, từng bước nâng cao chất lượng của sản phẩm, từ đó xây dựng thương hiệu chè, có như vậy giá trị của chè mới được nâng cao, đời sống của người dân mới được cải thiện.
Theo ông Bảy, trước đó, năm 2025 làng nghề chè Phú Yên đã được thành phố Hà Nội công nhận là "Làng nghề chè truyền thống Phú Yên. Năm 2020, thành phố đã hộ trợ 500 triệu đồng để HTX xây dựng thương hiệu chè tập thể Phú Yên.
"Hiện mô hình chè tập thể Phú Yên đã được HTX xây dựng thành công và dang chờ Cục Sở hữu Trí tuệ công nhận. Nhưng dù được công nhận, thì việc gìn giữ và phát triển được hay không phục thuộc phần lớn vào ý thức, trách nhiệm của mỗi thành viên trong HTX và người dân ở Phú Yên. Chúng tôi hi vọng một ngày không xa, chè Phú Yên – Yên Bài (Ba Vì, Hà Nội) sẽ được nhiều người biết đến như biết đến chè Tân Cương (Thái Nguyên), Suối Giàng (Yên Bái)… vậy!"- ông Bảy bày tỏ.