Cây chè giúp người dân làm giàu trên quê hương
Có mặt ở Thuận Châu (Sơn La) từ những năm 60 mươi của thế kỷ trước, cây chè đã khẳng định được vị trí, đem lại thu nhập cao cho người nông dân.
Xây dựng thương hiệu cây chè
Những ngày tháng 3, giữa tiết trời mát mẻ của vùng cao Tây Bắc, chúng tôi đến với vùng chè của xã Phổng Lái thuộc huyện Thuận Châu (Sơn La). Những nương chè xanh bát ngát giữa sắc trắng của mây, thấp thoáng hình ảnh các cô gái Thái đang nhẹ nhàng hái từng búp chè xanh. Cây chè bén rễ với mảnh đất Phồng Lái từ những năm 60 của thế kỷ trước, đến nay đã trở thành vùng đất sản xuất cây công nghiệp rộng lớn của huyện Thuận Châu. Để có được thương hiệu nổi tiếng như hiện tại, cây chè tại đây đã trải qua nhiều biến cố.
Về vùng chè Phổng Lái lần này, chúng tôi gặp được bà Nguyễn Thị Bình, Phó Giám đốc HTX sản xuất kinh doanh và dịch vụ tổng hợp Bình Thuận (xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu), bà là một trong những người đầu tiên xây dựng thương hiệu chè phổng Lái. Bà Bình chia sẻ: Gốc gia đình bà ở Thái Bình. Những năm 1960, bố mẹ từ Thái Bình lên vùng đất Phổng Lái để khai hoang, lập nghiệp. Đến năm 1971, bà được sinh ra ở Phổng Lái và gắn bó với mảnh đất ở đây đến tận bây giờ. Ngày từ khi còn nhỏ, cuộc sống của bà đã gắn liền với cây chè. Cũng vì thế, bà hiểu được những nỗi khó khăn, vất vả của người trồng chè ở gần nhà. Bà mong muốn góp sức mình để chia sẻ khó khăn với người dân trong bản, đồng thời tăng thu nhập cho bà con.
Nhận thấy điều kiện tự nhiên, khí hậu của xã Phổng Lái phù hợp với phát triển cây chè, sau khi khảo sát, nắm bắt nhu cầu thị trường, năm 2013, bà đã thành lập HTX sản xuất kinh doanh và dịch vụ tổng hợp Bình Thuận. Mục tiêu của HTX là sản xuất chè, làm thương hiệu để cung cấp cho thị trường, góp phần nâng cao giá bán chè cho người dân địa phương. HTX Bình Thuận được thành lập tháng 10/2013, chị được tín nhiệm bầu làm Phó Giám đốc HTX. Các sản phẩm chính của HTX, gồm: Chè kim tuyên, shan tuyết, chè lai F1, F2, 100% chè sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn. Dây chuyền sản xuất của HTX hiện đang có công suất 20 tấn chè búp tươi/ ngày, tương đương với khoảng 4 tấn chè khô thành phẩm. Trung bình mỗi năm bao tiêu khoảng 2.500 tấn chè búp tươi cho bà con, sản xuất 500 tấn chè khô xuất ra thị trường.
Sản phẩm chè của HTX được người tiêu dùng đón nhận. Hiện tại, sản phẩm chè của HTX Được xuất khẩu sang các thị trường quốc tế như Đài Loan và Thái Lan. "Mỗi năm, tại thị trường trong nước tiêu thụ khoảng 30 - 40 tấn chè Trọng Nguyên. Đặc biệt, thị trường Đài Loan tiêu thụ khoảng 500 - 600 tấn chè búp khô, tương đương gần 3.000 tấn chè búp tươi", bà Bình chia sẻ.
Cuối năm 2019, sản phẩm chè Phổng Lái, Thuận Châu của HTX đã được UBND tỉnh Sơn La chứng nhận là sản phẩm OCOP và đạt hạng sản phẩm 4 sao. Năm 2019, HTX được UBND tỉnh Sơn La cấp chứng nhận "Chè Trọng Nguyên – Phổng Lái Thuận Châu" là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. Tháng 9/2020 sản phẩm Chè Trọng Nguyên - Phổng lái Thuận Châu được Tổng hội Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam Chứng nhận là sản phẩm đạt danh hiệu "Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2019".
Ngoài tạo việc làm cho hội viên, HTX Bình Thuận đã liên kết sản xuất với 500 hộ nông dân ở các xã như Phổng Lái, xã Chiềng Pha, Xã Mường E (huyện Thuận Châu), giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương với thu nhập bình quân gần 5 triệu đồng/người/ tháng.
Đặc biệt khi HTX mở rộng liên kết trồng chè đã giúp người dân sản xuất ổn định giảm hẳn việc khai thác rừng trái phép; 100% các hộ dân được trang bị kiến thức về bảo vệ môi trường, kiến thức về sử dụng phân bón, về sử dụng thuốc trừ sâu theo nguyên tắc IPM đặc biệt trong sản xuất bền vững không sử dụng thuốc diệt cỏ. Do vậy, ý thức bảo vệ môi trường của người trồng chè là một tiêu chí sản xuất chè bền vững khi tham gia liên kết với HTX Bình Thuận, bà Bình chia sẻ.
Nói về sản phẩm chè Trọng Nguyên của HTX, bà Bình cho biết: Sản phẩm chè Trọng Nguyên tại HTX Bình Thuận được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, áp dụng quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái, chế biến nghiêm ngặt , đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và hiện đang hướng tới sản xuất theo quy trình hữu cơ. Chè Trọng Nguyên chế biến từ những đọt chè non, xanh tươi mơn mởn. Chè được trồng ở độ cao 1.648m so với mực nước biển nên có nhiều khác biệt với chè tại các địa phương khác, nước chè có màu xanh tự nhiên, hương thơm nhẹ nhàng và vị dịu, ngọt đậm đặc trưng. Chè được chế biến qua công đoạn sao diệt men, sau đó được đưa vào máy vò thủ công, tiếp đến là công đoạn sấy chè, kết hợp sấy 1 lượt trên máy sấy băng tải, khi độ ẩm của chè còn khoảng 33-36 % thì cho vào quả tôn quay để sao.
Đây là quá trình sao khô, độ ẩm sản phẩm còn 3-5% là đẹp nhất, sẽ đảm bảo được trọn vẹn hương vị thiên nhiên trong từng ngụm chè. Đặc biệt, để chè có chất lượng tốt, HTX thường thu hái chè vào buổi sáng sớm, khi những tia nắng mặt trời bắt đầu ló rạng, những búp chè còn đọng nguyên sương đêm trong lành, tinh khiết của đất trời tạo lên hương vị chè đậm đà, đặc trưng. Chè Trọng Nguyên thuộc tính mát, trước đắng sau ngọt, giúp đem đến sự tỉnh táo cho người dùng đồng thời giúp giải khát, làm mát cơ thể, giải độc và hỗ trợ hệ tiêu hóa. Ngày nay việc uống chè đã đi vào tâm thức người Việt một cách tự nhiên , tĩnh lặng.
Cây chè giúp nông dân vùng cao phát triển kinh tế
Cây chè là một trong những cây trồng chủ lực của huyện Thuận Châu, được trồng từ những năm 1959 với giống chè Shan tuyết, chủ yếu ở khu vực xã Phổng Lái và dưới chân đèo Pha Đin. Do thích hợp với điều kiện địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương, cùng với việc áp dụng quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái, sản xuất, chế biến nghiêm ngặt mà sản phẩm chè trồng tại huyện Thuận Châu có nhiều điểm khác biệt và ưu thế hơn với chè của các địa phương khác như: nước chè có màu xanh tự nhiên, hương thơm nhẹ nhàng, vị đậm chất dịu và ngọt, được nhiều người dùng trong nước và thị trường nước ngoài ưa chuộng, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Đến nay, diện tích cây chè đã được mở rộng ra trồng ở nhiều xã trong huyện Thuận Châu như Phổng Lái, Chiềng Pha, Mường É, Phổng Lập với diện tích trên 1.000 ha. Được biết, với định hướng mang tính dài hơi, thời gian tới, huyện Thuận Châu sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn để đồng bào các dân tộc trong huyện nói chung và người dân xã Phổng Lái nói riêng hiểu, xác định cây chè là cây chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với các loại cây trồng khác.
Đồng thời, bổ sung, hoàn chỉnh quy hoạch; tiếp tục phát triển cây chè tại một số địa bàn hiện nay vẫn còn diện tích đất trống, giúp người dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La.