|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sản xuất phân hữu cơ từ công nghệ Nhật Bản

Với mong muốn tìm ra sản phẩm phân bón tốt nhất phục vụ nông dân trong canh tác nông nghiệp, Hợp tác xã (HTX) Hòa Phú, xã Bù Nho, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước đã ký kết hợp tác sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh với Công ty Futaba Sankyo (Nhật Bản). Ngay sau lễ ký kết, HTX đã sản xuất thử nghiệm phân bón hữu cơ vi sinh theo công nghệ của Nhật.

Ông Hà Thanh Thuẫn, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Hòa Phú cho biết: Trước đây được sự chuyển giao của Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên và thụ hưởng dự án nông thôn miền núi về sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh và các chế phẩm sinh học Hudavil từ chất thải rắn và bùn hồ sinh học của các nhà máy chế biến tinh bột mì tại Bình Phước, Công ty cổ phần Nghiên cứu và Phát triển công nghệ sạch, xã Bù Nho, huyện Phú Riềng, thành viên HTX đã sản xuất thành công phân bón hữu cơ Hudavil phục vụ nông dân trong và ngoài tỉnh.

Ông TsuChida, Giám đốc Kỹ thuật Công ty Futaba Sankyo (hàng đầu thứ 2 từ phải qua) cùng lãnh đạo huyện Phú Riềng tham quan vườn cây của HTX Hòa Phú

Để bắt nhịp công nghệ tiên tiến mới, HTX Hòa Phú đã liên kết với Công ty Futaba Sankyo sản xuất thử nghiệm phân bón hữu cơ vi sinh theo công nghệ của doanh nghiệp này. “Để đánh giá chất lượng, HTX sử dụng 20 tấn phân bón của Nhật mang sang chăm sóc thử cho cây trồng. Chúng tôi khảo nghiệm thực tế từ mô hình trồng rau và hoa, một bên là bón phân Hudavil, một bên là bón phân của Nhật. Qua theo dõi nhận thấy, chất lượng rau và hoa phát triển ngang nhau, nhưng điểm khác biệt là luống rau và hoa bón phân của Nhật ít bị sâu bệnh phá hoại hơn” - ông Thuẫn cho biết.

Công ty Futaba Sankyo (Nhật Bản) ký kết hợp tác sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh với HTX Hòa Phú 

Hiện HTX đã làm thử nghiệm 2 mô hình ủ phân để đối chứng. Một mô hình làm theo công nghệ của Nhật với khối lượng 100 tấn, gồm phân heo, bùn sinh học, đạm cá và chế phẩm của Công ty Futaba Sankyo; công nghệ này ủ theo phương pháp hiếu khí. Còn mô hình đối chứng làm theo công nghệ ủ phân truyền thống được chuyển giao từ Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên, với khối lượng 50 tấn nguyên liệu cũng gồm phân heo, bùn sinh học, phân hóa học và chế phẩm sinh học của viện, được ủ theo phương pháp yếm khí, phủ bạt để giữ cho phân hoai mục. Trong thời gian thử nghiệm, hằng ngày HTX phải đo các thông số như độ pH, nhiệt độ… sau đó gửi các kỹ sư của Nhật để điều chỉnh cho phù hợp.

Ông Vũ Mạnh Tùng, Chủ nhiệm HTX Hòa Phú cho biết, thực chất về cách phối trộn và đưa chế phẩm sinh học vào ủ phân thì hai công nghệ đều giống nhau. Nhưng công nghệ của Nhật chủ yếu là dùng nội tạng động vật và những chất có hàm lượng axít amin cao để tăng độ đạm của phân, không sử dụng phân hóa học. Còn công nghệ cũ mà HTX đang áp dụng vẫn phải bổ sung phân đa lượng để đủ hàm lượng chỉ tiêu đã đăng ký.

“Nhật Bản có nền khoa học và công nghệ phát triển rất cao. Việc HTX Hòa Phú liên kết với Nhật Bản mở ra rất nhiều điều hay. Thứ nhất, mình tiếp cận được nền khoa học và công nghệ tiên tiến, thứ hai là tiếp cận được công nghệ sản xuất phân hữu cơ tự nhiên theo chuẩn Nhật Bản. Do vậy, việc hợp tác với họ sẽ giải quyết được bài toán môi trường tại địa phương, tạo việc làm cho nhiều lao động và đặc biệt là hạ giá thành sản phẩm”.

Ông VŨ MẠNH TÙNG
Chủ nhiệm HTX Hòa Phú, xã Bù Nho, huyện Phú Riềng

 

Theo thỏa thuận hợp tác sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh giữa HTX Hòa Phú với Công ty Futaba Sankyo, công ty sẽ hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ để sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh theo tiêu chuẩn của Nhật Bản dựa trên nguồn nguyên liệu có sẵn tại địa phương; phạm vi hợp tác bao gồm lập kế hoạch nghiên cứu, phát triển, thiết kế, sản xuất và bán hàng để phát triển sản phẩm mới. Việc hợp tác sẽ giúp giải quyết vấn đề về môi trường, phát triển kinh tế và tạo việc làm cho người dân địa phương.

Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ, huyện Phú Riềng chụp hình lưu niệm cùng đại diện Công ty Futaba Sankyo (Nhật Bản)

“Công ty Futaba Sankyo có 43 năm trong sản xuất phân bón hữu cơ, là công ty con của một tập đoàn chuyên về xử lý môi trường. Ngoài nguyên liệu chính là bùn, nước thải sinh hoạt thì còn sử dụng phế - phụ phẩm nông nghiệp làm tăng hàm lượng dinh dưỡng trong phân bón. Sản phẩm phân bón của công ty đã được các hiệp hội và nông dân Nhật Bản sử dụng hơn 40 năm qua” - ông TsuChida, Giám đốc Kỹ thuật Công ty Futaba Sankyo cho biết.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết