|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chìa khóa nâng tầm sản phẩm OCOP

Đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) trong sản xuất, chế biến chính là một trong những biện pháp hữu hiệu đã và đang được các chủ thể sản xuất, doanh nghiệp, HTX sử dụng, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả kinh tế cho sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh.

Nâng tầm sản phẩm OCOP

KHCN đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa hoạt động sản xuất kinh doanh. Thời gian qua, nhiều công trình nghiên cứu KHCN đã được áp dụng thành công vào các lĩnh vực sản xuất và kinh doanh của các doanh nghiệp, đơn vị khác nhau; góp phần đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, nâng cao năng suất, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp. Hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 - cuộc cách mạng sản xuất mới gắn liền với những đột phá về công nghệ, tích hợp và kết nối internet đang diễn ra mạnh mẽ. Đây vừa là thách thức và cũng là cơ hội lớn đối với các doanh nghiệp tiếp cận, ứng dụng và đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo đảm cho sự phát triển nhanh và bền vững.

Quảng Ninh hiện là địa phương đi đầu trong cả nước về phát triển sản phẩm OCOP nhờ áp dụng KHCN vào sản xuất.

Nhiều năm qua, nhờ ứng dụng KHCN trong sản xuất, Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) của Quảng Ninh đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Quảng Ninh hiện là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng sản phẩm OCOP với 565 sản phẩm, trong đó có 193 sản phẩm hạng 3 sao, 68 sản phẩm hạng 4 sao, 3 sản phẩm hạng 5 sao cấp tỉnh và 3 sản phẩm hạng 5 sao cấp quốc gia.

Nhiều sản phẩm OCOP chủ lực trên địa bàn tỉnh được ứng dụng KHCN vào các khâu sản xuất, chế biến, bảo quản, đóng gói và tiêu thụ. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng, đa dạng hóa mẫu mã, giúp nâng tầm giá trị trên thị trường và quan trọng nhất là chiếm được lòng tin của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Điển hình trong thành công nhờ ứng dụng KHCN có thể kể đến các sản phẩm OCOP của huyện Hải Hà, tiêu biểu là sản phẩm chè Đường Hoa. Được xác định là cây mang lại giá trị kinh tế cao, phù hợp với thổ nhưỡng địa phương, cây chè được chọn là cây trồng chủ lực.

Nhiều sản phẩm OCOP chủ lực trên địa bàn tỉnh được ứng dụng KHCN vào các khâu sản xuất, chế biến, bảo quản, đóng gói và tiêu thụ.

Nhờ ứng dụng KHCN xây dựng mô hình sản xuất và chế biến chè theo hướng VietGAP mà đến nay, sản phẩm chè Đường Hoa đã có nhãn hiệu tập thể và chỉ dẫn địa lý; tham gia Chương trình OCOP và được xếp hạng 4 sao. Huyện cũng tập trung nâng cao giá trị cho cây chè bằng cách khuyến khích người dân tiếp tục chuyển đổi cơ cấu giống chè, trong đó trồng mới và trồng thay thế giống chè già cỗi, năng suất, chất lượng thấp bằng những giống chống chịu sâu bệnh, năng suất, chất lượng cao, mục tiêu nâng tỷ lệ diện tích chè giống mới trên toàn huyện đạt trên 85% vào năm 2030.

Ngoài ra, huyện cũng vận động người dân đầu tư thâm canh diện tích chè kinh doanh theo quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP), vận động các doanh nghiệp, cơ sở chế biến đổi mới, nâng cấp công nghệ, đặc biệt là công nghệ chế biến chè xanh cao cấp, áp dụng chặt các tiêu chuẩn của một số công đoạn trọng yếu trong chế biến như: Hấp chè, vò chè, sao lăn và phân loại trước khi đóng gói. Chính vì thế, cây chè đã mang lại thu nhập đáng kể, đặc biệt là sản xuất chè công nghiệp đã mang lại nguồn thu chính cho các hộ dân. Thương hiệu chè Đường Hoa đã được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng, nhu cầu xuất khẩu sản phẩm ngày càng lớn.

Người dân xã Đường Hoa (huyện Hải Hà) thu hái chè. Ảnh: Thu Nguyệt

Không dừng lại ở đó, huyện Hải Hà còn phát triển cây chè gắn với du lịch sinh thái nhằm nâng cao đời sống người dân các vùng trồng chè, đồng thời quảng bá sản phẩm chè Hải Hà đến với du khách. Để phát triển cây chè gắn với du lịch sinh thái, hiện nay các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện đang chú trọng áp dụng giải pháp công nghệ sạch, an toàn trong sản xuất chè; tăng cường hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm thông qua các ngày hội để mở rộng thị trường, cũng như thu hút du khách.

Huyện Hải Hà cũng đã tổ chức nhiều hoạt động để giới thiệu, quảng bá sản phẩm chè, tôn vinh những người sản xuất, kinh doanh chè và cũng là dịp thu hút du khách đến với Hải Hà.

Miến dong Bình Liêu - sản phẩm OCOP được đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.

Là một trong những sản phẩm OCOP chủ lực của tỉnh Quảng Ninh, miến dong Bình Liêu được đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh yêu thích, hiện có mặt tại nhiều cửa hàng nông sản sạch, trung tâm thương mại lớn. Là một trong những sản phẩm OCOP nổi tiếng nhất của huyện miền núi, biên giới Bình Liêu, miến dong hiện đã được xếp hạng tiêu chuẩn 4 sao. Vùng nguyên liệu miến dong đã được huyện quy hoạch phát triển thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung với diện tích lên tới trên 200ha.

Bên cạnh việc nghiên cứu, ứng dụng các giống dong riềng cho năng suất cao vào sản xuất, đồng thời quy hoạch vùng sản xuất tập trung, việc áp dụng KHCN vào phòng chống bệnh hại cây cũng được Sở KH&CN và địa phương hết sức chú trọng. Từ năm 2018, việc nghiên cứu giải pháp phòng, chống tổng hợp bệnh hại cây dong riềng đã được Sở KH&CN đưa vào nhiệm vụ KHCN của đơn vị. Theo đó, Sở đã thực hiện nhiệm vụ đánh giá hiện trạng, xác định chính xác nguyên nhân một số bệnh hại phổ biến trên cây dong riềng hiện nay tại huyện Bình Liêu (bệnh thối thân và cháy lá); nghiên cứu và đề xuất các giải pháp KH&CN phòng, chống các loại bệnh phổ biến trên cây dong riềng phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu và trình độ tiếp nhận của người dân tại huyện Bình Liêu; xây dựng hai mô hình áp dụng quy trình phòng, chống bệnh thối thân và bệnh cháy lá cây dong riềng tại huyện Bình Liêu; tập huấn kỹ thuật phòng, chống bệnh hại trên cây dong riềng cho cán bộ và các hộ nông dân sản xuất dong riềng trên địa bàn…

Nhờ áp dụng KHCN vào sản xuất, sản phẩm miến dong Bình Liêu đã trở thành sản phẩm OCOP chủ lực không chỉ của huyện Bình Liêu mà còn trở thành sản phẩm chủ lực của tỉnh, ngày càng được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.

Tiếp tục phát huy vai trò của KHCN

Với mục tiêu nâng tầm sản phẩm OCOP trên thị trường, nhiều năm qua, tỉnh luôn tạo mọi điều kiện, xây dựng các chính sách đặc thù để hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp về đất đai, tín dụng, thiết bị sản xuất, xúc tiến thương mại, đào tạo, bồi dưỡng... Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào các khâu sản xuất, kinh doanh các sản phẩm OCOP, khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân thông qua những cơ chế, chính sách hỗ trợ về xây dựng thương hiệu; xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm; kết nối người dân, nhà quản lý, nhà khoa học; hỗ trợ vốn vay xây dựng nhà xưởng, đầu tư công nghệ...

Theo thống kê của Sở KH&CN, giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh có khoảng 10 đề án hỗ trợ trang bị thiết bị, dây chuyền hiện đại hóa sản xuất cho các sản phẩm OCOP như: Hỗ trợ máy sấy nông sản trị giá 190 triệu đồng cho HTX Phát triển xanh (huyện Ba Chẽ), máy ép dầu thực vật trị giá 100 triệu đồng cho hộ ông Hoàng Văn Quý (TP Cẩm Phả); hiện đại hóa máy móc sản xuất đá, nước lọc ở huyện Cô Tô, Đầm Hà, Ba Chẽ...

Các loại rau, củ, quả được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.

Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 - cuộc cách mạng sản xuất mới gắn liền với những đột phá về công nghệ đã đặt ra yêu cầu cho các tổ chức, doanh nghiệp phải thích ứng với khoa học, kỹ thuật hiện đại. Điều này cũng góp phần thúc đẩy các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, cá nhân tham gia phát triển kinh tế phải đầu tư và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mạnh mẽ, nâng cao hiệu quả quá trình sản xuất kinh doanh các sản phẩm OCOP của tỉnh. Nhận thức rõ những thách thức đó, các ngành chức năng của tỉnh, đặc biệt là Sở KH&CN đã chủ động hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hoá công nghệ, nâng cao năng suất lao động; khuyến khích các cơ sở khoa học, các nhà quản lý, các nhà khoa học liên kết với doanh nghiệp, người dân trong việc đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP của tỉnh.

Để phát huy tốt vai trò của KHCN tham gia thực hiện chương trình OCOP của tỉnh, theo ông Phạm Xuân Đài, Giám đốc Sở KH&CN, thời gian tới, Sở sẽ triển khai một số giải pháp trọng tâm như: Hỗ trợ doanh nghiệp, đơn vị chuyển đổi áp dụng KHCN và kỹ thuật mới, tiêu chuẩn mới vào sản xuất kinh doanh nhằm cải thiện và ổn định chất lượng sản phẩm OCOP; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ mới, tiên tiến, hiện đại trong sản xuất, bảo quản, chế biến đối với sản phẩm OCOP; hướng dẫn xây dựng tiêu chuẩn cơ sở, chuẩn hóa chất lượng sản phẩm… Các hoạt động hỗ trợ của Sở KH&CN đã giúp các doanh nghiệp, tổ chức, hộ sản xuất, kinh doanh không ngừng nâng cao chất lượng, hoàn thiện mẫu mã, đẩy mạnh xúc tiến thương mại và gia tăng sản lượng để nâng tầm sản phẩm OCOP của tỉnh.

Sản phẩm Trà hoa vàng Quy Hoa (huyện Hải Hà) được giới thiệu tới người tiêu dùng.

Bằng nhiều cách làm linh hoạt, sáng tạo, đột phá và sát với thực tế, chương trình OCOP của tỉnh Quảng Ninh đã được Trung ương ghi nhận, lựa chọn triển khai nhân rộng khắp cả nước, trong đó phải kể đến vai trò quan trọng của KH&CN trong việc duy trì, nâng cao giá trị và phát triển bền vững các sản phẩm OCOP. Có sự đầu tư về KH&CN không chỉ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, góp phần tích cực thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết