Con gà, con lợn nuôi lấy thịt cũng phải được... hạnh phúc
Bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia trao đổi bên lề Hội thảo “Phúc lợi động vật, xu hướng, cơ hội và giải pháp cho ngành chăn nuôi Việt Nam” của Trung tâm Khuyến nông quốc gia tổ chức tại TP.HCM sáng nay 4/8.
Theo bà Hạnh, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đang xây dựng các bộ tài liệu với yêu cầu đảm bảo phúc lợi động vật cho gà mái đẻ và heo nái. Mục tiêu là tạo ra quy trình chăn nuôi từ chuồng trại cho đến thức ăn, sân chơi đảm bảo điều kiện tốt nhất cho vật nuôi.
Ngành chăn nuôi được lợi lớn khi xây dựng phúc lợi động vật
Thưa bà, hiện mức độ Việt Nam, đặc biệt là ngành chăn nuôi, đang xây dựng phúc lợi động vật ra sao?
- Đối với phúc lợi động vật, về mặt thể chế, Việt Nam có 2 Luật: Luật Chăn nuôi (có 4 điều) và Luật Thú y (có 2 điều).
Trong nghị định thi hành Luật Chăn nuôi có thực hiện các giải pháp đảm bảo yêu cầu phúc lợi động vật theo tiêu chuẩn quốc tế.
Phúc lợi động vật có các tiêu chuẩn quốc tế, gồm: Làm cho con vật bỏ bản năng tự nhiên, không bị đói khát, không bị khó chịu, không bị đau đớn, tổn thương, bệnh tật, không bị sợ hãi, đau khổ và có quyền biểu hiện tập tính tự nhiên.
Đảm bảo phúc lợi động vật là một quá trình từ con giống, quy trình chăn nuôi cho đến giết mổ, bảo quản, vận chuyển để đảm bảo cho con vật có thể trạng tốt nhất nhằn tạo ra sản phẩm thịt, trứng, sửa có chất lượng tốt nhất.
Hiện, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đang hướng dẫn cho người chăn nuôi phối hợp giữa tiêu chí phúc lợi động vật với tiêu chí đảm bảo an toàn sinh học, phòng chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm.
Tất cả những yêu cầu về chất lượng thịt hiện nay được hướng dẫn cho người chăn nuôi qua các chương trình đào tạo, tập huấn và truyền thông.
Ngành chăn nuôi Việt Nam được lợi ích gì khi tham gia phúc lợi động vật?
- Nếu thực thi các cam kết phúc lợi động vật, sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam sẽ được xuất khẩu ra thị trường quốc tế nhiều hơn. Các thị trường khó tính, như: Anh, châu Âu, Nhật, Mỹ… đều yêu cầu các sản phẩm động vật phải đảm bảo phúc lợi động vật.
Khi sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam có đầy đủ các chính sách về phúc lợi động vật giá cả sẽ xuất chính ngạch qua các thị trường lớn khó tính với giá cao và ổn định, ít rủi ro. Khi ấy, sẽ giải quyết cho Việt Nam không chỉ vấn đề kinh tế, lợi ích quốc gia mà còn cả về yếu tố đạo đức giữa con người với động vật, vật nuôi…
Giải quyết khó khăn khi tham gia phúc lợi động vật
Các nước nhập khẩu, nhất là khối châu Âu luôn đề cao phúc lợi của vật nuôi, bộ tài liệu sẽ có những hướng dẫn như thế nào để đạt được điều này?
- Sản phẩm động vật Việt Nam muốn vươn tới các thị trường quốc tế phải đảm bảo đáp ứng các tiêu chí của nước nhập khẩu.
Hiện, trong tất cả các lĩnh vực chăn nuôi gia cầm, gia súc đều định hướng đáp ứng được các tiêu chuẩn, như: An toàn thực phẩm để phục vụ như cầu người dân trong nước; đáp ứng một số tiêu chuẩn quốc tế để hướng tới các nhà nhập khẩu quốc tế, trong đó phúc lợi động vật là tiêu chí chung. Ngoài ra, một số nước có đặc thù riêng, như: Châu Âu, Mỹ, Nhật…
Chúng tôi đánh giá, hiện nay ngành chăn nuôi có một số vấn đề khó khăn gặp phải khi thực hiện phúc lợi động vật, như quản lý dịch bệnh trong chăn nuôi.
Bên cạnh đó, quy mô chăn nuôi của Việt Nam còn nhỏ, lẻ, nên việc áp dụng đồng bộ các giải pháp về chăn nuôi an toàn sinh học với người chăn nuôi còn khó. Việc quy hoạch các vùng nuôi để đảm bảo điều kiện chăn nuôi tốt cũng là một vấn đề.
Một cái khó nữa là phải tạo liên kết sản xuất tốt, trong đó giết mỗ tập trung, an toàn vệ sinh thực phẩm. Tâm lý bà con nông dân chủ yếu coi trọng chất lượng, sản lượng, giá cả thức ăn chăn nuôi tăng cao cũng là cái khó để thực thi phúc lợi động vật cho ngành chăn nuôi…
Bà hy vọng gì khi Việt Nam tham gia phúc lợi động vật?
- Thị trường chăn nuôi của Việt Nam rất lớn. Chúng tôi hy vọng sản phẩm Việt Nam sẽ vươn ra thị trường quốc tế ngày càng nhiều hơn khi Việt Nam đáp ứng các quy định chung của quốc tế, trong đó có phúc lợi động vật.
Xin cảm ơn bà!