|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Dâu xanh mướt đất Đam B'ri

Xã Đam B’ri, TP Bảo Lộc, nay là một vùng quê trù phú. Một điều khá đặc biệt, người Đam B’ri nhà nào cũng trồng dâu, nuôi tằm, tạo nên vùng dâu xanh mướt, màu xanh của khá giả, của no ấm.

 
 
Gia đình chị Trần Thị Nga, Thôn 10, xã Đam B’ri nuôi tằm trên sàn xi măng
Gia đình chị Trần Thị Nga, Thôn 10, xã Đam B’ri nuôi tằm trên sàn xi măng
 
Bà Mai Thị Phượng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đam B’ri tự hào nêu lên những con số đáng nể: Đam B’ri có 505 ha dâu cao sản, gần cả ngàn hộ dân cư đều trồng dâu, nuôi tằm và xã không ít tỉ phú đích thực từ trồng dâu nuôi tằm. Chỉ riêng địa bàn xã, có tới 6 nhà nuôi tằm con, cung ứng trên 2 ngàn hộp tằm/tháng cho các nông hộ trong và ngoài xã. Chỉ tính đơn giản một hộp trứng cho năng suất 50 kg kén, mỗi năm Đam B’ri sản xuất cả ngàn tấn tơ xe óng mượt, phục vụ chủ yếu cho xuất khẩu cũng như cho các nhà máy dệt trên địa bàn dệt nên những tấm lụa tơ tằm lừng danh. Tính đơn vị cấp xã, Đam B’ri là địa phương có diện tích dâu tằm “khủng” của Lâm Đồng. 
 
Một gia đình nông dân giản dị, gia đình chị Trần Thị Nga, Thôn 10 xã Đam B’ri chia sẻ, nhà chị chỉ có 3 sào dâu, chuyên canh tác giống dâu cao sản S7-CB. Với 3 sào dâu nuôi tằm theo kiểu gối đầu, trừ hết chi phí, anh chị thu được mỗi tháng 25 triệu đồng. Chị Nga đánh giá: “Nông dân Thôn 10 chúng tôi hầu hết nhà nào cũng nuôi tằm, nhà nhiều, nhà ít nhưng ai cũng phải trồng ít nhất 1 - 2 sào dâu. Có nhà trồng cả mẫu, nuôi chục hộp/tháng, thu cả trăm triệu đồng”. Chị Nga cũng cho biết, khác với cách nuôi xưa vất vả, “nuôi tằm ăn cơm đứng”, giờ nuôi tằm ứng dụng công nghệ mới rất nhàn, dễ chăm sóc, chỉ cần 1 người mất vài tiếng/ngày là đủ chăm sóc 3 sào dâu và 1 nhà tằm. 
 
Bà Mai Thị Phượng cho biết, nghề trồng dâu nuôi tằm vốn là truyền thống của người Đam B’ri, nhiều gia đình đã nuôi tằm từ những năm 1990. Ban đầu, người Đam B’ri nuôi tằm kiểu cũ, trên nong tròn, dâu giống cổ truyền lá nhỏ nên khá vất vả. Cùng với sự hỗ trợ của các nhà khoa học, kỹ thuật trồng dâu, nuôi tằm của bà con Đam B’ri ngày càng thay đổi. Với khí hậu vừa phải, nhiệt độ không quá chênh lệch, người Đam B’ri chủ yếu chọn nuôi tằm trên nền xi măng do mát, không phải thay phân, cho ăn dễ dàng và khi tằm lên né, thu hoạch kén xong cũng dễ làm vệ sinh nhà tằm. Bà Mai Thị Phượng đánh giá: “Trồng dâu, nuôi tằm tại Đam B’ri được khép kín thành một chu trình, từ nhà nuôi tằm con, đưa ra ngoài cho nhà nuôi tằm lớn, tới nhà xe tơ đóng chân ngay tại địa phương tiến hành thu mua kén nên rất thuận tiện. Đồng thời, vì tằm con được sản xuất ngay tại địa phương nên nông dân tiện lấy tằm, tằm con cũng quen với khí hậu tại chỗ nên khỏe, ít bệnh tật. Năng suất kén của Đam B’ri ở mức 50 - 60 kg/hộp, là mức khá cao và chất lượng tơ rất tốt, được các nhà máy xe tơ mua cao hơn địa phương khác”.
 
Có được vùng Đam B’ri xanh mướt dâu tằm như hôm nay cũng nhờ sự thay đổi chung của cả nghề tằm. Những kỹ thuật nuôi tằm hiện đại, công cụ nuôi tằm được cải tiến, những giống dâu mới, tằm mới năng suất cao thường xuyên được chuyển giao cho nông dân. Đam B’ri cũng là địa phương thường xuyên thử nghiệm các kỹ thuật nuôi tằm mới của ngành Nông nghiệp. Một ví dụ rất cụ thể, hầu như nhà tằm nào tại xã Đam B’ri cũng trang bị những chiếc quạt, không phải cho người mà dùng để hong khô dâu trước khi cho tằm ăn, tránh tằm bị bệnh đường ruột vì ăn phải dâu ướt.
 
Gắn bó với tằm, người Đam B’ri cũng còn điều băn khoăn, đó là Lâm Đồng chưa chủ động được nguồn giống, vẫn phụ thuộc vào giống tằm nhập khẩu. Anh Đỗ Văn Hùng, Thôn 5, xã Đam B’ri, người có kinh nghiệm 20 năm nuôi tằm con, cung cấp tằm giống cho nhiều bà con trong xã chia sẻ, người làm giống rất mong tỉnh Lâm Đồng chủ động được trong sản xuất giống. Hiện tại, nhà giống của anh cũng như của bà con trong xã đều phụ thuộc vào nguồn giống nhập từ Trung Quốc, nhiều thời điểm đóng biên, khó qua lại là nguồn giống thiếu hụt rất nhiều. Anh cũng như các nhà sản xuất tằm con đều mong mỏi Lâm Đồng có trung tâm giống, sản xuất được giống tằm đạt chuẩn, chủ động được nguồn cung nội địa, giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường nước ngoài. Chủ động được giống, nghề tằm Lâm Đồng sẽ khép được vòng tròn giống - dâu - tằm - chế biến, giúp người nông dân ổn định hơn với cây dâu, con tằm.
 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết