|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Gương phụ nữ chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế

Chị Võ Thị Ánh Hương (39 tuổi), ở thôn Trường Lệ, xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) là tấm gương điển hình trong mô hình chăn nuôi tổng hợp, tạo dựng được mô hình chăn nuôi kết hợp trồng trọt, mỗi năm thu nhập gần 200 triệu đồng

Mô hình chăn nuôi heo của chị Võ Thị Ánh Hương, thôn Trường Lệ, xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi

Bằng suy nghĩ chân chất, yêu mãnh liệt đất quê hương của một người con gái vùng quê Hành Tín, năm 2015 sau khi lập gia đình, chị Võ Thị Ánh Hương đã bàn với chồng ý tưởng xây dựng mô hình nuôi trồng ngay tại quê nhà. Sau thời gian suy nghĩ, bàn bạc vợ chồng chị bắt tay vào cải tạo 3.000 m2 đất gò gồi của gia đình để đầu tư nuôi 200 con gà Ai Cập lấy trứng. Ưu điểm của giống gà này là dễ chăm, đẻ sai. Nhờ chăm sóc khoa học, vệ sinh khử trùng chuồng trại chăn nuôi đúng quy trình mỗi ngày đàn gà cho từ 150 đến 170 quả trứng, chất lượng trứng tương đương như trứng gà ta, được bán với giá từ 35 đến 40 nghìn đồng/chục, sau khi trừ các khoản chi phí, chị Hương thu lãi 150 nghìn đồng/ngày.

Cùng với đàn gà Ai Cập nuôi lấy trứng, chị Hương chủ động tìm hiểu, lựa chọn giống gà Mía của người dân các tỉnh phía Bắc về nuôi lấy thịt theo hình thức thả đồi. Mỗi lứa chị thả nuôi số lượng 300 con theo hình thức gối đầu. Được nuôi thả trong điều kiện tự nhiên và nguồn thức ăn bổ sung từ thóc trộn bột bắp, cám gạo, gà sinh trưởng khỏe, tăng trọng nhanh, chất lượng thịt đặc biệt thơm ngon. Nguồn thu từ đàn gà mía cũng tăng theo hàng năm. Mỗi tháng xuất bán 300 con, kiếm về 15 triệu đồng. Tận dụng quỹ đất còn trống chị Hương trồng rau an toàn bán ở chợ để có tiền chi tiêu hằng ngày.

Chưa dừng lại ở việc nuôi các giống gà đặc sản, bằng nguồn vốn tích lũy hằng năm và 100 triệu đồng vay từ chương trình hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm năm 2021 của Ngân hàng chính sách xã hội huyện Nghĩa Hành, vợ chồng chị Hương tiếp tục cải tạo, đầu tư mở rộng mô hình. Đến nay vợ chồng chị Hương đã mở rộng quy mô mô hình lên 1,2 ha gồm: 3 khu chuồng nuôi 1.000 con gà Ai cập, gà Mía; 1 khu chuồng nuôi 30 con heo nái giống; cây ăn quả có 400 cây xoài, mít, sầu riêng, cam, bơ, bưởi da xanh vào giai đoạn cho quả.

Gò đất đồi 3.000 m2 của gia đình chị Hương phát triển chăn nuôi, trồng trọt

Chị Hương chia sẻ: “Để có được thành quả như ngày hôm nay là cả một quá trình phấn đấu lao động của bản thân và gia đình. Ở địa phương chúng tôi, muốn làm nghề nông thành công, trước hết phải chọn hướng đi đúng, và quan trọng hơn là phải kiên trì, chịu khó, biết phát huy tiềm năng thế mạnh tại chính địa phương mình.Ban đầu chăn nuôi cũng gặp nhiều khó khăn nhưng nhờ tích lũy kinh nghiệm và học hỏi thêm trong quá trình chăn nuôi nên dần mang lại hiệu quả cao hơn. Tôi thấy trên báo đài đưa tin nhiều phụ nữ làm kinh tế giỏi nhờ phát triển mô hình chăn nuôi tổng hợp, tôi cũng mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô để phát triển kinh tế của gia đình mình”.

Với sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm trong phát triển kinh tế hộ gia đình, chị Hương đã xây dựng mô hình phát triển kinh tế chăn nuôi mang lại nguồn thu nhập ổn định, góp phần tăng thu nhập, giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế – xã hội địa phương ngày càng phát triển.

Như Đồng


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Chưa có thông tin