|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hỗ trợ người dân phát triển kinh tế nông nghiệp

Những năm qua, huyện Quảng Trạch đã tích cực hỗ trợ người dân thực hiện các mô hình kinh tế nông nghiệp nhằm nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững…

 
Tiếp sức cho nông dân
 
Cuối năm 2023, gia đình ông Phạm Văn Trực (xã Quảng Hợp) được Sở Khoa học-Công nghệ và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp (DVNN) huyện Quảng Trạch hỗ trợ 60 con giống lợn rừng có trọng lượng từ 4-6kg. Cùng với đó, gia đình ông cũng được hỗ trợ thức ăn, vắc-xin tiêm phòng bệnh và kỹ thuật chăm sóc.
 
Nhờ chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật, sau 6 tháng nuôi, tháng 4/2024, gia đình ông Trực đã xuất bán lứa lợn đầu tiên, thu về hơn 38 triệu đồng sau khi trừ các chi phí. Được sự hướng dẫn kỹ thuật của Trung tâm DVNN huyện, gia đình ông Trực tiếp tục lựa chọn giống lợn “chuẩn” để sinh sản thế hệ F2. Đến nay, đàn lợn của gia đình ông đang sinh trưởng và phát triển tốt.
 
Tương tự, từ nguồn hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), gia đình anh Nguyễn Văn Tiến (xã Quảng Hưng) đã đầu tư nhà lưới để sản xuất rau, củ, quả an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Trong nhà lưới có diện tích 1.200m2, gia đình anh đã luân phiên 1.400 gốc dưa lưới, 200 gốc dưa bao tử và các loại rau củ khác.

Ông Phạm Văn Trực (xã Quảng Hợp) được hỗ trợ, lai tạo giống gà rừng.

Ông Phạm Văn Trực (xã Quảng Hợp) được hỗ trợ, lai tạo giống gà rừng.

Anh Tiến cho biết, đến nay đã là vụ thứ 3 gia đình anh trồng các loại rau, củ, quả trong nhà lưới. Để cây trồng phát triển tốt, anh Tiến sử dụng phân hữu cơ và vi lượng nhập khẩu để bón cho cây. Giá thể trồng các loại cây rau củ được làm từ xơ dừa xử lý hoai mục theo phương pháp sinh học nên rau củ phát triển tốt, không bị côn trùng gây hại. Trong 3 năm qua, mô hình đã mang về cho gia đình anh nguồn thu nhập hơn 50 triệu đồng/vụ.
 
Trưởng phòng NN-PTNN huyện Quảng Trạch Trần Văn Định cho biết: Nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị kinh tế nông dân, đặc biệt là thực hiện Chương trình hành động số 06 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, giai đoạn 2021-2025, bình quân mỗi năm, huyện Quảng Trạch đã trích nguồn ngân sách để đầu tư xây dựng từ 9-12 mô hình sản xuất trên các lĩnh vực nông, lâm, thủy sản và sơ chế chế biến thủy sản.
 
Giảm nghèo bền vững
 
Cùng với việc hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế nông nghiệp, những năm qua, huyện Quảng Trạch cũng tranh thủ các nguồn và trích ngân sách để hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo đầu tư các mô hình sinh kế, giúp họ vươn lên thoát nghèo bền vững.
 
Gia đình bà Phan Thị Sáu (xã Quảng Kim) là hộ cận nghèo. Cùng với việc hỗ trợ giống, hướng dẫn kỹ thuật, gia đình bà được tạo điều kiện vay 100 triệu đồng nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội để xây dựng chuồng trại phát triển chăn gia súc, gia cầm. Đến nay, gia đình bà Sáu đã có nguồn thu nhập khá ổn định, đàn vật nuôi sinh trưởng và phát triển tốt. Đời sống gia đình bà nhờ đó cũng dần khấm khá hơn trước.
 
“Thời gian tới, UBND huyện tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và địa phương tiếp tục rà soát nhu cầu, khả năng của người dân, đặc biệt là các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện để kịp thời hỗ trợ các mô hình sản xuất kinh tế nông nghiệp phù hợp với điều kiện cụ thể của từng hộ và thế mạnh của từng địa phương. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để tất cả người dân được biết các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và của huyện; tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người dân trên các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt; chủ động lựa chọn và ký kết với các đơn vị có đủ năng lực, kinh nghiệm để cung cấp nguồn giống, thức ăn vừa làm đầu mối bao tiêu sản phẩm cho người dân...”, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch Phạm Minh Cảnh cho biết thêm.

Mới đây, huyện Quảng Trạch đã hỗ trợ mô hình nuôi gà ri lai F1 bán chăn thả giúp cho 28 hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn xã Quảng Tùng phát triển sản xuất theo chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021-2025. Nhờ được hỗ trợ về vốn, khoa học kỹ thuật, nhiều mô hình sinh kế đã phát huy hiệu quả, giúp người dân nâng cao thu nhập, vươn lên trong cuộc sống.

Giám đốc Trung tâm DVNN huyện Quảng Trạch Tưởng Chí Thành cho biết: Là đơn vị được UBND huyện giao thực hiện hỗ trợ các mô hình sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, trung tâm đã phối hợp với Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội và UBND các xã tập trung rà soát, phân loại hộ nghèo kỹ lưỡng, xác định rõ nguyên nhân nghèo, khả năng của từng hộ để kịp thời hỗ trợ mô hình cho phù hợp. Đồng thời, tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, dạy nghề... cho các hộ tham gia mô hình. Định kỳ phân công cán bộ chuyên môn kiểm tra, giám sát việc thực hiện mô hình; kịp thời hướng dẫn, giải quyết những vấn đề phát sinh, nhằm bảo đảm các mô hình triển khai đều đạt hiệu quả.
 
Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch Phạm Minh Cảnh cho rằng, việc hỗ trợ các mô hình sản xuất nông nghiệp cho nông dân, mô hình sinh kế cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ vừa thoát nghèo thời gian qua trên địa bàn huyện đã mang lại nhiều kết quả tích cực, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp chất lượng, có giá trị kinh tế cao. Đây cũng là hướng đi đúng, hiệu quả giúp các hộ cận nghèo, hộ nghèo vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và giảm nghèo bền vững ở địa phương.
Phan Phương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết