|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mở rộng liên kết sản xuất mắc ca ở Di Linh

Hơn 2 năm được xếp hạng OCOP 3 sao, Hợp tác xã (HTX) Liên kết Mắc ca Di Linh tiếp tục mở rộng diện tích liên kết sản xuất với nông dân từ các huyện Di Linh, Lâm Hà, Đức Trọng, Bảo Lâm của tỉnh Lâm Đồng đến các vùng nông nghiệp của tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk, nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu theo hợp đồng. 

 
 
HTX Liên kết Mắc ca Di Linh tiếp tục tham gia xúc tiến thương mại, kết nối với thị trường trong nước và xuất khẩu.
HTX Liên kết Mắc ca Di Linh tiếp tục tham gia xúc tiến thương mại, kết nối với thị trường trong nước và xuất khẩu.
 
Tháng 8/2019, phóng viên đến HTX Liên kết mắc ca Di Linh ghi nhận thông tin HTX này xuất khẩu thành công sang thị trường Úc và Hàn Quốc 2 tấn hạt mắc ca thành phẩm, tương ứng với 4 tấn nguyên liệu thu hoạch ở địa phương. Kết quả này cho thấy hướng phát triển theo chuỗi giá trị sản xuất mắc ca gắn với chế biến và tiêu thụ khá khả quan của HTX chỉ sau hơn một năm thành lập. Từ nền tảng xuất phát thuận lợi, HTX vươn lên cải tiến thiết bị máy móc, nâng cao công suất và chất lượng sản phẩm chế biến, đến các năm 2020, 2021 và 2022, sản lượng mắc ca liên kết thâm canh thu hoạch, chế biến xuất khẩu mỗi năm tăng vượt trội lên 20 tấn nguyên liệu cho ra 10 tấn thành phẩm. So sánh tỷ lệ xuất khẩu mắc ca chế biến của HTX mỗi năm đạt từ 10 - 15% tỷ lệ tiêu thụ trong nước. Đặc biệt, sau khi được xếp hạng OCOP 3 sao từ năm 2020 đến nay, sản phẩm mắc ca các loại chế biến của HTX tiêu thụ thị trường trong nước và xuất khẩu đều tăng sản lượng từ 20 - 30% trở lên. 
 
Ông Lê Văn Trường - Giám đốc HTX Liên kết Mắc ca Di Linh cho biết, HTX tọa lạc trên địa bàn xã Đinh Lạc, huyện Di Linh thành lập từ năm 2018 đến nay nâng cấp quy mô chế biến trên diện tích 200 m2, đầu tư dây chuyền khép kín tổng giá trị hơn 1 tỷ đồng. Nếu như trước khi xếp hạng OCOP 3 sao vào năm 2000, quy mô liên kết sản xuất mắc ca với HTX từ 30 - 35 hộ thì nay tăng lên 150 - 200 hộ. Hộ sản xuất nhiều nhất diện tích mắc ca với 7 ha, ít nhất với 1 ha. Cách thức canh tác mắc ca trồng xen với cà phê chiếm tỷ lệ diện tích 70%, còn lại tỷ lệ 30% trồng thuần trên diện tích chuyển đổi từ cây cà phê hiệu quả kinh tế thấp. Trong đó, riêng Giám đốc Lê Văn Trường canh tác 4 ha mắc ca trồng xen với cây cà phê ghép, dự kiến đạt năng suất trong niên vụ 2022 - 2023 khoảng 4 tấn nhân/ha. 
 
Theo hợp đồng liên kết chuỗi giá trị sản phẩm trong nhiều năm qua, HTX Liên kết Mắc ca Di Linh cung cấp cho hộ sản xuất trong và ngoài thành viên cây giống mắc ca đạt tiêu chuẩn chất lượng quy định, hỗ trợ máy tách vỏ xanh mắc ca, ứng trước một phần vốn đầu tư để trừ vào sản phẩm thu hoạch, bao tiêu sản phẩm, hướng dẫn quy trình kỹ thuật chăm sóc mắc ca chuyên canh và xen canh. Thành viên tham gia liên kết có đất sản xuất, bố trí lao động phù hợp... Qua kinh nghiệm từ thực tế sản xuất, tất cả hộ thành viên HTX đã ổn định mật độ trồng mắc ca chuyên canh 200 cây/ha, xen canh 150 cây/ha, bố trí lao động phù hợp. Kết quả diện tích mắc ca liên kết với HTX canh tác trên các vùng nông nghiệp huyện Di Linh thu hoạch gần như quanh năm, trong đó thời điểm thu vụ chính trong tháng 4, 5, 6; vụ phụ vào tháng 7, 8, 9. Các tháng còn lại trong năm tập trung bổ sung dinh dưỡng, hồi phục sinh trưởng cho cây, đồng thời cũng thu hoạch rải rác trên vườn, chiếm tỷ lệ khoảng 10% sản lượng cả hai vụ chính và vụ phụ trong năm. Trung bình năng suất mắc ca trong năm 2022 của thành viên liên kết HTX Liên kết Mắc ca Di Linh đạt 30 kg/cây. 
 
Tính ra, trong năm 2022, với giá thu mua ổn định của HTX trung bình 90.000 đồng/kg hạt mắc ca nguyên liệu (cao hơn giá thị trường từ 10% trở lên), nhân với 6.000 kg/ha thu hoạch trồng chuyên canh và 4.500 kg/ha thu hoạch xen canh, đạt doanh thu lần lượt 540 triệu đồng và 405 triệu đồng. Ước lợi nhuận từ 200 - 250 triệu đồng/ha/năm mắc ca xen canh và chuyên canh tại HTX. Chưa kể hàng năm, HTX còn chia lợi tức đầy đủ cho từng thành viên HTX. 
 
Trong năm 2023, HTX Liên kết Mắc ca Di Linh tiếp tục tham gia xúc tiến thương mại, kết nối thị trường trong nước và xuất khẩu để mở rộng hơn nữa diện tích liên kết sản xuất mắc ca nguyên liệu trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng. 
 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết