|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nga: Ngành gia cầm đặt mục tiêu tham vọng

Ông Vladimir Fisinin, Chủ tịch Hiệp hội gia cầm Nga chia sẻ kỳ vọng trên với hãng tin địa phương Veterinary and Life. Năm 2022, Nga sản xuất 5,2 triệu tấn thịt gà thịt tính theo trọng lượng giết mổ, tăng 5,2% so với năm trước đó. Ông Fisinin cũng cho biết, sản lượng trứng trong nước đã tăng 2,8%, tương đương 1 tỷ đơn vị lên 45,8 tỷ quả vào năm ngoái. Theo đó, Nga được xếp hạng là nhà sản xuất thịt gia cầm lớn thứ 4 thế giới và nhà sản xuất trứng lớn thứ 7 toàn cầu trong năm 2022.

Hiện các vấn đề chính đối với ngành chăn nuôi gia cầm Nga chính là hiệu quả và an toàn sản phẩm. Trước vấn đề này, một trong những mục tiêu quan trọng cho năm 2023 là thay thế một phần vacxin nhập khẩu. Theo ông Fisinin, Bộ Nông nghiệp Nga và cơ quan giám sát thú y (Rosselhoznadzor) nên đi khơi mào trong lĩnh vực này. Nga vốn phụ thuộc rất nhiều vào vắc xin thú y nhập khẩu. Vào năm 2022, một số “ông lớn” trên thị trường đã bày tỏ lo ngại về những tổn thất to lớn mà ngành có thể phải gánh chịu nếu nguồn cung bị gián đoạn do các lệnh trừng phạt.

Ông Fisinin cho biết, một mục tiêu quan trọng mang tính động lực khác là giảm thiểu sự phụ thuộc vào các sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu. Năm 2022, lĩnh vực này ghi nhận một số kết quả tích cực như trong 9 tháng đầu năm, nguồn cung trứng giống giảm 34% và gà con một ngày tuổi giảm 53% so với cùng kỳ năm trước. Hiện trên toàn lãnh thổ Nga có 60 trang trại sản xuất trứng giống đang hoạt động.

Bộ Nông nghiệp Nga cho biết trong một báo cáo phát đi cuối năm ngoái cho biết, năm 2022 Nga đã xuất khẩu 336.000 tấn thịt gia cầm, tăng 24% so với năm 2021.

Sản phẩm bột lông vũ của một doanh nghiệp trong nước

EU: Ngành gia cầm ảm đạm

Báo cáo Triển vọng ngắn hạn của Ủy ban châu Âu vừa công bố cho biết thông tin ảm đạm này, bất chấp ngành công nghiệp chăn nuôi gia cầm trong khu vực nhận được hỗ trợ tương đối so với các loại thịt khác. Đặc biệt là trong thời kỳ lạm phát tăng cao và việc nới lỏng các biện pháp giới hạn, liên quan đến đại dịch Covid-19, cùng với xu hướng cởi trói nhu cầu của các dịch vụ thực phẩm. Điều này đã giúp các nước sản xuất gia cầm lớn như Ba Lan, Tây Ban Nha và Đức trong suốt nửa đầu năm 2022.

Tuy nhiên, chi phí đầu vào sản xuất tăng cao cộng với những ảnh hưởng tàn phá của dịch cúm gia cầm lây lan mạnh và hoành hành tại nhiều nơi trong suốt năm ngoái đã gây ra những vấn đề thực sự ở nhiều quốc gia châu Âu (EU), trong đó đáng chú ý là Italia, Pháp và Hungary, những nơi sản xuất gia cầm đã sụt giảm tới 11%. Nhu cầu tiêu dùng thịt gia cầm trong nội khối dự kiến ​​sẽ vẫn ổn định trong năm 2023, trung bình dao động trong khoảng 23,3 kg trên đầu người.

Báo cáo cho biết, lĩnh vực chăn nuôi gia cầm đang phụ thuộc nhiều vào ngô như một nguồn thức ăn chăn nuôi chính, trong khi vụ thu hoạch kém của năm 2022 và nguồn cung bấp bênh từ vựa ngũ cốc đang khủng hoảng Ukraine đã dẫn đến sự gia tăng chi phí. Sự kết hợp giữa nhu cầu mạnh, nguồn cung khan hiếm, chi phí đầu vào tăng cao trong bối cảnh lạm phát chung đã dẫn đến giá gia cầm tăng cao đột biến, cao hơn nhiều so với mức trung bình của giai đoạn 2017-2021 (+38% từ giữa tháng 7 đến giữa tháng 9 so với cùng kỳ năm ngoái).

 Việt Nam tích cực xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi

Xuất khẩu tổ yến: Sau 4 năm đàm phán, ngày 09/11/2022, Bộ NN&PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký Nghị định thư yêu cầu kiểm dịch, kiểm tra và vệ sinh thú y đối với sản phẩm tổ yến xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc. Ngày 22/11/2022, Bộ NN&PTNT đã tổ chức hội nghị phổ biến Nghị định thư. Hiện nay, Cục Thú y đang tiến hành trao đổi với phía Trung Quốc để thống nhất mẫu Giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu; đồng thời hướng dẫn các doanh nghiệp xuất khẩu tổ yến chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đăng ký xuất khẩu.

Xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa: Cục tiếp tục hỗ trợ các Công ty sữa có nhu cầu xuất khẩu sang Trung Quốc theo quy định mới tại Lệnh 248 và 249 của Trung Quốc. Bên cạnh đó, Cục Thú y còn hỗ trợ các doanh nghiệp hoàn thiện và gửi hồ sơ đăng ký xuất khẩu sữa đi Indonesia. Trong năm 2022, Cục Thú y đã thực hiện kiểm dịch xuất khẩu hơn 13.000 tấn sữa với giá trị gần 25 triệu đô la Mỹ, trong đó có có gần 1.000 tấn sang Trung Quốc, giảm mạnh (giảm 50%) so với cùng kỳ năm 2021 là hơn 26.000 tấn với giá trị 150 triệu đô la Mỹ.

Xuất khẩu thịt gà chế biến: Ngày 31/8/2022, Nhật Bản tiếp tục thông báo chấp thuận cho nhà máy chế biến thịt gà của Công ty cổ phần C.P tại Bình Phước xuất khẩu thịt gà chế biến sang Nhật Bản. Hiện nay, Cục Thú y đang tiếp tục đàm phán để xuất khẩu sản phẩm này sang Hàn Quốc, EU, Anh, các nước Trung Đông. Như vậy, tính từ thời điểm thịt gà chế biến của Việt Nam được phép xuất khẩu cho đến nay, các Công ty của Việt Nam đã xuất khẩu được hơn 11.000 tấn thịt gà chế biến với giá trị hơn 60 triệu đô la Mỹ. Trong đó, năm 2022, đã xuất khẩu được gần 3.700 tấn thịt gà chế biến, tăng 31,18% so với năm 2021 (hơn 2.800 tấn).

Xuất khẩu thịt lợn: Hiện nay, có 5 công ty đang được phép xuất khẩu thịt lợn đông lạnh sang Hồng Kông. Trong năm 2022, đã hoàn thiện hồ sơ đăng ký xuất khẩu cho 01 Công ty và đã nộp Cơ quan An toàn thực phẩm Hồng Kông thẩm định. Việt Nam đã xuất khẩu được xấp xỉ 6.000 tấn thịt lợn các loại, trong đó hơn 5.900 tấn là thịt lợn sữa, lợn choai đông lạnh, tăng 19,65% so với năm 2021 (5.000 tấn).

 Xuất khẩu các sản phẩm thịt tiệt trùng: Cục Thú y đã đàm phán thống nhất các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và Mẫu giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu các sản phẩm thịt tiệt trùng từ Việt Nam sang Hàn Quốc.

Xuất khẩu trứng và sản phẩm trứng gia cầm: Thực hiện cung cấp thông tin cho Cơ quan Thú y Hồng Kông dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu trứng gia cầm tươi từ tỉnh Tây Ninh; tiếp tục trao đổi với Cơ quan an toàn thực phẩm Singapore để xuất khẩu trứng gia cầm tươi sang thị trường này.  Từ đầu năm 2022 đến nay, các doanh nghiệp đã xuất khẩu gần 800 tấn trứng gia cầm các loại, hơn xấp xỉ 10 triệu quả trứng vịt muối, 3,6 triệu quả trứng gà tươi và 3.800 quả trứng gia cầm giống với giá trị gần 4 triệu đôla Mỹ. So với cùng kỳ năm 2021, nhìn chung lượng trứng xuất khẩu tăng nhẹ. Trong đó, trứng cút đóng lon tăng 62,60%, trứng muối tăng 20,53%. Tuy nhiên trứng gà tươi lại giảm mạnh 94,20%.

Xuất khẩu bột cá và dầu cá: Từ đầu năm 2022 đến nay, xuất khẩu hơn 170.000 tấn bột cá, dầu cá với trị giá khoảng 90 triệu đôla Mỹ, trong đó gần 130.000 tấn sang Trung Quốc, so với cùng kỳ năm 2021, lượng bột cá, dầu cá xuất khẩu tăng (24,09%).

Xuất khẩu lông vũ: Đã xuất khẩu khoảng 10.000 tấn lông vũ với trị giá hơn 30 triệu đô la Mỹ, trong đó hơn 7.000 tấn sang Trung Quốc, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2021 (9.000 tấn, 11,11%).

Xuất khẩu gia cầm: Trong năm 2022, số lượng gia cầm giống được kiểm dịch xuất khẩu tăng mạnh đạt hơn 800 nghìn con, tăng 9,37% so với cùng kỳ năm 2021 (gần 700 nghìn con). Việt Nam đã xuất khẩu gà giống sang Lào

Xuất khẩu lợn: Cục Thú y đã thực hiện kiểm dịch và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu 15.490 con lợn giống sang Campuchia, Lào, tăng gần 193% so với năm 2021.

Xuất khẩu khỉ đuôi dài: Việt Nam đã xuất khẩu khỉ đuôi dài sang Mỹ, Nhật, Tây Ban Nha, Pháp, Hàn Quốc, …với số lượng 6.605 con sang các nước phục vụ mục đích nghiên cứu, y tế, giảm 9,76% so với năm 2021.

PV

 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết