Ngành chăn nuôi Việt Nam: Cần gỡ hai “nút thắt” để phát triển bền vững
Để đạt được những mục tiêu mới đề ra trong năm 2022, đòi hỏi ngành chăn nuôi cần thực hiện tốt nhiều giải pháp liên quan, đặc biệt là đảm bảo chăn nuôi theo liên kết chuỗi, chú trọng ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, bên cạnh đó tìm ra các giải pháp gairm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu dùng trong sản xuất TACN. Đối mặt với những thách thức trên, GS.TS. Nguyễn Duy Hoan (ảnh), Giảng viên cao cấp trường ĐH Nông lâm Thái Nguyên đã có bài chia sẻ thẳng thắn với Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam về những “nút thắt” ngành chăn nuôi Việt Nam cần gỡ, hướng tới phát triển bền vững…
GS.TS. Nguyễn Duy Hoan, Giảng viên cao cấp trường ĐH Nông lâm Thái Nguyên
Chăn nuôi tự phát, thiếu tính kế hoạch, không có dữ liệu dự báo
Số liệu của Tổng cục Thống kê tháng 12 năm 2020 cho biết, Việt Nam có khoảng 13,5 triệu hộ tham gia chăn nuôi ( 2,1 triệu hộ chăn nuôi lợn, 8,3 triệu hộ chăn nuôi gia cầm, 1,7 triệu hộ chăn nuôi trâu bò, số còn lại là chăn nuôi các vật nuôi khác như dê, cừu…). Quy mô chăn nuôi của các hộ nhỏ lẻ, manh mún, phổ biến nhất vẫn là trang trại quy mô nhỏ và hộ gia đình. Trong số 2.1 triệu hộ chăn nuôi lợn, thì số hộ có quy mô nhỏ (dưới 30 con lợn) chiếm tới 90,5% tổng số hộ chăn nuôi, nhưng chỉ sản xuất 33,2% tổng lượng thịt. Về gia cầm, trong tổng số 8,3 triệu hộ chăn nuôi, số hộ quy mô nhỏ (dưới 50 con gia cầm/hộ) chiếm 87,9% nhưng chỉ sản xuất 28.7% tổng số thịt gia cầm.
Mặc dù trong những năm gần đây, nhờ có sự tham gia của các doanh nghiệp lớn ngành chăn nuôi Việt Nam có những bước phát triển theo hướng chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ phân tán sang chăn nuôi tập trung công nghiệp, từng bước gắn với giết mổ và chế biến, tuy nhiên hệ thống chăn nuôi nước ta vẫn được các chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá là nhỏ lẻ, phân tán và cơ bản là tự phát. Hạn chế lớn nhất của hệ thống chăn nuôi này đó là gây ô nhiễm môi trường, khó kiểm soát dịch bệnh, kiểm soát chất lượng sản phẩm, đặc biệt là khó hạch toán hiệu quả kinh tế vì hoàn toàn phụ thuộc vào may rủi do ăn theo giá cả thị trường. Ngoài ra còn có một số hạn chế khác như năng xuất chăn nuôi thấp (chỉ bằng 25-30% thế giới), giá thành chăn nuôi cao (cao hơn khu vực khoảng 17-18%), vấn đề xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm chưa được coi trọng.
Chăn nuôi tự phát là nguyên nhân gốc rễ dẫn tới thường xuyên kêu gọi giải cứu thịt gà, thịt lợn trong những năm qua. Đặc biệt năm 2021 này, số lượng lợn thịt và gà thịt tồn đọng, không bán được còn rất lớn (khoảng 25-30 triệu con gà thịt và 5 triệu con lợn thịt), điều này không có gì là lạ vì đã lặp đi lặp lại nhiều năm nay.
Chăn nuôi tự phát là nguyên nhân gốc rễ dẫn tới thường xuyên kêu gọi giải cứu thịt gà, thịt lợn trong những năm qua
Câu hỏi đặt ra là: Nguyên nhân do đâu và liệu có thể khắc phục? Về nguyên nhân, như đã phân tích, quá trình phát triển của ngành chăn nuôi nước ta tuân theo đúng quy luật của các nước đang phát triển theo hướng chuyển dịch từ nhỏ lẻ sang tập trung quy mô lớn. Hiện tại, do phần lớn chủ hộ là nông dân thuần túy nên trình độ, nhận thức còn hạn chế, mặt khác do thiếu vốn, thiếu thông tin nên các chủ hộ quyết định chủng loại, số lượng và quy mô vào chuồng bằng cảm tính và bắt chước các hộ khác. Vai trò định hướng của cả chính quyền Trung ương, địa phương và các hiệp hội còn rất hạn chế.
Một nguyên nhân hết sức quan trọng nữa là Việt Nam chưa có đơn vị chuyên về công tác dự báo chăn nuôi, trong đó có đầy đủ thông tin dự báo về quy mô, sản lượng, giá cả thức ăn và các sản phẩm chăn nuôi. Ở nhiều nước trên thế giới, ngoài các đơn vị dự báo do Nhà nước quản lý còn có nhiều đơn vị dự báo độc lập do các doanh nghiệp tư nhân quản lý. Dữ liệu dự báo của họ thường có độ chính xác cao trong 1 đến 2 năm, mặc dù họ có thể dự báo trước 5 năm. Để có dữ liệu dự báo đáng tin cậy, các đơn vị dựa trên hệ thống nghiên cứu, thăm dò rất công phu, trên phạm vi rộng tầm cỡ khu vực và toàn cầu. Để chăn nuôi an toàn và hiệu quả các doanh nghiệp và trang trại đều phải tham khảo dữ liệu dự báo trước khi ra quyết định chủng loại, quy mô, thời điểm vào chuồng, việc tham khảo dữ liệu dự báo nhiều khi phải trả kinh phí truy cập.
Nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi chủ yếu phụ thuộc vào nhập khẩu
Mỗi năm, ngành chăn nuôi và thủy sản cần tới 32-33 triệu tấn thức ăn các loại, trong đó hơn 7 triệu tấn do nông dân tự phối trộn từ các nguyên liệu có sẵn tại địa phương, số còn lại (25 -26 triệu tấn) là thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh chủ yếu do các doanh nghiệp trong nước sản xuất.
Việt Nam hiện đang là quốc gia đứng thứ 10 thế giới và số 1 khu vực Đông Nam Á về sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp. Từ năm 2020, tổng sản lượng thức ăn công nghiệp đã vượt 20 triệu tấn và có xu hướng tăng dần mỗi năm. Tuy nhiên, ngành thức ăn chăn nuôi công nghiệp nước ta vẫn phải phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài, vì ngành nông nghiệp trong nước chỉ có thể cung cấp tối đa 8 -10 triệu tấn nguyên liệu (ngô, cám gạo, sắn…), số còn lại (26 – 27 triệu tấn) đều phải nhập khẩu.
Theo Tổng cục Hải quan, đến hết 8 tháng năm 2021, Việt Nam đã nhập khẩu 14,5 triệu tấn nguyên liệu các loại (bao gồm cả nguyên liệu sản thức ăn thủy sản), tương ứng với 5,22 tỷ USD, tăng 24,3% về số lượng và 47,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, thức ăn giàu năng lượng gần 9 triệu tấn, tương ứng 2,35 tỷ USD, tăng 49,4% về số lượng và 89,5% về giá trị; thức ăn giàu đạm đạt 5,09 triệu tấn, tương ứng với 2,27 tỷ USD, giảm 2,6% về số lượng nhưng tăng 28% về giá trị; thức ăn bổ sung đạt 0,38 triệu tấn, tương ứng 0,6 tỷ USD, giảm 3,3% về số lượng và tăng 13,3% về giá trị. Tổng lượng nguyên liệu thức ăn nhập khẩu trong năm 2021 ước tính khoảng trên 20 triệu tấn, trị giá khoảng 7,2 tỷ USD.
Ngành TACN công nghiệp nước ta vẫn phải phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài
Đối với ngành chăn nuôi, thức ăn chiếm 65-70 chi phí và giá thành, chính vì vậy có thể nói, từ trước đến nay các doanh nghiệp chăn nuôi Việt Nam không thể quyết định được giá thành các sản phẩm chăn nuôi, mà cơ bản phụ thuộc vào giá thức ăn nhập từ nước ngoài.Tính thiếu bền vững của ngành chăn nuôi ở chỗ, nếu giá cả nguyên liệu thức ăn và các sản phẩm chăn nuôi ổn định, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm không có bất thường thì ngành chăn nuôi vẫn duy trì và phát triển bình thường. Tuy nhiên, nếu có biến động, đặc biệt là biến động lớn như đại dịch Covid-19 trong 2 năm qua, ngành chăn nuôi gặp vô vàn khó khăn, thậm chí nhiều doanh nghiệp có thể bị phá sản.
Nghịch lý là ở chỗ, Việt Nam là nước có thế mạnh về diện tích vùng nguyên liệu sản xuất thức ăn, mặt khác có nguồn phụ phẩm rất lớn từ nông nghiệp có thể làm đầu vào cho sản xuất thức ăn chăn nuôi. Từ năm 2020, Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới (sau Ấn Độ và trên Thái Lan), với 6,15 triệu tấn gạo, mang về 3,07 tỷ USD và dự kiến năm 2021 sẽ xuất 6,4 triệu tấn, tương đương khoảng 3,3 tỷ USD. Nếu chỉ tính riêng nhập khẩu các loại thức ăn giàu năng lượng (ngô, cám gạo, cám mỳ các loại…), mỗi năm Việt Nam cần nhập khoảng 13 triệu tấn, tương đương 3,4 tỷ USD, thì cán cân xuất nhập khẩu lương thực đã âm 0,1 tỷ USD. Đối với các loại thức ăn giàu đạm, Việt Nam cũng là nước có tiềm năng rất lớn.
Theo Cục Chăn nuôi, mỗi năm Việt Nam có khoảng 62 triệu tấn phụ phẩm của ngành chế biến các sản phẩm chăn nuôi và hơn 2 triệu tấn phế phụ phẩm của ngành chế biến thủy sản, tuy nhiên mỗi năm Việt Nam chỉ sản xuất được gần 1,5 triệu tấn thức ăn giàu đạm (gần 1 triệu tấn bột cá và 0.5 triệu tấn bột sản phẩm động vật khác).
Câu hỏi đặt ra là liệu Việt Nam có thể từng bước tự chủ nguồn nguyên liệu trong nước trong thời gian tới? đây là câu hỏi lớn cho ngành nông nghiệp trong nhiều năm qua, tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có lời giải thỏa đáng. Đã có nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam là nền kinh tế mở, nên sẽ xuất khẩu những thứ mình có lợi thế ví dụ gạo và nhập khẩu những mặt hàng không có lợi thế ví dụ ngô, đậu tương, bột cá…Tuy nhiên, ý kiến này thực sự chưa hoàn toàn thuyết phục ,vì nếu phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu Việt Nam sẽ không làm chủ được nhu cầu thực phẩm trong nước và như vậy an ninh thực phẩm sẽ bị đe dọa. Mặt khác, nếu hiệu quả chăn nuôi bấp bênh sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến công ăn, việc làm của khoảng 25 triệu lao động làm chăn nuôi trên phạm vi cả nước.
Ý kiến của nhiều chuyên gia cho rằng, những hạn chế về mặt diện tích, năng xuất ngô, đậu tương của Việt Nam hiện nay vẫn có thể khắc phục được nếu Nhà nước vào cuộc thực sự, thông qua các chính sách vĩ mô như có cơ chế khuyến khích nông dân, các doanh nghiệp trồng ngô, đậu tương, cải thiện năng xuất bằng các biện pháp khoa học kỹ thuật bao gồm cả việc tiếp tục nhập các giống biến đổi gen có năng xuất cao, phù hợp với thời tiết khí hậu của nước ta.
Bài học lớn từ lĩnh vực lúa gạo cho thấy, do có chính sách tốt nên Việt Nam từ một nước thiếu lương thực, chỉ sau 20 năm đã trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới, với sản lượng xuất 6,5 triệu tấn/năm. Mặc dù diện tích trồng lúa giảm 14% sau 10 năm (từ 4,47 triệu ha vào năm 2010 còn 3,84 triệu ha năm 2020), nhưng năng xuất lúa đã tăng 63% (8,2 tấn/năm năm 2010 lên 13,4 tấn/năm, năm 2020).
Ngược lại với trồng lúa, trong khi năng xuất tăng không đáng kể thì diện tích trồng ngô và đậu tương nước ta liên tục giảm kể từ năm 2015 đến nay. Năm 2014, diện tích trồng ngô đạt 1.179 nghìn ha, nhưng đến năm 2020 chỉ còn 943 nghìn ha, với tổng sản lượng đạt 4,76 triệu tấn, vì vậy cần nhập khẩu 12 triệu tấn ngô/năm.
Tương tự như vậy, diện tích đậu tương năm 2010 đạt gần 198 ngàn ha, đã giảm xuống khoảng 55 ngàn ha vào năm 2020, với tổng sản lượng đạt khoảng 85 ngàn tấn, vì vậy cần nhập khẩu trong 1,5-2 triệu tấn đậu tương/năm. Do các giống ngô, đậu tương tự nhiên có năng xuất thấp hơn giống biến đổi gen khoảng 30% (năng suất ngô biến đổi gen trồng tại Việt Nam đạt bình quân 8,72 tấn/ha/vụ; trong khi năng suất bình quân các giống ngô truyền thống chỉ đạt 6,69 tấn/ha/vụ), nên các nước có xu hướng trồng ngô và đậu tương biến đổi gen, hiện 75% diện tích ngô và đậu tương toàn cầu là giống biến đổi gen, trong khi Việt Nam mới chỉ có trên 930 ngàn ha (tương đương 10% diện tích) trồng ngô biến đổi gen.
Để thúc đẩy phát triển trồng ngô và đậu tương, ngoài sự vào cuộc của chính quyền (ban hành các chính sách thúc đẩy phát triển vùng nguyên liệu sản xuất thức ăn) và các nhà khoa học (nghiên cứu lai tạo, nhập khẩu giống có năng xuất cao), cũng cần khuyến khích các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi tham gia đầu tư tạo vùng nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thức ăn. Hy vọng, sau cú sốc về giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi năm 2021 sẽ làm thức tỉnh cả hệ thống và sẽ có những thay đổi trong thời gian tới.
GS.TS Nguyễn Duy Hoan
Giảng viên cao cấp trường ĐH Nông lâm Thái Nguyên