Người dân trồng hành tím trúng mùa, bán được giá cao
Những ngày này, người dân trồng hành tím ở Ninh Thuận đang khẩn trương chăm sóc, thu hoạch hành bán cho thương lái. Tùy theo chất lượng, hành tím củ tươi đang được thương lái thu mua tại ruộng với giá dao động từ 30.000 – 35.000 đồng/kg, hành khô giống có giá từ 60.000 – 65.000 đồng/kg, hành bán được giá tốt, đầu ra ổn định khiến bà con rất vui mừng.
Dọc tuyến đường DT702 qua các xã Nhơn Hải, Thanh Hải, Vĩnh Hải (huyện Ninh Hải) vào những ngày này, mọi người đều dễ dàng nhìn thấy trên khắp các cánh đồng trồng hành, người dân đang tất bật nhổ hành chất thành từng đống trên ruộng, trên bờ hè các nhà dân là những bó hành tím được chất thành từng đống cao. Những tiếng cười nói, tiếng xe chuyên chở thu mua hành ra vào tấp nập nơi ngõ hẻm báo hiệu một vụ hành được mùa, được giá.
Cùng vợ khẩn trương dùng xe rùa chất những bó hành đã bó gọn gàng ngoài ruộng chở về phơi trên bãi đất trống gần nhà, ông Phạm Hải (xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải) vui vẻ cho biết, gia đình vừa thu hoạch 2 sào hành tím (2.000 m2) được hơn 3 tấn củ, thương lái thu mua với giá 35.000 đồng/kg, cho doanh thu hơn 100 triệu đồng. Hiện tại, nhà cũng đang còn 2 sào hành đã rũ lá chỉ khoảng 2 ngày nữa là nhổ được.
Theo ông Hải, vụ hành năm nay nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi, ít sâu bệnh, nước tưới đầy đủ nên hành đạt năng suất cao. Với giá bán bình quân 35.000 đồng/kg, sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư giống, phân thuốc, tiền điện bơm nước tưới, công chăm sóc, thu hoạch, gia đình còn lãi hơn 20 triệu đồng/sào/vụ hành (45 ngày/vụ hành).
Cùng với nhóm nhân công khẩn trương thu hoạch hành tím dưới ruộng, chị Lê Thị Thanh Lan chia sẻ, vừa qua, gia đình đã bán được 2 tấn hành tím củ với giá 35.000 đồng/kg, còn gần 3 sào hành đang nhổ ước tính cho thu hoạch khoảng 5 tấn củ. Giá hành phụ thuộc vào thị trường theo từng năm và từng mùa vụ, cùng thời điểm này năm ngoái thì giá hành giảm sâu, khó tiêu thụ do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19. Từ đầu năm đến nay, đây là mức giá hành bán được cao nhất nên bà con rất phấn khởi.
Theo tính toán của các hộ trồng hành, chi phí đầu tư gồm giống, vật tư nông nghiệp cho 1 sào hành khoảng từ 20 – 25 triệu đồng. Hành là cây trồng ngắn ngày, trong điều kiện thời tiết thuận lợi, khoảng 45 ngày kể từ lúc xuống giống, chăm sóc sẽ cho thu hoạch. Nếu mưa nhiều thì thời gian thu hoạch lâu hơn từ 55 – 60 ngày, khác với tỏi một năm chỉ sản xuất một vụ, riêng hành một năm có thể trồng được 5 vụ. Hiện nay, thời tiết ở Ninh Thuận tương đối ổn định và đầu ra sản phẩm thuận lợi giúp bà con nông dân có thêm động lực để đẩy mạnh phục hồi sản xuất.
Trồng hành tím là một trong những nghề truyền thống của nông dân ở các huyện Ninh Hải, Ninh Phước, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm. Các địa phương này có điều kiện khí hậu cùng chất đất pha cát đặc thù rất phù hợp cho cây hành tím phát triển. Tùy từng mùa vụ, bà con lựa chọn xuống các giống hành khác nhau. Vào vụ Nam bà con chủ yếu trồng giống hành của Việt Nam (giống địa phương để từ vụ trước), đây là giống có khả năng chịu được nắng nóng, chịu được mưa. Vào vụ Bấc (tháng 9 đến tháng 12 Âm lịch) thường trồng giống hành Indonesia.
Hành tím Ninh Thuận có màu sắc đẹp, củ to, chắc, vỏ bóng mượt, vị thơm nồng để được lâu nên rất được thị trường ưa chuộng. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, toàn tỉnh hiện có khoảng 900 ha hành, tỏi, cây gia vị các loại. Hành tím Ninh Thuận có màu sắc đẹp, củ to, chắc, thơm nồng, để được lâu nên rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp tiếp tục phối hợp với các địa phương hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm vào sản xuất, nhân rộng mô hình sản xuất hành, tỏi theo tiêu chuẩn VietGAP.
Cùng với đó, Ninh Thuận tập trung phát triển các mô hình liên kết trồng hành theo tổ hợp tác, hợp tác xã; kết hợp với các công ty, doanh nghiệp liên kết sản xuất, thu mua và đưa hành tím lên các sàn giao dịch thương mại điện tử nhằm giới thiệu, quảng bá thương hiệu, bán sản phẩm đến với đông đảo người tiêu dùng.
Nguyễn Thành