Nhân rộng nuôi cá rô phi luân canh trong ao tôm ở huyện Cầu Ngang
Ngành nông nghiệp huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh khuyến khích và hỗ trợ kỹ thuật cho các hộ nuôi tôm trên địa bàn nhân rộng mô hình nuôi cá rô phi GenoMar luân canh trong ao nuôi tôm. Đây là mô hình vừa được Trung tâm Kỹ thuật dịch vụ nông nghiệp huyện Cầu Ngang hỗ trợ thực hiện thí điểm thành công tại hộ ông Võ Xuân Mai, ấp La Bang, xã Long Sơn.
Thu hoạch cá rô phi tại hộ ông Võ Xuân Mai, ấp La Bang, xã Long Sơn (Cầu Ngang, Trà Vinh). Ảnh: Thanh Hòa - TTXVN
Mô hình được thực hiện từ tháng 8/2023 trên diện tích 0,1 ha, với 7.000 con giống cá rô phi GenoMar. Hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 50% chi phí con giống, 20% chi phí thức ăn. Đồng thời, được tập huấn, chuyển giao quy trình kỹ thuật nuôi, cách chuẩn bị ao nuôi, các loại máy móc và thiết bị cần thiết; cách phòng và trị bệnh cho cá…
Sau 3 tháng 17 ngày thả nuôi, gia đình ông Võ Xuân Mai thu hoạch với tổng trọng lượng khoảng 5,5 tấn, tỷ lệ sống đạt 93%, trọng lượng trung bình 0,9 kg/con. Với giá bán bình quân 37.000 đồng/kg hiện nay, sau khi trừ tất cả chi phí, ông Mai đạt lợi nhuận hơn 40 triệu đồng.
Ông Nguyễn Chí Quyết, Trung tâm Kỹ thuật dịch vụ nông nghiệp huyện Cầu Ngang phụ trách mô hình cho biết, quá trình nuôi, cá rô phi GenoMar ít bệnh, tỷ lệ sống cao; thức ăn công nghiệp dạng nổi nên kiểm soát được tình trạng ô nhiễm môi trường trong ao nuôi. Mô hình dễ thực hiện do không đòi hỏi kỹ thuật cao như nuôi tôm.
Thu hoạch cá rô phi tại hộ ông Võ Xuân Mai, ấp La Bang, xã Long Sơn (Cầu Ngang, Trà Vinh). Ảnh: Thanh Hòa - TTXVN
Tuy nhiên, ông Nguyễn Chí Quyết lưu ý các hộ nuôi cần cung cấp đầy đủ oxy trong quá trình nuôi để cá ăn mạnh, mau lớn và tăng tỷ lệ sống. Cá rô phi GenoMar dễ mẫn cảm với hoá chất nên khi xử lý nước những ao xung quanh cần chú ý cá bị ảnh hưởng, dẫn đến thiếu oxy, bỏ ăn. Vào những ngày nắng nóng hoặc thời tiết âm u cá thường ăn ít nên người nuôi cần giảm lượng thức ăn và tăng cường quạt oxy.
Theo ông Nguyễn Chí Quyết, những năm gần đây tình hình nuôi tôm gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh ngày càng nhiều, chi phí đầu vào tăng cao, giá tôm giảm sâu nên dẫn đến thua lỗ; nhiều hộ nuôi tôm trên địa bàn không còn khả năng đầu tư tái vụ nên phải treo ao.
Mô hình nuôi cá rô phi GenoMar có thể luân canh trong ao nuôi tôm, góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi, hạn chế mầm bệnh trong ao nuôi, giúp người nuôi tăng hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích, đồng thời phục vụ cho mục tiêu phát triển thủy sản theo hướng bền vững.
Tuy nhiên, để việc nhân rộng mô hình hiệu quả và bền vững, ngành chức năng cũng cần định hướng cho nông dân trong việc mở rộng thị trường tiêu thụ cá rô phi thương phẩm.
Thanh Hòa