Nông thôn Tây Bắc: Mai Châu đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng trên đất lúa
Huyện Mai Châu (Hoà Bình) đang tập trung tuyên truyền, vận động nông dân chuyển đổi diện tích đất lúa thiếu nước không hiệu quả sang trồng các loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn.
Mai Châu chuyển đất lúa kém hiệu quả, sang trồng cây có giá trị kinh tế
Hàng năm cứ sau kỳ nghỉ Tết cổ truyền, về huyện Mai Châu (Hoà Bình) lại thấy không khí nô nức xuống đồng gieo mạ của bà con các dân tộc trên các cánh đồng lúa. Tuy nhiên, mấy năm gần đây người dân đã chú trọng chuyển đổi những diện tích đất lúa kém hiệu quả, thiếu nước, đất lúa một vụ sang trồng các loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao hơn như: Bí xanh, bí lấy hạt, mướp đắng lấy hạt, các loại rau màu, khoai lang… Nổi bật là dưa hấu đã đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Dưa hấu cũng chính là cây trồng minh chứng cho hiệu quả thiết thực của chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa trên địa bàn huyện.
Trong số các xã, thị trấn thuộc huyện Mai Châu, xã Mai Hạ là 1 trong những xã tiêu biểu của huyện trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, với sản phẩm dưa hấu Mai Hạ đã có thương hiệu trên thị trường, được nhiều người tiêu dùng đón nhận. Về Mai Hạ những ngày đầu tháng 3, chúng ta có thể thấy nhiều diện tích lúa được chuyển sang trồng dưa hấu và các cây màu khác.
Đưa chúng tôi đi thăm cánh đồng sản xuất của xóm Đồng Uống, bà Vì Thị Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Mai Hạ cho biết: Diện tích trồng dưa hấu và các loại rau màu khác trên địa bàn xã giữ vững ổn định khoảng 47 ha. Đây là diện tích đất không đủ nước, hoặc sản xuất kém hiệu quả được bà con chuyển đổi trồng dưa hấu. Từ khi có thương hiệu, dưa hấu Mai Hạ được tư thương thu mua tận ruộng, nhiều hộ dân thu được vài chục triệu đồng chỉ với 2.000 - 3.000 m2 đất. Hiệu quả kinh tế từ cây dưa hấu đem lại cao gấp nhiều lần so với trồng lúa, giúp người nông dân có nguồn thu nhập cao và ổn định hơn so với trồng lúa trước đây.
Nhờ chuyển đổi cây trồng, nhiều nông dân đã có thu nhập ổn định
Có diện tích đất ruộng hơn 5.000 m2, trước đây gia đình ông Vì Văn Cường, xóm Đồng Uống (xã Mai Hạ, huyện Mai Châu) chỉ cấy lúa nhưng không mang lại năng xuất, do lượng nước tưới tiêu ít, đất bị bạc màu. Khoảng 5 năm trở lại đây, ông chuyển phần lớn diện tích đất ruộng này sang trồng các loại cây rau màu khác.
Ông Cường cho biết: "Mấy năm qua, gia đình tôi duy trì trồng một số cây như: Bí, mướp đắng lấy hạt, dưa hấu, còn lại hơn 1.000 m2 thì cấy lúa. Nếu trồng các loại cây lấy hạt chúng tôi ký hợp đồng với bên bao tiêu sản phẩm, còn trồng dưa hấu đầu ra cũng rất thuận lợi. So với trồng lúa hiệu quả kinh tế đem lại cao hơn nhiều lần nên thu nhập ngày một ổn định hơn".
Theo ông Trần Mạnh Tân, Quyền trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Mai Châu, tỉnh Hoà Bình thông tin: Vụ chiêm xuân 2022, huyện chuyển đổi 66 ha đất lúa không đảm bảo nước tưới, ruộng kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao hơn. Trong đó, diện tích trồng dưa hấu 61,3 ha, tập trung ở xã Mai Hạ (44,3 ha), Vạn Mai (17 ha). Từ thực tế về hiệu quả của chuyển đổi cơ cấu những năm trước, năm nay huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế. Ngoài cây chủ lực như dưa hấu, vụ này toàn huyện trồng thêm hơn 10 ha bí xanh và các loại cây rau màu khác.
"Những năm qua, người dân trên địa bàn huyện đã cơ bản chuyển đổi hết diện tích đất lúa kém hiệu quả, không đảm bảo nguồn nước. Nhiều hộ dân chủ động chuyển đổi cả diện tích đất lúa hai vụ sang làm màu vì hiệu quả kinh tế đem lại cao hơn hẳn trồng lúa. Nếu như xã Mai Hạ, Vạn Mai đã nhiều năm trồng dưa hấu, các loại bí thì xã Xăm Khoè, Mai Hịch phát triển mạnh về trồng rau. Các sản phẩm do bà con làm ra cơ bản tiêu thụ thuận lợi, hiệu quả kinh tế cao. Tiêu biểu là dưa hấu, từ năm 2020 đến nay huyện đã xây dựng sản phẩm dưa hấu sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, có tem truy xuất nguồn gốc, nhiều năm cung không đủ cầu" - ông Trần Mạnh Tân, Quyền trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Mai Châu, tỉnh Hoà Bình cho biết thêm.
Theo tìm hiểu của PV, để tiếp tục nâng cao hiệu quả kinh tế trên diện tích đất lúa đã chuyển đổi, thời gian tới huyện Mai Châu sẽ tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ về khoa học, kỹ thuật cho người dân, đưa vào sản xuất đa dạng hơn giống cây trồng phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương và nhu cầu thị trường. Qua đó, giúp người nông dân có nguồn thu nhập ổn định, đồng thời góp phần xoá nghèo tại các địa phương.