|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nông thôn Tây Bắc: Nhiều cách giúp nông dân phát triển kinh tế ở Hoà Bình

Ở vùng nông thôn Tây Bắc, những năm qua, Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình thường xuyên xuống cơ sở nắm bắt những khó khăn của bà con, đề ra các giải pháp phù hợp giúp nông dân làm giàu.

Trao "cần câu" cho hội viên nông dân vùng nông thôn Tây Bắc phát triển kinh tế

Thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình đã có nhiều giải pháp tích cực trong việc hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Nhờ vậy, trên địa bàn vùng nông thôn Tây Bắc này ngày càng có nhiều hội viên nông dân làm ăn hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng vùng nông thôn Tây Bắc này ngày một phát triển.

Trước đây, gia đình ông Vũ Văn Thái, xã Ngọc Lương (huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình) chủ yếu sản xuất nông nghiệp, quanh năm làm lụng vất vả nhưng cuộc sống luôn thiếu trước hụt sau. Được sự vận động, hỗ trợ, giúp đỡ của Hội Nông dân các cấp, ông Thái đã vay vốn ngân hàng chính sách xã hội và Quỹ Hỗ trợ nông dân, để chuyển đổi phương thức canh tác lạc hậu sang hoạt động sản xuất nông nghiệp và kinh doanh dịch vụ. Tận dụng diện tích đất rộng 8.000 m2, ông đã trồng bưởi Diễn, chăn nuôi bò, gà trên diện dịch hơn 50 m2, nhờ chăm chỉ, chịu khó học hỏi nên mô hình kinh tế của gia đình ông phát triển khá thuận lợi. 

Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình: Tập huấn, hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế - Ảnh 1.

Ông Thái đang chăm sóc bưởi Diễn tại vườn. Nhờ cách chăm sóc tốt những cây bưởi cho sai trĩu quả. Ảnh: Hà Hoàng.

Ông Vũ Văn Thái, xã Ngọc Lương, huyện Yên Thủy cho biết: "Trước đây, cuộc sống của gia đình tôi cũng gặp nhiều sóng gió và gian truân lắm. Nhờ sự giúp đỡ của Hội, tôi được tham gia các lớp tập huấn và tham quan các mô hình phát triển kinh tế, rồi tôi trở về áp dụng vào vườn tược của mình. Sau 1 thời gian trồng bưởi Diễn, tôi đã có thu nhập khá, sau đó làm thêm công việc kinh doanh dịch vụ cung cấp cây bưởi giống và bò giống. Tính tổng thu nhập hàng năm, tôi có lãi 980.000.000 đồng/năm, cuộc sống của gia đình đã dư giả lên rất nhiều".

Nhờ được các cấp Hội hướng dẫn cách thức chăn nuôi và trồng trọt khoa học, nên so với thời gian làm nông nghiệp trước đây, thì cách làm ăn mới như hiện nay cho thu nhập cao hơn và tăng qua các năm. Do đó, ông Thái đã có thêm vốn liếng để tiếp tục mở rộng trồng trọt và chăn nuôi, có điều kiện đầu tư cho các con ăn học đầy đủ và xây dựng nhà cửa khang trang hơn.

Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình: Tập huấn, hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế - Ảnh 2.

Ngoài mô hình trồng cây ăn quả, nhiều hội viên ở xã Thung Nai, huyện Cao Phong đã có nguồn thu nhập cao từ nuôi cá lồng trên lòng hồ sông Đà. Ảnh: Hà Hoàng.

Cũng giống như ông Vũ Văn Thái, từ số vốn ít ỏi ban đầu, sau gần 20 năm gây dựng cơ nghiệp tại xóm Bu Chằm (xã Thịnh Minh, TP. Hoà Bình), ông Đỗ Văn Chiến đã tạo được vườn trồng bưởi, mít. Ông còn trồng cà gai leo, xây dựng xưởng chế biến cà gai leo, làm miền dong mang lại công ăn việc làm cho gần như cả xóm.

"Thời gian trước kia, gia đình tôi có nguồn thu nhập chủ yếu từ lúa, ngô nên chuyện thiếu ăn, thiếu mặc luôn xảy ra. Sau khi được tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt của Hội tổ chức và được Hội Nông dân các cấp hỗ trợ, tạo điều kiện cho đi tham quan mô hình kinh tế mới ở nhiều nơi, tôi đã thay đổi phương thức sản xuất bằng cách cải tạo lại đất. Sau đó, mua cây giống cho hiểu quả kinh tế cao về trồng, vừa làm, vừa học hỏi, vườn tược của tôi đem lại nguồn thu nhập cao ngất ngưởng.

Từ 2 đôi bàn tay trắng, thiếu chi phí sinh hoạt đủ đường, nay tôi đã có 3 khu đất rộng hơn 40ha được phủ xanh bởi bưởi và cây thảo dược. Mỗi năm cho thu nhập gần 1 tỷ đồng, tôi có được cơ ngơi như ngày hôm nay là nhờ sự hỗ trợ của Hội Nông dân các cấp", ông Vũ Văn Thái bộc bạch.

Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình: Tập huấn, hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế - Ảnh 4.

Nhờ sự hỗ trợ của các cấp Hội Nông dân, ông Đỗ Văn Chiến đã trồng: Bưởi, dong, cây thảo dược cà gai phát triển kinh tế. Mỗi năm cho thu nhập gần 1 tỷ đồng. Ảnh Hà Hoàng.

Cầm tay chỉ việc, hướng dẫn kỹ thuật cho hội viên Nông thôn Tây Bắc

Hiện nay, Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình có gần 140.000 hội viên. Với đặc thù vùng Nông thôn Tây Bắc là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, vì vậy những năm qua Hội Nông dân tỉnh luôn đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền, vận động, đẩy mạnh công tác xây dựng Hội vững mạnh. Tập trung đẩy mạnh các phong trào thi đua lao động sản xuất giỏi, giảm nghèo bền vững, tạo điều kiện thuận lợi giúp hội viên phát triển sản xuất và làm giàu. Bên cạnh đó, Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình còn chú trọng triển khai công tác tập huấn kiến thức khoa học kỹ thuật trong trồng trọt và chăn nuôi, tham quan mô hình kinh tế tiêu biểu, hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật theo phương thức "cầm tay chỉ việc".

Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình: Tập huấn, hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế - Ảnh 5.

Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình tham quan mô hình trồng lê tại Lào Cai, để từ đó áp dụng và trồng trọt tại xã Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu).

Chia sẻ với PV, ông Lê Văn Thạch, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hoà bình cho biết: Quán triệt tư tưởng dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, dạy nghề gắn với cây con chủ lực hoặc hiệu quả tại địa bàn, nhiều năm qua chúng tôi đã đẩy mạnh dạy các nghề nông nghiệp như trồng trọt, chăn nuôi. Qua đó, tạo công ăn việc làm và nâng cao nhận thức cho các hội viên phát triển kinh tế, bên cạnh đó chúng tôi thường xuyên xuống cơ sở nắm bắt tâm tư nguyện vọng của bà con. Từ đó lên kế hoạch đưa ra các giải pháp phù hợp, giúp các nông hộ có điều kiện tiếp nhận khoa học kỹ thuật trong sản xuất.

Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình: Tập huấn, hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế - Ảnh 6.

Mô hình nuôi trâu vỗ béo đang hội viên nông dân được nhận rộng tại xã Dũng Phong, huyện Cao Phong. Hiện một số hộ nông dân đã có thu nhập ổn định từ mô hình này. Ảnh: Hà Hoàng.

Theo ông Lê Văn Thạch, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình, từ phong trào thi đua giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, nhiều hội viên trong tỉnh đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương điển hình trong sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi. Thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp thúc đẩy phong trào thi đua sản xuất trong hội viên. Trong đó, chú trọng đến việc hỗ trợ nâng cao kiến thức sản xuất theo phương pháp khoa học, vận động hội viên chuyển đổi cây trồng phù hợp, nhất là đối với diện tích đất đã bạc màu. Vận động hội viên có mô hình khá hướng dẫn, giúp đỡ cho các hộ hội viên nghèo để cùng làm ăn, thoát nghèo bền vững. Tăng cường kêu gọi xã hội hóa hỗ trợ cây trồng vật nuôi, nhất là cho hộ hội viên có hoàn cảnh khó khăn.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Chưa có thông tin