|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quảng Trị phát triển cây dược liệu tiềm năng

Tỉnh Quảng Trị đang tập trung đầu tư mở rộng diện tích trồng các loài cây dược liệu có tiềm năng nhằm tạo ra sản phẩm có giá trị cao.

 

Quang Tri phat trien cay duoc lieu tiem nang hinh anh 1

Diện tích cây dược liệu tại huyện Cam Lộ (Quảng Trị). Ảnh: Hồ Cầu - TTXVN

Huyện Cam Lộ đã xây dựng được vùng chuyên canh trồng cây dược liệu với quy mô trên 150 ha gồm: 65 ha chè vằng, 15 ha cà gai leo, 3,5 ha an xoa, 60 ha nghệ và gần 10 ha các cây dược liệu khác. Từ đầu năm 2022, địa phương này tiếp tục mở rộng và đưa cây dược liệu mới vào trồng, đồng thời liên kết với doanh nghiệp để chế biến. Theo đó, từ năm 2022 – 2025, huyện Cam Lộ tiến hành trồng 700 ha quế.

Quang Tri phat trien cay duoc lieu tiem nang hinh anh 2

Quá trình nấu cao đảm bảo đúng quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm. Ảnh: Hồ Cầu - TTXVN

Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ Trần Hoài Linh cho biết, địa phương đã ký kết hợp tác với Công ty cổ phần sản xuất và xuất khẩu quế hồi Việt Nam về trồng, thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm quế và một số cây dược liệu khác.

Quang Tri phat trien cay duoc lieu tiem nang hinh anh 3

Quá trình nấu cao đảm bảo đúng quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm. Ảnh: Hồ Cầu - TTXVN

Công ty đảm bảo cung cấp cây giống quế; cử chuyên gia đào tạo kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch cho các hộ trồng quế; cam kết thu mua, bao tiêu toàn bộ sản lượng vùng nguyên liệu quế và một số cây dược liệu khác; đầu tư xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm quế tại địa phương.

Quang Tri phat trien cay duoc lieu tiem nang hinh anh 4

Cao dược liệu sau khi nấu xong được vận chuyển đến cơ sở đóng gói, bảo quản. Ảnh: Hồ Cầu - TTXVN

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị, đến tháng 2/2022 tỉnh có trên 3.550 ha cây dược liệu, tập trung ở 5 huyện: Hướng Hóa, Đakrông, Cam Lộ, Gio Linh, Vĩnh Linh. Qua khảo sát, bước đầu cơ quan chức năng đã xác định có 14 loài cây dược liệu có tiềm năng phát triển gồm: tràm các loại, nghệ, chè vằng, an xoa, thất diệp nhất chi hoa, giảo cổ lam, sâm cau, sả, dây thìa canh, sâm bố chính, cà gai leo, khôi tía, đảng sâm, quế. Từ nay đến năm 2025, tỉnh phấn đấu trồng thêm khoảng 1.000 ha cây dược liệu.

Việc phát triển vùng cây dược liệu cũng được gắn kết chặt chẽ với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Trong tổng số 91 sản phẩm OCOP ở Quảng Trị từ năm 2019 - 2021, có gần một nửa sản phẩm là từ cây dược liệu hoặc có nguồn gốc nguyên liệu từ cây dược liệu như: Cà gai leo, chè vằng, an xoa.

Nguồn nguyên liệu từ cây dược liệu đã giúp tỉnh đa dạng hóa sản phẩm OCOP bao gồm thực phẩm tươi sống, chế biến thành đồ uống, thảo dược. Đến năm 2025, tỉnh phấn đấu có thêm 30 sản phẩm OCOP có nguồn gốc từ cây dược liệu; trong đó, có ít nhất 1 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 5 sao.

Nguyên Lý


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết