Thái Nguyên tìm giải pháp phát triển bền vừng cây chè
Sáng 8/10, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thái Nguyên tổ chức hội thảo khoa học đề xuất giải pháp phát triển cây chè bền vững giai đoạn sau năm 2020. Hội thảo có sự tham dự của đại diện các hội thành viên, các sở, ban, ngành, các nhà khoa học và một số đơn vị, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm chè trên địa bàn tỉnh.
Cán bộ kỹ thuật của HTX chè Thịnh An (Thái Nguyên) kiểm tra sâu bệnh của vùng chè thâm canh theo tiêu chuẩn Viegap. Ảnh: Hoàng Nguyên -TTXVN
Hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá những kết quả triển khai Đề án "Nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững cây chè và thương hiệu sản phẩm trà Thái Nguyên, giai đoạn 2017-2020", đánh giá những nhân tố tác động đến phát triển bền vững cây chè trên địa bàn tỉnh, tác động đến giá trị gia tăng phát triển thương hiệu của sản phẩm trà Thái Nguyên trong bối cảnh hiện nay; tham vấn các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia và doanh nghiệp, dân cư vùng trồng chè đề xuất các giải pháp để tiếp tục nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững cây chè và thương hiệu sản phẩm trà Thái Nguyên sau năm 2020.
Tại hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Văn Vỵ, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thái Nguyên cho rằng chè là cây kinh tế chủ lực và đem lại giá trị kinh tế lớn cho tỉnh Thái Nguyên. Sản phẩm "Chè Thái Nguyên" là đặc sản đặc trưng cho địa phương. Sản xuất chè đang góp phần phát triển nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa bền vững. Trong những năm gần đây, tỉnh Thái Nguyên đã quan tâm, ưu tiên đầu tư cho phát triển chè, một số chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm chè đã được xây dựng và ban hành, nhiều chương trình, đề án về phát triển cây chè đã được thực hiện. Hiện với 22.000 ha chè, Thái Nguyên là tỉnh có diện tích chè hàng đầu cả nước; năng suất, sản lượng chè cao nhưng chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh sản phẩm chè Thái Nguyên vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Sản xuất, chế biến chè của tỉnh chủ yếu vẫn theo phương pháp truyền thống quy mô hộ, chưa quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu tập trung theo cơ cấu giống, gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm; chưa gắn kết hiệu quả sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè với văn hoá - du lịch, di tích lịch sử; tỷ lệ sản xuất theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP, GAP khác) được chứng nhận còn thấp...Do vậy, trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên hiện nay và các giai đoạn tiếp theo, định hướng đối với ngành chè là tiếp tục nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững cây chè và thương hiệu sản phẩm trà Thái Nguyên. Đây không chỉ là nhiệm vụ của người sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm chè mà là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, là nhiệm vụ của các sở, ban, ngành, các tổ chức hội chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp…
Theo bà Nguyễn Thị Ngà, Chủ tịch Hội chè Thái Nguyên, trong Đề án "Phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030", cây chè được xác định là cây trồng chủ lực trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa của tỉnh. Do đó, để hoàn thành các mục tiêu kế hoạch đề ra, các địa phương trong tỉnh cần tiếp tục chuyển đổi cơ cấu giống chè, trong đó trồng mới và trồng thay thế giống chè già cỗi, năng suất, chất lượng thấp bằng những giống chống chịu sâu, bệnh, năng suất, chất lượng cao; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chè, sản xuất chè theo tiêu chuẩn GAP, hữu cơ chủ yếu ở những vùng chè tập trung của tỉnh, phấn đấu đến năm 2025, diện tích chè ứng dụng hệ thống tưới nước chủ động, tiết kiệm đạt 8.120 ha, chiếm 35% diện tích chè toàn tỉnh; đến năm 2030 đạt 12.000 ha, chiếm gần 50% diện tích chè toàn tỉnh. Các địa phương cần hợp tác, liên kết trong sản xuất chế biến, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm, xây dựng, quản lý, phát triển thương hiệu chè Thái Nguyên, đảm bảo 100% sản phẩm chè do doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, có thương hiệu riêng và mã số vùng trồng...
Đối với việc nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý và phát triển các nhãn hiệu chè Thái Nguyên, đại diện Sở Khoa học - Công nghệ Thái Nguyên cũng cho rằng trong thời gian tới các cơ quan quản lý và các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm chè Thái Nguyên cần hoàn thiện hệ thống tổ chức quản lý các nhãn hiệu sản phẩm chè Thái Nguyên, xây dựng cơ chế quản lý chất lượng các khâu từ trồng, chăm bón, thu hái đến chế biến tại các hộ gia đình để đảm bảo nguyên liệu chè không có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, tăng cường công tác khuyến nông, khuyến cáo các doanh nghiệp và nông dân bảo vệ vườn chè bằng các biện pháp sinh học; thành lập cơ quan kiểm tra chất lượng của ngành chè...Các địa phương trong tỉnh đẩy mạnh các hoạt động thương mại hóa sản phẩm chè Thái Nguyên, xây dựng sàn giao dịch sản phẩm Chè Thái Nguyên, chuỗi giá trị và kênh phân phối từ sản xuất đến tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, từng bước đưa sản phẩm chè Thái Nguyên bao gồm chè xanh, chè đen... xâm nhập vào một số thị trường khó tính như: Đức, Mỹ, Hà Lan, Nhật...
Tại hội thảo các doanh nghiệp, hộ sản xuất chè đã đề xuất một số các giải pháp liên quan đến các cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng mô hình chế biến chè ứng dụng cơ giới hóa, công nghệ cao, công nghệ tự động hóa, quản lý và phát triển thương hiệu chè Thái Nguyên, xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến, kinh doanh chè...
Hoàng Thảo Nguyên