|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Từ vườn nhà đến sản phẩm quốc gia

Xuất phát từ sự tò mò nhưng với đam mê và quyết tâm, anh Nguyễn Hữu Việt (xã Tân Hà, huyện Lâm Hà) đã và đang xây dựng thương hiệu cho hạt mắc ca Lâm Hà.

Sản phẩm mắc ca Viet’s Nuts hiện đang có nhiều cơ hội xuất khẩu sang các thị trường lớn như Nga, Úc
Sản phẩm mắc ca Viet’s Nuts hiện đang có nhiều cơ hội xuất khẩu sang các thị trường lớn như Nga, Úc
 
Chính thức trở thành chủ doanh nghiệp sản xuất gần 100 tấn mắc ca mỗi năm nhưng anh Nguyễn Hữu Việt vẫn nhận mình là nông dân chính hiệu với quyết tâm tìm tòi, đổi mới để xây dựng thương hiệu cho hạt mắc ca địa phương.
 
Năm 2020 và 2021, niềm vui liên tiếp đến với anh Việt và cộng sự khi bộ sản phẩm mắc ca Viet’s Nuts của Công ty TNHH Huy Hiếu do anh làm giám đốc đạt sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh và được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia (CNNTTB).
 
Đây là những thành quả xứng đáng cho những nỗ lực trong suốt 12 năm sau khi tình cờ biết đến cây mắc ca qua một chương trình truyền hình của anh Việt. Bởi trước đó, giống như hầu hết những người chọn Lâm Hà làm quê hương thứ 2, anh Việt gắn bó với cây cà phê. Năm 2007, anh và người quen đặt mua một số cây mắc ca ở Ba Vì, vào trồng thử nghiệm trên mảnh đất Nam Tây Nguyên màu mỡ. Khi ấy, thông tin trên các phương tiện đại chúng không giống như bây giờ, anh thường xuyên theo dõi các chương trình về nông nghiệp xem có nhắc gì đến cây mắc ca hay không. Đặt hết tâm tư của mình suốt 3 năm, cuối cùng cây mắc ca cũng không phụ lòng người, ra trái sum suê. 
 
Anh Việt kể rằng những năm đó, mắc ca rất “hot” trên thị trường, cơ sở sản xuất của anh ra tận ngoài Bắc gom hàng để đáp ứng “cơn khát” của thị trường. Hạt mắc ca khi đó được xem là món hàng, quà tặng xa xỉ, giá trị rất cao.
 
Năm 2015 đánh dấu bước ngoặt trong sản xuất của sản phẩm mắc ca khi anh Việt nhận được đơn đặt hàng từ phía Siêu thị Coop Mart. Từ đó đến nay, bình quân mỗi tháng, từ 2 - 3 tấn hàng của công ty anh có mặt trên khắp cả nước, dần dần có được chỗ đứng trên thị trường. 
 
Đó cũng là lúc anh nhận ra mình phải chủ động xây dựng nguồn nguyên liệu với quy mô lớn. Chính vì vậy, anh tiến hành liên kết với nông dân trên địa bàn. Tính đến nay, Công ty TNHH Huy Hiếu liên kết với 50 hộ nông dân với diện tích khoảng 75 ha trồng mắc ca. Trong liên kết, công ty chủ động cung cấp giống đạt chất lượng, tư vấn kỹ thuật, kiểm soát lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm theo giá thị trường. 
 
“Mình trực tiếp làm nông dân trồng và chế biến nên hiểu rõ từ cây cho đến hạt. Chính vì thế biết cây cần gì, làm sao để có được năng suất, chất lượng tốt nhất để tư vấn cho bà con. Có một thực tế là dù nằm giữa vùng nguyên liệu mắc ca của huyện nhưng hiện nay chúng tôi vẫn thiếu nguyên liệu sản xuất, bởi tuy mắc ca trên địa bàn khá nhiều nhưng chất lượng không đồng đều. Một phần nguyên nhân là do trước đây bà con trồng mà không biết cách chọn cây giống chuẩn, kỹ thuật cũng phần lớn tự mày mò chứ chưa có một hệ thống quy trình chuẩn nên sản lượng chưa cao”, anh Việt chia sẻ.
 
Gần 14 năm miệt mài chinh phục thị trường, bộ sản phẩm mắc ca Viet’s Nuts lần lượt giành được các chứng nhận của huyện, tỉnh đến quốc gia. Thành công này có được từ khi anh Việt nhận ra giá trị từ việc sản phẩm có thương hiệu - như một cách để khẳng định chỗ đứng trên thị trường cũng như có được lòng tin của cả các doanh nghiệp liên kết cũng như người tiêu dùng. 
 
“Rất tình cờ khi tham gia tập huấn ở địa phương mình nghe được ý kiến của một doanh nghiệp rằng những sản phẩm được chứng nhận thì sẽ tiện lợi cho các doanh nghiệp lớn khi muốn liên kết tiêu thụ sản phẩm. Họ không cần phải mất thời gian xác minh nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm. Chính vì thế mà mình đã thiết kế logo, lựa chọn thông tin, thiết kế bao bì… và cũng đã nộp hồ sơ đăng ký kiểu dáng công nghiệp cho bộ sản phẩm”, anh Việt chia sẻ.
 
Với chứng nhận sản phẩm CNNTTB cấp quốc gia, sản phẩm đã đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí về đáp ứng thị trường và khả năng phát triển sản xuất; Tiêu chí về kinh tế - kỹ thuật - xã hội và môi trường; Tiêu chí về tính văn hóa và thẩm mỹ… Anh Việt cho biết, hiện nay, cơ hội xuất khẩu của sản phẩm mắc ca của anh nói riêng và ở Lâm Hà khá lớn bởi những đánh giá cao từ phía các chuyên gia đầu ngành. 
 
“Việc phát hiện và tôn vinh các sản phẩm trên là cơ hội để các cơ quan quản lý có kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất và xúc tiến thương mại sản phẩm, góp phần thúc đẩy công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn phát triển”, ông Trần Thanh Hưng, Trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Lâm Hà cho hay.
 
Trước bộ sản phẩm mắc ca Viet’s Nuts, Lâm Hà cũng có sản phẩm cà phê Chim vàng của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu cà phê Tám Trình cũng được công nhận sản phẩm CNNTTB cấp quốc gia năm 2019. Từ đây, các sản phẩm như được “chắp cánh” để không chỉ ngày càng khẳng định giá trị của mình mà còn là động lực để người nông dân, các sơ sở kinh doanh cố gắng phát huy thế mạnh của mình, mạnh dạn đầu tư và có hướng đi mang tính bền vững hơn trong tương lai.
 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết