|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

"Vụ lúa vàng"

Không ai ngờ rằng, giữa cái nắng tháng 6, tháng 7 như đổ lửa, trên vùng đất vốn hoang hóa, khô cằn Bàu Rèng (phường Bắc Nghĩa, TP. Đồng Hới), người nông dân lại bội thu một “vụ lúa vàng” xuân-hè...

Đất hoang cằn thành màu mỡ
 
Ý tưởng mở rộng diện tích, sản xuất lúa trái vụ tại vùng đất Bàu Rèng vốn hoang hóa, khô cằn của cựu chiến binh (CCB) Đặng Văn Luân ở tổ dân phố 3 Phú Vinh, phường Bắc Nghĩa (TP. Đồng Hới) xuất phát cách đây từ 5 năm trước. Đến nay, các vụ lúa xuân-hè trên diện tích đất trang trại của ông đã thành thông lệ, cho bội thu giữa mùa hè nắng như đổ lửa.
 
“Thực ra, không phải tôi có “biệt tài” để sản xuất được lúa trái vụ mà đó là vì sự phát triển tất yếu của cuộc sống; trong đó chủ yếu là sản xuất nhằm tận dụng và mở rộng diện tích đất vốn không phải trồng lúa cải tạo thành đất trồng lúa, phù hợp điều kiện, phương thức canh tác song song mô hình lúa-cá, tránh sự rủi ro do thời tiết cực đoan vùng miền mà thôi”, ông Đặng Văn Luân cho biết.

Thu hoạch vụ lúa xuân-hè tại vùng Bàu Rèng.

Thu hoạch vụ lúa xuân-hè tại vùng Bàu Rèng.

Trên diện tích 5ha, ông Luân đã đưa bộ giống lúa ST25 chất lượng cao có giá trị vào sản xuất. Sau khoảng 100 ngày chăm bón hoàn toàn hữu cơ với việc khử vôi phòng trừ sâu bệnh, sử dụng một liều lượng lân đạm nhất định với tỷ lệ cho phép, từ tháng 3-6, lúa cho thu hoạch.
 
Ôm trọn “tay lúa” hạt mẩy tròn vừa gặt được, ông Luân phấn khởi nhẩm tính, năm nay, năng suất lúa cao nhất từ trước tới nay, đạt 70 tạ/ha, sản lượng 35 tấn. Trong vòng hơn tuần lễ cuối tháng 6, đầu tháng 7, toàn bộ số lúa đã được hong phơi khô ráo. Giữa đồng ruộng còn trơ gốc rạ cũng được ông Luân sẵn sàng cơ sở vật chất cho vụ lúa tái sinh và thả nuôi cá vụ hè-thu 2024.
 
“Nếu thuận lợi, gia đình tôi sẽ tiếp tục thu hoạch lúa tái sinh có chất lượng cao, gạo thơm ngon hơn bình thường. Nếu “không ăn thua” thì sẽ làm thức ăn cho vựa cá đồng sắp tới. Sở dĩ tôi chăm bón lúa hữu cơ là vì tính đến môi trường trong lành, an toàn dài lâu, bảo đảm cho việc sinh sống, trồng trọt, chăn nuôi cá và các loại gia súc, gia cầm trong khuôn viên trang trại”, ông Luân chia sẻ.
 
Được mùa, cùng với mức giá lúa gạo khá cao cũng chính là động lực thôi thúc CCB Đặng Văn Luân liên tiếp mở rộng sản xuất lúa vụ 3 trong vòng 5 năm qua. Như vậy, cùng với lúa, gia đình ông Luân có thể hoàn toàn tự cung tự cấp với nguồn lương thực, thực phẩm tại chỗ có giá trị từ mô hình vườn-ao-ruộng-chuồng với các đối tượng nuôi trồng, như: Cá, bò, gà, rau các loại và cây ăn quả.
 
Triển vọng từ lúa vụ 3
 
Thành công của lúa vụ 3 trên vùng Bàu Rèng, mở ra cơ hội phát triển nông nghiệp trên địa bàn TP. Đồng Hới tại các vùng có diện tích đất khó, không sản xuất được lúa 2 vụ đông-xuân và hè-thu; vừa tránh bỏ hoang đất, vừa tăng diện tích sản xuất lúa, tránh được những tác động của thời tiết cực đoan, góp phần bảo đảm an ninh lương thực.

CCB Đặng Văn Luân nâng niu “hạt ngọc” trái vụ.

CCB Đặng Văn Luân nâng niu “hạt ngọc” trái vụ.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, tuy năng suất các loại cây trồng của TP. Đồng Hới trong vụ đông-xuân năm 2023-2024 vừa qua đạt khá, nhưng tổng sản lượng lương thực lại giảm. Vì vậy, trong tổng diện tích gieo trồng các loại cây vụ hè-thu năm 2024 thực hiện trên 900ha, tăng so với cùng kỳ thì thành phố đã nỗ lực tăng diện tích gieo trồng lúa lên 2,49% với 763,9ha...
 
Thạc sĩ Nguyễn Trung Đức, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP. Đồng Hới, cho biết, để bảo đảm lịch thời vụ, diện tích sản xuất vụ hè-thu 2024, nhất là đối với việc gieo cấy lúa, thành phố đã kịp thời chỉ đạo các địa phương triển khai công tác chuẩn bị các loại vật tư nông nghiệp, giống cây trồng, phân bón, thực hiện cải tạo đất; đồng thời, chủ động tu sửa hệ thống kênh mương, khơi thông dòng chảy, bảo đảm đủ nước tưới cho các loại cây trồng trong mùa nắng nóng cao điểm.
 
Trao đổi về việc sản xuất lúa vụ xuân-hè ở TP. Đồng Hới, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hồ Khắc Minh cho biết, vì vấn đề an ninh lương thực nên chủ trương của tỉnh là không khuyến khích sản xuất lúa 1 vụ trong năm. Tuy nhiên, do điều kiện bất khả kháng, trên địa bàn tỉnh có một vài địa phương vùng trũng ở huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy do không sản xuất được lúa 2 vụ nên mới có vụ lúa xuân-hè; đơn cử như tại các xã: Hồng Thủy, Thanh Thủy, Hoa Thủy, Gia Ninh...
 
-Năng suất lúa vụ đông-xuân 2023-2024 vừa qua trên toàn tỉnh được đánh giá cao nhất từ trước tới nay, đạt 64,7 tạ/ha, thì vụ xuân-hè tại vùng Bàu Rèng của CCB Đặng Văn Luân có năng suất vượt trội với 70 tạ/ha.
 
-Tổng diện tích gieo trồng các loại cây vụ đông-xuân 2023-2024 trên địa bàn TP. Đồng Hới thực hiện trên 1.000ha, tăng 0,49% so với cùng kỳ; tổng sản lượng lương thực đạt 4.990 tấn, giảm 6,26% so với cùng kỳ; năng suất lúa đạt 57,49 tạ/ha, giảm 1,82%.

“Trường hợp sản xuất vụ xuân-hè của CCB Đặng Văn Luân đã chuyển đổi linh hoạt từ đất không phải trồng lúa qua đất trồng lúa là điều rất đáng quý. Diện tích này góp phần bù đắp một phần vào diện tích đất nông nghiệp bị hao hụt do sự phát triển đô thị... Trên cơ sở đó, cũng khuyến khích bà con nông dân cần tận dụng diện tích đất không sản xuất lúa để có thể sản xuất lúa vụ xuân-hè. CCB Đặng Văn Luân đã tận dụng diện tích đất lâu nay nuôi trồng các loại cây, con giống khác để sản xuất lúa chất lượng cao vụ xuân-hè, mở ra cơ hội giải quyết việc làm, thu nhập thêm cho người lao động, vừa chủ động “tự cung, tự cấp”, góp phần bảo đảm an ninh lương thực trên địa bàn thành phố cũng như Quảng Bình”, ông Hồ Khắc Minh cho biết thêm.

Tính riêng tranh thủ vụ lúa xuân-hè, CCB Đặng Văn Luân cũng giải quyết thêm cho 13 lao động trong 3 tháng với mức thu nhập từ 7-8 triệu đồng/người/tháng. “Dù mỗi lần thu hoạch giữa cái nắng chói chang, nhìn những bông lúa trái vụ hạt vàng óng ả là vui sướng trong lòng, tôi thầm cảm ơn thiên nhiên đã ban tặng cho con người những “hạt ngọc” quý. Vì lẽ đó, tôi cùng với những nông dân nơi đây sẽ cố gắng duy trì diện tích này hàng năm để sản xuất lúa xuân-hè chất lượng cao”, CCB Đặng Văn Luân trải lòng.
Hương Trà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết