|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nghĩ về cây cần ràng

Ngày nay, không nhiều người trẻ nhìn thấy/biết đến cây cần ràng, loại nông cụ phổ biến, hữu dụng một thời của người nông dân. Lần đầu tiên tôi được biết đến cây cần ràng vào khoảng năm 1965-1966, khi còn là một cậu bé từ TX. Đồng Hới theo mẹ lên sơ tán tại vùng miền núi Hùng Sơn (Quảng Trạch) tránh bom, đạn chiến tranh.

 
 
Buổi đầu đến với ngôi làng nhỏ này có hai thứ mới mẻ, lạ lẫm, xuất hiện với số lượng lớn, gây ấn tượng mạnh trong tâm hồn trẻ thơ tôi: Đó là những căn hầm chữ A dùng nấp tránh bom đạn Mỹ và những chiếc cần tre cắm đây đó trong vườn nhà, ngoài cồn, đồi, bãi cỏ... dọc các lối mòn để cầm giữ trâu, bò. Tôi tò mò ngắm nhìn một chú bò, tuy bị buộc mũi vào cái cần tre ấy bằng sợi dây thừng, nhưng vẫn nhởn nhơ gặm cỏ, lúc tiến, lúc lùi, khiến cái cần tre tự động nâng lên, hạ xuống như chú bò đang cùng nó chơi trò bập bênh. Con trâu, bò thì tôi từng biết, từng thấy, còn với cây cần tre độc đáo này là “bí ẩn” đầu tiên về đời sống nông thôn, nông nghiệp trong trí óc non nớt của tôi lúc đó.
 
Vài hôm sau, qua những người bạn mới, tôi biết được dụng cụ ấy do người dân ở đây tự chế tác, gọi là “cây cần giàng”, dùng để neo giữ trâu, bò cho nó tự động ăn cỏ mà không cần người chăn dắt. Sau này, lớn lên một chút, được qua lại nhiều miền quê, tôi mới biết thêm nhiều nơi ở nông thôn Quảng Bình, chủ yếu là các vùng bán sơn địa, đồi núi… cũng có cây cần ràng với cùng một công dụng, nhưng mỗi nơi lại gọi bằng những định danh khác nhau, tùy thổ ngữ: Cần ràng, cọc ràng, cần giàng, cần bò…
 
Xem ra, phải gọi tên dụng cụ này là cần ràng như một vài nơi đã gọi theo công dụng của nó là dùng để ràng, buộc trâu, bò và theo đó phát âm đúng với chính tả hơn; còn gọi là cần giàng trong trường hợp cụ thể này, theo tôi, ràng/giàng chỉ là lỗi phát âm phụ âm đầu r/d, r/gi rất phổ biến của các vùng thổ ngữ khác nhau mà thôi, chứ thực chất là cùng nghĩa (cần giàng=cần ràng), cứ giữ thế cho thân thuộc vậy.
 
Cây cần ràng với nguyên liệu tự nhiên sẵn có quanh làng, được cấu tạo mộc mạc với các bộ phận, gồm: Cây cọc gỗ một đầu vót nhọn cắm cố định xuống đất, một thân cây tre nhỏ gắn trục xoay ở khoảng 1/3 thân, xoay được 360o trên đỉnh cọc gỗ, một cục gạch/đá đối trọng gắn vào gốc cây tre nhỏ và một đoạn dây thừng để buộc mũi con trâu, bò vào đầu thân cây tre. Với thiết kế cổ truyền này, cây cần ràng có công dụng dùng để giữ trâu, bò tự do đi lại, ăn cỏ thoải mái trong một khoảnh đất giới hạn hình tròn, có bán kính khoảng 70-80% chiều dài của cần tre (tính từ trục quay ra điểm buộc dây thừng) cộng với chiều dài dây thừng, khiến nó không thể chạy rông phá hoại lúa, hoa màu mà không cần người chăn giữ.
 
Thật khó để biết được thời gian xác định từ bao giờ các lão nông tri điền “phát minh” ra cây cần ràng nhằm hỗ trợ công việc chăn nuôi trâu, bò vốn rất khó nhọc của nhà nông. Nhưng quan sát tường tận công dụng và sức sống của cây cần ràng, chúng ta dễ dàng nhận thấy người xưa đã tích hợp vào nông cụ tưởng thô sơ mà lại rất hữu dụng này không ít tri thức bản địa phong phú.

Cây cần ràng hỗ trợ người nông dân chăn giữ trâu, bò khi phải bận làm công việc khác hoặc nghỉ ngơi.

Cây cần ràng hỗ trợ người nông dân chăn giữ trâu, bò khi phải bận làm công việc khác hoặc nghỉ ngơi.

Ngày trước, trong ba việc lớn hệ trọng của đời người đàn ông nông dân, việc mua sắm trâu/bò được xếp vào hàng khó nhất: “Tậu trâu, cưới vợ, làm nhà/Cả ba việc ấy thật là khó thay”. Con trâu, con bò là “đầu cơ nghiệp” của nhà nông, là vật nuôi có khả năng cung cấp sức kéo, phân bón, thực phẩm… cho gia đình và cộng đồng nên việc chăn giữ, chăm sóc, bảo vệ chúng rất được người nông dân coi trọng.
 
Tuy nhiên, do tập tính ăn cỏ, loại thức ăn nghèo dinh dưỡng nên trâu, bò phải dành phần lớn thời gian trong ngày cho việc kiếm ăn mới bảo đảm sức lực để làm các việc nặng nhọc kéo dài và như vậy người nông thật khó có đủ điều kiện để theo đuôi trâu, bò trên đồng cỏ. Vả chăng, sự quan sát và tổng kết tập tính ăn khỏe của vật nuôi “cơm đâu no bụng chó, cỏ đâu no bụng trâu” là một trong những gợi ý cho người nông dân sáng tạo ra cây cần ràng “thần thánh” nhằm giúp trâu, bò có thêm thời gian tự mình kiếm cỏ lấp đầy cái dạ dày có sức chứa lên tới 200 lít của chúng. 
 
Với cách bố trí dây thừng buộc trâu, bò được gắn vào đầu cây cần ràng, thả từ trên xuống giúp giữ cho dây thừng luôn được nâng cao không bao giờ quấn vào chân trâu bò, vào cọc cần ràng, vào bụi rậm hoặc các vật cản tầm thấp khác ở mặt đất, đã tạo sự thoải mái, an toàn cho trâu bò đi lại. Một điều lạ lùng nữa, cái cọc cần ràng tuy được cắm xuống đất chỉ bằng sức người, với lực phóng của hai bàn tay không, thế mà khỏe như trâu, bò muốn tự giải thoát cũng không thể lôi lên được. Bởi vì, trải thời gian thuần dưỡng trâu/bò làm vật nuôi, người nông dân nhận biết rằng, cái mũi là bộ phận rất nhạy cảm trên cơ thể chúng: “Bắt lợn tóm giò, bắt bò tóm mũi”, “Bò giày phải mũi” nên dùng dây thừng hoặc mắt tre nhỏ xiên qua mũi để khống chế, khiến trâu, bò phải ngoan ngoãn vâng lời.
 
Khi bị buộc mũi bằng sợi dây thừng nối vào đầu cây cần ràng, con trâu/bò chỉ được thoải mái ăn cỏ trong phạm vi thiết kế của dụng cụ này. Còn muốn tự giải thoát khỏi cây cần ràng, ngoài việc chịu lực giữ của cái cọc cắm xuống đất, con trâu/bò còn phải chịu thêm lực kéo của cây cần tre bập bênh có gắn đá đối trọng gắn trên đầu cọc và tổng hợp các sức ỳ đơn giản này đã gây ra sự quá tải cho chiếc mũi vốn nhạy cảm của chúng. Thế nên, chúng ta mới có dịp nhìn thấy cảnh cây cần ràng giữ trâu/bò có lúc được cắm trên đồng cỏ, bên cạnh ruộng cây trồng (lúa, ngô, đỗ, lạc…), nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng mà chúng rất thèm khát (“Trâu bò được ngày phá đỗ/Con cháu được ngày giỗ ông”) nhưng người nông dân không một mảy may lo sợ bị phá hoại.
 
Đến bây giờ, khi đủ trải nghiệm tôi nhận biết được rằng, cây cần ràng, một dụng cụ nông nghiệp dễ chế tác, dễ sử dụng, nhưng với cấu trúc độc đáo, thông minh, khi ứng dụng vào việc hỗ trợ chăn nuôi gia súc đã đem đến cho người nông dân những hiệu quả kinh tế nhất định, có thể coi là một trong những tiến bộ kỹ thuật đương thời ở làng quê. Đó rõ ràng là sản phẩm của một tổ hợp những trí khôn, kinh nghiệm, phong tục truyền thống, cách ứng xử của cộng đồng đối với môi trường tự nhiên, xã hội… mà người nông dân đúc kết được từ trong đời sống, lao động, nơi làng quê thân thuộc của mình, thứ mà gần đây, những nhà nghiên cứu quy lại thành thuật ngữ khoa học: “Tri thức bản địa”.
 
Khi tôi đăng tải bức ảnh chụp cây cần ràng lên trang facebook cá nhân, nhiều người đã chia sẻ kỷ niệm tuổi thơ của họ từng gắn bó với vật dụng thân thuộc này và tiếc nuối khi cây cần ràng ngày càng vắng bóng ở làng quê. Cũng hợp lý thôi, nhưng có lẽ nên bảo lưu hình ảnh, công dụng cây cần ràng, một nông cụ đắc dụng, lâu đời được người nông dân xưa dày công sáng tạo vào trong sách vở, trong các bảo tàng dưới dạng hiện vật gốc hoặc mô hình, để bảo tồn một giá trị tinh thần của cha ông cho các thế hệ đời sau chiêm ngưỡng, biết ơn và nhớ đến cội nguồn.
   Trần Hùng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết