|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bắc Yên tận dụng lợi thế để phát triển kinh tế

Huyện Bắc Yên (Sơn La) tạo điều kiện hỗ trợ người dân các xã vùng cao tận dụng lợi thế phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập.

Bắc Yên phát triển kinh tế dựa trên thế mạnh của địa phương

Những năm qua, kinh tế của huyện Bắc Yên đã có bước phát triển nhưng chưa vững chắc, sản xuất nông nghiệp còn phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên. Cơ sở hạ tầng, đầu tư hỗ trợ sản xuất còn hạn chế; tốc độ giảm nghèo không đồng đều giữa các vùng trong huyện.

Để giảm sự chênh lệch về kinh tế - xã hội giữa các vùng, huyện đã xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể và xác định các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội cho ba khu vực là vùng ven sông, vùng cao và vùng thấp phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng xã. Ở các xã vùng cao như: Tà Xùa, Háng Đồng, Làng Chếu, Pắc Ngà, Xím Vàng, Hang Chú, huyện tập trung phát triển cây Sơn Tra, cây chè, cây ăn quả ôn đới; phát triển kinh tế rừng, trồng rừng và cây dược liệu dưới tán rừng.

Ông Lò Văn Thuận, Chủ tịch UBND xã Pắc Ngà, huyện Bắc Yên (Sơn La) cho biết: Cụ thể hóa Đề án, xã tập trung phát triển nông lâm nghiệp gắn với tiềm năng lợi thế của địa phương là giữ rừng. Hiện nay, toàn xã có trên 2.460 ha rừng đủ điều kiện chi trả dịch vụ môi trường rừng, nhờ đó người dân có thêm một khoản thu nhập để tiếp tục giữ rừng và phát triển rừng. Theo chủ trương của huyện về việc trồng rừng trên đất dốc, xã Pắc Ngà tập trung phát triển cây tếch. Xã đưa ra chỉ tiêu năm 2022 trồng mới 160 ha rừng.

Bắc Yên tận dụng lợi thế để phát triển kinh tế - Ảnh 2.

Xã Pắc Ngà, huyện Bắc Yên (Sơn La) đẩy mạnh phát triển cây lâm nghiệp, tăng thu nhập cho người dân. Ảnh: Nguyễn Vinh

Thực hiện chủ trương phát triển cây Sơn Tra, huyện Bắc Yên đã triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển cây Sơn Tra theo hướng hiệu quả, bền vững, phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu. Đồng thời, phối hợp với cơ quan chuyên môn cải tạo, lai ghép giống cây sơn tra, để đầu tư phát triển sản xuất, xây dựng thành vùng nguyên liệu tập trung. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân kỹ thuật đốn tỉa, thu hái, phòng trừ sâu bệnh và các phương pháp kéo dài thời gian lưu quả để nâng cao chất lượng sản phẩm Sơn Tra nguyên liệu.

Ông Lê Gia Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Bắc Yên (Sơn La) cho biết: Từ năm 2015 đến nay, toàn huyện đã trồng mới 500 ha sơn tra, nâng tổng số diện tích sơn tra hiện có gần 2.600 ha. Trong đó, 1.530 ha cho thu hoạch, sản lượng ước đạt khoảng 1.900 tấn/năm, tập trung chủ yếu tại các xã: Háng Đồng, Làng Chếu, Xím Vàng và Hang Chú. Quả Sơn Tra được các HTX và các doanh nghiệp trên địa bàn thu mua để chế biến thành rượu vang Sơn Tra và chế biến khô để đem đi tiêu thụ tại các tỉnh, mang lại nguồn thu nhập, góp phần giảm nghèo cho người dân các xã vùng cao.

Bắc Yên tận dụng lợi thế để phát triển kinh tế - Ảnh 3.

Quả Sơn Tra mang lại nguồn thu nhập, góp phần giảm nghèo cho người dân các xã vùng cao.

Bắc Yên tận dụng lợi thế để phát triển kinh tế - Ảnh 4.

Đến nay, huyện Bắc Yên (Sơn La) có gần 2.600 ha Sơn Tra. Ảnh: Nguyễn Vinh

Đối với cây chè tại xã Tà Xùa, từ năm 2016 đến nay, thông qua các nguồn vốn Chương trình 30a, 135 của Nhà nước, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, cùng các nguồn vốn đầu tư của tỉnh, huyện, xã Tà Xùa đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực chăm sóc giống chè đặc sản. Đồng thời, chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả, đưa vào trồng giống chè Shan tuyết chất lượng cao.

Trao đổi với phóng viên, ông Mùa A Sang, Chủ tịch UBND xã Tà Xùa, cho biết: Đến nay, xã có gần 200 ha chè Shan tuyết, 1.650 cây chè cổ thụ đang cho thu hoạch, tập trung tại các bản như: Bản Bẹ, bản Tà Xùa và bản Chung Chinh, sản lượng chè búp tươi đạt gần 1.000 tấn/năm. Hiện, người dân trong xã đang áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất; chủ động tìm mối liên kết trong sản xuất tiêu thụ sản phẩm chè đem lại thu nhập cao.

Hiện nay, xã Tà Xùa đang phối hợp với các đơn vị chuyên môn của huyện quy hoạch cây chè thành vùng trồng sản xuất hàng hóa theo hướng tập trung với quy trình sản xuất sạch, an toàn. Khuyến khích bà con tham gia vào HTX để mở rộng vùng nguyên liệu, gắn vùng sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Xã phấn đấu đến hết năm 2025 trồng mới 50 ha chè, nâng diện tích chè đặc sản của xã lên 300 ha, để tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Qua đó, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã từ 3%-4%/năm và phấn đấu xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Bắc Yên tận dụng lợi thế để phát triển kinh tế - Ảnh 5.

Nhiều diện tích đất trồng cây lương thực ngắn ngày được hội viên nông dân vùng cao Tà Xùa trồng thay thế bằng cây chè đặc sản. Ảnh: Nguyễn Vinh

Đối với chăn nuôi, huyện đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung phát triển gia súc ăn cỏ theo quy mô trang trại, gia trại; đầu tư trồng cỏ, ứng dụng kỹ thuật tưới ẩm đảm bảo cỏ phục vụ chăn nuôi. Tuyên truyền, vận động người dân không thả rông gia súc, làm chuồng trại gắn với phòng chống đói, rét, dịch bệnh cho gia súc, gia cầm. Tổ chức tiêm các loại vaccine phòng bệnh, phun  tiêu độc khử trùng đạt 100% so với chỉ tiêu giao. Cải tạo đàn bò, dê địa phương bằng phương pháp đổi đực giống, cung ứng giống bò lai sind để cải tạo đàn bò địa phương. Phấn đấu năm 2022, tổng đàn gia súc, gia cầm đạt 373.000 con. Trong đó: Gia súc 79.500 con; gia cầm 293.500 con; sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 1.750 tấn.

Bắc Yên tận dụng lợi thế để phát triển kinh tế - Ảnh 6.

Nhờ trồng chè và tích cực học hỏi kinh nghiệm sao chè, cuộc sống của gia đình anh Mùa A Lử, bản Chung Trinh, xã Tà Xùa thêm khấm khá. Ảnh: Nguyễn Vinh

Phát triển kinh tế theo hướng bền vững

Trao đổi với phóng viên, bà Dương Thị Lan Hương, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Bắc Yên, Sơn La cho biết: Trong những năm qua, Nông nghiệp huyện Bắc Yên đã có những chuyển biến tích cực, sản xuất nông nghiệp từng bước phát triển theo hướng hàng hóa, các vùng nguyên liệu gắn với chuỗi giá trị được hình thành. Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng được đẩy mạnh, diện tích cây lương thực trên đất dốc kém hiệu quả như ngô, lúa nương giảm dần, diện tích cây ăn quả, cây lấy củ, cây công nghiệp phát triển mạnh với trên 39% diện tích cây ăn quả được áp dụng giống, công nghệ mới; một số sản phẩm đã có thương hiệu trên thị trường trong nước, có sản phẩm xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.

An ninh lương thực được đảm bảo; đời sống người dân được nâng lên. Chăn nuôi, thủy sản phát triển ổn định; Cơ bản đã bảo vệ được diện tích rừng hiện có. Nhiều công trình thủy lợi tiếp tục được đầu tư nâng cấp, sửa chữa, chủ động được nước tưới tiêu, tạo điều kiện phát triển sản xuất nông nghiệp.

"Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các phòng ban, đơn vị liên quan tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hướng ưu tiên nâng cao chất lượng nghề, đào tạo chuyển đổi nghề gắn với thị trường lao động. Đổi mới chương trình, phương pháp dạy học, đẩy mạnh hình thức đào tạo thực hành, thực tế, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất", bà Hương nói.

Bắc Yên tận dụng lợi thế để phát triển kinh tế - Ảnh 7.

Huyện Bắc Yên (Sơn La) đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất cho người dân. Ảnh: Nguyễn Vinh

Có thể thấy, việc phân vùng phát triển kinh tế nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh đã và đang mang lại tín hiệu tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện Bắc Yên. Đến nay, các xã vùng cao đã đạt bình quân 11,5 tiêu chí/xã trong xây dựng nông thôn mới, đời sống người dân ngày càng được cải thiện; khoảng cách chênh lệch của các xã vùng cao so với các xã vùng thấp dần được thu hẹp.

 Thời gian tới, huyện Bắc Yên tiếp tục huy động các nguồn lực để đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, tiếp tục phát triển các loại cây trồng chủ lực; đẩy mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm để tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Chưa có thông tin