Bỏ việc lương cao về làm… nông dân
Từ bỏ công việc có thu nhập hàng tháng hơn 50 triệu đồng, đôi vợ chồng 8X quyết định khởi nghiệp mô hình nông nghiệp sạch. Sau nhiều lần nếm trải thất bại, họ đã biến ước mơ thành hiện thực khi vừa có nguồn thu nhập cao, vừa có nơi để các em nhỏ trải nghiệm ước mơ làm nông dân.
Bước ra khỏi vùng “an toàn” để khởi nghiệp
Ở thành phố Thủ Dầu Một (Bình Dương), trang trại nông nghiệp công nghệ Aquaponics được nhiều người biết đến. Nhưng ít ai biết được rằng, để có thành công như bây giờ, chủ nhân trang trại đã vượt qua nhiều rào cản, có những lúc nản lòng muốn bỏ cuộc, buông xuôi.
Chủ nhân của trang trại này là vợ chồng chị Huỳnh Thị Tú Thuyết (SN 1983) và anh Đặng Đức Hiếu (SN 1982). Chia sẻ về cơ duyên làm nông dân, chị Thuyết cho biết, cả hai vợ chồng cùng thực hiện ước mơ trái với ngành nghề đã được đào tạo. Chị Thuyết tốt nghiệp Đại học Sư phạm Toán - Tin ở TP Đà Nẵng.
Năm 2018, khi đang là Trưởng phòng nhân sự kiêm phụ trách xuất nhập khẩu cho một công ty Nhật Bản với thu nhập hơn 25 triệu đồng/tháng, chị Thuyết xin nghỉ việc để theo đuổi đam mê thực hiện nông trại sạch. “Tôi muốn theo đuổi đam mê làm nông nghiệp, muốn cung cấp nguồn rau sạch, cá sạch cho người dân ăn uống để đảm bảo sức khoẻ. Niềm đam mê đó được tiếp thêm sức mạnh khi chồng ủng hộ, bỏ công việc kỹ sư cơ khí ô tô với mức lương khoảng 30 triệu đồng/tháng để đồng hành với vợ. Khi người thân biết tin này, ai cũng phản đối vì cho rằng công việc của hai vợ chồng đang có là mơ ước của nhiều người”, chị Thuyết nhớ lại.
“Lúc đó, mình nghĩ đơn giản mình xuất thân là con nhà nông nên nếu làm mô hình nông nghiệp sạch cũng không đến mức quá khó. Tuy nhiên, liên tục gặp thất bại, tiền dành dụm tiêu hết khiến vợ chồng tôi có lúc nản chí, muốn buông bỏ..”. Chị Huỳnh Thị Tú Thuyết
Anh Đặng Đức Hiếu cho biết, sau khi bỏ việc, bao nhiêu vốn liếng, tiền tích góp được, hai vợ chồng dồn vào đầu tư thuê đất, máy móc, hệ thống mái che, bể nước, cá giống, rau…. với quy mô gần 2.000m2. Đam mê nhưng vốn kiến thức nông nghiệp còn hạn chế, vợ chồng anh Hiếu làm đến đâu tìm tòi, học hỏi rút kinh nghiệm đến đó.
“Lúc mới bắt đầu làm, chúng tôi bị động, liên tục thất bại. Phát triển mô hình nông nghiệp sạch quy mô lớn phức tạp, đòi hỏi người làm phải có chuyên môn cao. Thất bại không thể đo đếm được. Số tiền mất trắng sau những lần thất bại khoảng 2 tỷ đồng vốn tích lũy”, anh Hiếu nói.
Tiếp lời chồng, chị Thuyết bộc bạch: “Lúc đó, mình nghĩ đơn giản mình xuất thân là con nhà nông nên nếu làm mô hình nông nghiệp sạch cũng không đến mức quá khó. Tuy nhiên, liên tục gặp thất bại, tiền dành dụm tiêu hết khiến vợ chồng tôi có lúc nản chí, muốn buông bỏ. Người thân, bạn bè có người bảo, sớm muộn cũng quay trở lại làm công ăn lương thôi. Ngay cả ba, mẹ đến giờ chưa dám tin con làm giàu từ nông nghiệp”.
Thành quả từ nỗ lực, đam mê
Quyết không bỏ cuộc sau nhiều lần gặp thất bại, vợ chồng chị Thuyết quyết định tìm hiểu, học hỏi các mô hình và lắng nghe những chia sẻ từ các kĩ sư nông nghiệp, thuỷ lợi. Nhờ kiên trì và nỗ lực, đến năm 2020, đôi vợ chồng tuổi 8X này bắt đầu gặt hái thành quả.
Đến nay, trang trại có khoảng 30 loại rau và hơn 10 loại cá, bao gồm các loại cải như cải xoăn, cải bó xôi, cần nước, xà lách xoăn, các loại rau gia vị như tía tô Nhật Bản, húng quế, tai vị, oải hương, bạc hà, lá é … Cá nuôi bao gồm: cá Hoàng đế, cá chép Koi, cá dĩa, cá Ranchu…và lươn thịt. “Hiện tại, rau, cá các loại trong trang trại đều trong tình trạng “cháy hàng”. Ngày đầu phải mang ra chợ bán hàng. Bây giờ khách đến đặt hàng liên tục, số lượng lớn. Rau, cá… ở trang trại ngày càng được ưa chuộng vì nuôi trồng không có chất độc hại, giống với tự nhiên. Mỗi năm, trang trại thu về khoảng 3 tỷ đồng. Tới đây, chúng tôi phát triển giống lươn, cá để xuất khẩu ra nước ngoài”, chị Thuyết nói.
Ngoài cung cấp nguồn rau, hải sản cho khách hàng, chủ trang trại Aquaponics cho biết, gần đây liên tục nhận được nhiều đơn hàng xin chuyển giao công nghệ, lắp đặt hệ thống trồng rau, nuôi cá tại nhà. Đặc biệt, mô hình nông nghiệp sạch, an toàn đã thu hút nhiều trường mần non, tiểu học, đại học hợp tác dẫn đoàn đến tham quan, trải nghiệm.
“Vợ chồng tôi sẵn sàng cho các em thiếu nhi đến trải nghiệm, hòa cùng thiên nhiên, không ảnh hưởng đến sức khỏe. Đây là cách giáo dục rất tốt cho các em để các em biết trân quý những người lao động; biết thế nào là làm nông nghiệp sạch, chất lượng cao để sau này có thể các em sẽ có những đóng góp cho quê hương. Mục tiêu thực hiện mô hình nông nghiệp từ ban đầu của hai vợ chồng là đầu tư sức khỏe cho gia đình và cộng đồng. Vợ chồng tôi sẽ thuê thêm đất, mở rộng trang trại, phục vụ các em thiếu nhi có khu vui chơi, nghỉ ngơi, ăn uống”, chị Thuyết cho hay.
Tại nông trại này, cá và rau được nuôi trồng trong cùng một hệ tuần hoàn. Cá ăn thức ăn, tạo ra chất thải trong nước. Nước có chứa chất thải từ bể thủy sản được đưa vào hệ thống lọc cơ học và vi sinh. Vi khuẩn có lợi sẽ biến đổi nước thải từ bể thủy sản thành chất dinh dưỡng hữu cơ phù hợp cho cây trồng phát triển. Sau đó, nước được dẫn vào các bể trồng rau. Cây rau hấp thụ dưỡng chất trong nước, lọc sạch nước và cung cấp ngược trở lại cho bể cá.
Ông Phạm Văn Bông - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bình Dương cho biết, tỉnh đã và đang triển khai các chính sách ưu đãi nhằm thu hút, khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Các mô hình ứng dụng công nghệ cao được vay vốn với mức lãi suất ưu đãi bằng 70% lãi suất cho vay tối thiểu của Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh Bình Dương. Hạn mức vay ưu đãi từ 80% - 90% tùy theo quy mô của phương án đầu tư sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị - nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.