|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu cà phê

Giá cà phê Arabica và Robusta trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đồng loạt tăng lên các mức cao nhất trong vòng gần 10 năm trở lại đây. Theo nhận định của Sở Công thương, giá cà phê trên toàn cầu được dự đoán sẽ duy trì ở mức cao đến đầu năm sau. Nguyên nhân là do nguồn cung từ các quốc gia như Brazil, Colombia đang bị hạn chế. Đây là cơ hội lớn cho doanh nghiệp Lâm Đồng đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng nông sản chủ lực này. 

Để nâng cao chất lượng cà phê, nông dân cần tuân thủ việc thu hoạch với tỷ lệ quả chín trên 80%

Để nâng cao chất lượng cà phê, nông dân cần tuân thủ việc thu hoạch với tỷ lệ quả chín trên 80%

 

Theo Sở Công thương, từ đầu năm đến nay, sản lượng xuất khẩu cà phê nhân trên địa bàn tỉnh ước đạt 49,1 ngàn tấn, đạt giá trị 91,72 triệu USD, giảm 47,23% về lượng và 35,74% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, liên tục trong các tháng 10 và 11, hoạt động xuất khẩu cà phê nhân của tỉnh Lâm Đồng đã ghi nhận sự tăng trưởng rất mạnh, nhất là về giá trị.

Cụ thể, trong tháng 10/2021, mặt hàng xuất khẩu cà phê nhân ước đạt 4,78 ngàn tấn, đạt giá trị 8,03 triệu USD, giảm 0,23% về lượng nhưng tăng 19,85% về giá trị so với cùng kỳ. Còn trong tháng 11/2021, hoạt động xuất khẩu mặt hàng cà phê nhân toàn tỉnh ước đạt 4,42 ngàn tấn, đạt 7,7 triệu USD, tăng 6,71% về lượng và 11,76% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, một số thị trường tiêu thụ chủ yếu là: Trung Quốc, Ý, Đức, Anh…

Ông Đoàn Mạnh Trình - Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu cà phê Tám Trình cho biết: Sau một thời gian tích lũy, giá cà phê Arabica và cà phê Robusta đồng loạt bứt phá lên các mức cao nhất trong vòng gần 10 năm trở lại đây. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho bà con nông dân trồng cà phê tỉnh Lâm Đồng khi đang bước vào giai đoạn thu hoạch.

 

 

Nguyên nhân là do các quốc gia sản xuất cà phê lớn của thế giới như Brazil, Colombia đang phải đối mặt với đợt hạn hán tồi tệ nhất trong gần một thế kỷ qua, dẫn đến sản lượng cà phê bị sụt giảm nghiêm trọng. Mặc khác, nguồn cung trên thị trường cà phê thế giới vẫn đang thấp hơn so với năm trước. Lượng hàng hóa tồn tại kho London của nước Anh không còn nhiều. Thêm vào đó, tình trạng thiếu container và chuỗi cung ứng đứt gãy do đại dịch Covid-19 quay trở lại đã khiến xuất khẩu cà phê của nhiều quốc gia; trong đó, có Việt Nam, quốc gia sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới, sụt giảm. Điều này, buộc các nhà rang xay phải tăng giá, đẩy mạnh tìm kiếm các đơn hàng để ổn định sản xuất. 

Theo ông Đoàn Mạnh Trình, trong năm 2021, Công ty đã xuất ra thị trường hơn 8.000 tấn cà phê đã qua chế biến và cà phê nhân chất lượng cao. Trong đó, khoảng 2.000 tấn xuất khẩu cho các thị trường truyền thống như: Anh, Mỹ, Ukraina và các thị trường mới nổi như: Trung Quốc, Philippines, Thái Lan. Dự báo, từ nay đến cuối năm, hoạt động xuất khẩu cà phê của doanh nghiệp trong tỉnh sẽ trở nên nhộn nhịp hơn do các thị trường tích cực thực hiện đặt các đơn hàng. Riêng tại Công ty Tám Trình, lượng đơn hàng xuất khẩu nhận được trong dịp cuối năm và đầu năm 2022 đã tăng hơn 30%. 

Chung nhận định, ông Châu Văn Sĩ - Đại diện Công ty TNHH Olam Việt Nam tại tỉnh Lâm Đồng cũng chia sẻ thông tin: Theo Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) ước tính, khoảng 30% sản lượng cà phê Arabica của Brazil cho giai đoạn 2021 - 2022 sẽ bị mất trắng. Điều này đã khiến giá cà phê toàn cầu đang tăng lên mức cao nhất so với nhiều năm. Do đó, đây là thời cơ rất tốt để doanh nghiệp Lâm Đồng đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu cà phê. 

Sơ chế cà phê tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu cà phê Tám Trình

Sơ chế cà phê tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu cà phê Tám Trình

 

Mặc khác, trong khi mùa thu hoạch cà phê của các nước ở bán cầu nam (Brazil, Colombia…) thường từ tháng 5 đến tháng 10 thì Việt Nam thu hoạch cà phê từ tháng 11 hàng năm đến hết tháng 4 năm sau, còn tại Indonesia thì mùa thu hoạch cà phê bắt đầu từ tháng 3. Do đó, mặc dù Việt Nam đang bắt đầu thu hoạch cà phê, nhưng đang ở thế "một mình một chợ". Việc thành hay bại trong xuất khẩu cà phê thời điểm này là nằm trong thế chủ động của các doanh nghiệp cà phê Việt Nam trong việc điều tiết cung cầu thị trường để có được những hợp đồng giá có lợi nhất.

Bên cạnh đó, mối lo chung hiện nay của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cà phê tỉnh Lâm Đồng là tình trạng thiếu hụt nhân công để thu hái cà phê và tình trạng thu hoạch đồng loạt cà phê khi trái chưa chín, dẫn đến chất lượng cà phê năm nay có phần đi xuống. 

Minh chứng cho điều này, ông Đoàn Mạnh Trình cho biết: Mặc dù, giá cà phê Robusta giao dịch tại sàn ICE London giao trong tháng 1 đã tăng hơn 30% lên mức 2.308 USD/tấn. Tuy nhiên, thực tế doanh nghiệp khi xuất khẩu đã bị trừ lùi từ 350 – 400 USD cho mỗi tấn cà phê nhân xuất khẩu. Nguyên nhân nằm ở chất lượng cà phê nhân của Lâm Đồng chưa cao, lượng hao hụt năm nay tương đối lớn. 

“Ít nhất, từ nay đến hết quý I/2022, nhu cầu cà phê trên thị trường thế giới sẽ còn tăng cao. Để tận dụng cơ hội xuất khẩu với giá trị cao, doanh nghiệp và người dân cần tập trung thực hiện một số giải pháp. Trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng là việc làm vô cùng cấp bách hiện nay” - ông Trình cho hay. 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết