Nông thôn Tây Bắc: Nuôi trâu, bò nhốt chuồng, sức bật ở một xã anh hùng
Nuôi trâu, bò nhốt chuồng đã đem lại hiệu quả kinh tế cao ở vùng Nông thôn Tây Bắ nói chung và ở Sơn La nói riêng...
Những năm trở lại đây, thời tiết khắc nghiệt, rét đậm và rét hại kéo dài đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển đàn gia súc. Để khắc phục tình trạng này, rất nhiều bà con các dân tộc xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn (Sơn La) đã tập trung phát triển đàn trâu, bò bằng hình thức nuôi nhốt chuồng... đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Về xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn những ngày này, trên các cánh đồng, sườn đồi người dân đang tấp nập vào vụ thu hoạch mía, nơi đây được coi là thủ phủ cây mía của Sơn La. Người dân tận dụng lá mía, ngọn mía cùng với điều kiện đất đai tương đối bằng phẳng để trồng cỏ voi làm nguồn thức ăn cho trâu, bò. Những năm gần đây người dân xã Cò Nòi đã tập trung chăn nuôi trâu, bò theo hình thức nhốt chuồng, đem lại thu nhập ổn định, thoát nghèo, vươn lên làm giàu, góp phần xây dựng nông thôn mới trên mạnh đạt anh hùng này.
Trước đây, gia đình ông Lò Văn Cù, bản Bó Hặc, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La nuôi trâu chủ yếu là thả rông trên đồi để lấy sức kéo, vì vậy, việc chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh bị hạn chế, nhất là vào mùa đông do rét đậm, rét hại kéo dài làm trâu, bò chết.
Sáu năm nay, được cán bộ Hội Nông dân xã tuyên truyền, cùng với sự hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ chuyên môn huyện gia đình ông Cù quyết định đầu tư làm chuồng trại, trồng 2.000m2 cỏ voi để nuôi trâu nhốt chuồng.
Bằng số tiền vốn của gia đình, ông mua 4 con trâu giống, hiện đàn trâu phát triển thành 10 con. Với mô hình nuôi trâu nhốt chuồng, cuối năm 2011, gia đình ông Cù bán được sáu con trâu với tổng trị giá hơn 200 triệu đồng.
Như gia đình ông Cù, gia đình bà Lò Thị Thin, bản Cò Nòi, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La cũng đang phát triển nuôi trâu bò nhốt chuồng vỗ béo.
Bà Thin chia sẻ: Gia đình mới thực hiện nuôi trâu, bò vỗ béo, được 12 con hơn 2 năm nay, lúc đầu, mỗi con chỉ nặng từ 70kg đến 100kg, sau gần một năm vỗ béo, mỗi con đã lên tới 500 đến 600 kg. Những loại trâu, bò thương phẩm này được khách hàng đến tận nhà thu mua, cho nên lúc nào bán cũng được giá. Tính ra một năm nuôi trâu, bò nhốt chuồng, gia đình thu lãi hơn 150 triệu đồng.
Chị Thin cho biết thêm: Ðể mở rộng chăn nuôi theo quy mô lớn, hầu hết bà con đang gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn đầu tư. Bên cạnh đó, việc đầu tư xây dựng chuồng trại theo đúng tiêu chuẩn cũng khá tốn kém, cần có nguồn vốn rất lớn. Chuồng nuôi nhốt khoảng mười con cần từ 60 đến 70 triệu đồng. Ðể phát triển chăn nuôi trâu vỗ béo, bỏ chăn thả trở thành phong trào, người nông dân rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước với chính sách ưu đãi về nguồn vốn vay phục vụ cho sản xuất.
Không chỉ gia đình ông Cù, chị Thin, mô hình nuôi trâu, bò theo hướng nhốt chuồng phát triển mạnh, đem lại hiệu quả kinh tế cao, tại các bản Bó Hặc, Cò Nòi, Hua Tát, Hua Nong, bản Nhạp…
Trao đổi với phóng viên, ông Lò Văn Tiện, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cò Nòi cho biết: Đến nay, xã Cò Nòi đã mở rộng diện tích trồng cỏ voi lên hơn 100 ha để cung cấp thức ăn cho trên 4.200 con trâu, bò. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt trên 30 triệu đồng/người/năm, hộ nghèo giảm hẳn.
"Phát triển chăn nuôi gia súc bền vững, xã phối hợp với phòng chuyên môn huyện xây dựng mô hình chăn nuôi gia súc theo hướng nhốt chuồng. Qua đó, có kế hoạch hướng dẫn bà con cách chăn nuôi và phòng dịch bệnh", ông Tiện nói.
Ðể nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi gia súc, xã Cò Nòi đã tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn bà con các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, chống rét cho trâu, bò vào mùa đông; tận dụng các phế phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho trâu, bò; làm chuồng trại kiên cố, đưa gia súc về nuôi nhốt tại nhà, tạo thế phát triển bền vững trong chăn nuôi.
Có thể thấy việc phát triển nuôi trâu, bò vỗ béo trên địa bàn xã Cò Nòi là hướng đi mới cho người nông dân. Qua đó giúp người nông dân có cuộc sống ổn định, bà con các dân tộc trong xã đã tích cực góp công sức, tiền của xây dựng nông thôn mới.