Tìm hướng đi bền vững cho nông sản bằng enzyme trái cây
Để thoát cảnh ùn tắc nông sản, "được mùa mất giá" diễn ra hàng năm, nhiều doanh nghiệp tìm hướng đi bền vững hơn. Đối với Carafoods, chế biến sâu nông sản bằng enzyme trái cây là con đường phát triển lâu dài với cả doanh nghiệp và người nông dân.
Để thoát cảnh ùn tắc nông sản, "được mùa mất giá" diễn ra hàng năm, nhiều doanh nghiệp tìm hướng đi bền vững hơn. Đối với Carafoods, chế biến sâu nông sản bằng enzyme trái cây là con đường phát triển lâu dài với cả doanh nghiệp và người nông dân.
Carafoods (CTCP Thực phẩm Cam Ranh) là một trong những doanh nghiệp tiên phong tại Việt Nam nghiên cứu, sản xuất enzyme dạng lỏng từ trái cây và rong biển tự nhiên. Enzyme hay còn gọi là men, chất xúc tác sinh học có thành phần cơ bản là protein và đóng vai trò rất quan trọng đối với một cơ thể khỏe mạnh.
Là người con miền biển Khánh Hòa, tình cảnh thu nhập bấp bênh của người dân quê nhà sản xuất nông sản khi được mùa mất giá đã thôi thúc bà Nguyễn Thu Hồng, người sáng lập công ty Carafoods, quyết tâm tạo ra sản phẩm enzyme từ trái cây dư thừa. Đây cũng là hướng đi chế biến sâu để gia tăng giá trị các loại nông sản của công ty.
“Mình trồng ra được trái cây, nhưng xuất khẩu thô thì giá thành sản phẩm sẽ thấp. Còn nhập về các sản phẩm đã chế biến thì giá cao. Vì vậy việc nghiên cứu ra các sản phẩm có giá trị kinh tế cao mà vận chuyển dễ dàng thì mới có tính ổn định”, bà Hồng chia sẻ với Mekong ASEAN.
Năm 2020, Carafoods bắt đầu nghiên cứu chuyên sâu về sản phẩm trái cây chế biến sâu qua enzyme. Tuy nhiên, thời điểm này, đại dịch đang diễn ra, tiềm lực doanh nghiệp còn yếu, nguy cơ phá sản của dự án này là điều khó tránh khỏi. Đứng trước khó khăn, công ty đã khởi động dự án gọi vốn mang tên "Yêu thương Việt Nam", nhằm kêu gọi vốn góp từ các nhà đầu tư trực tuyến.
Nhà sáng lập Carafoods cho biết, chỉ trong vòng 2 tuần khi đó, doanh nghiệp đã kêu gọi được hơn nửa tỷ đồng với 123 nhà đầu tư cá nhân. Theo bà Hồng, họ không chỉ là nhà đầu tư mà còn là những khách hàng đầu tiên, góp phần quan trọng để doanh nghiệp tiếp tục phát triển sản phẩm.
Enzyme thanh long sấy dẻo kết hợp từ enzyme thanh long và rong biển. Ảnh: Carafoods
Từ bước đi đầu tư đầu tiên này, với sự kết hợp giữa công nghệ Nhật Bản và kỹ thuật lên men truyền thống của người Việt, Carafoods đã cho ra đời một loạt sản phẩm enzyme làm từ trái cây như enzyme thanh long sấy dẻo, enzyme xoài dẻo, enzyme dạng lỏng.
Bà Hồng luôn tự hào về những phương pháp ủ chạp truyền thống mà cha ông để lại, đồng thời, với phương pháp này, tự thân trái cây có thể sản sinh hệ enzyme, hệ probiotic - các vi khuẩn sống có lợi cho sức khỏe - và prebiotics (thức ăn của những vi khuẩn sống có lợi cho sức khỏe).
"Với lợi thế là người đi sau, kế tục được những công nghệ đã có sẵn, kết hợp đặc tính trái cây, dược liệu bản địa vùng miền tạo nên sản phẩm enzyme hoàn toàn tự nhiên, đáp ứng được với yêu cầu của thị trường”, bà Hồng cho biết.
Sản phẩm enzyme trái cây đưa ra thị trường rất được ưa chuộng. Ảnh: Carafoods
Trong quá trình nghiên cứu, ngoài làm enzyme, các sản phẩm từ thành phần khác của trái cây cũng được ra đời như vỏ xoài làm phân bón, hạt xoài được tách chiết, tạo ra sản phẩm dưỡng da.
Chính các yếu tố trên đã giúp Carafoods phát triển và đưa sản phẩm enzyme "made in Vietnam" tồn tại trên thị trường. Theo thống kê của công ty, hàng tháng, khách hàng nội địa quay lại với tỷ lệ 50% và khách hàng mới tăng lên 20%. Doanh nghiệp định hướng bao phủ thị trường Hà Nội và TP HCM, sau đó tiến tới các tỉnh, thành phố khác tại Việt Nam.
Tại thị trường quốc tế, Carafoods đang bắt đầu hướng tới Nhật Bản, Singapore và Trung Quốc. Tại thị trường Nhật Bản, doanh nghiệp đã gửi sản phẩm đến các đối tác để đàm phán, đồng thời có chuyên gia tư vấn thị trường nên có thể năm sau những sản phẩm enzyme đầu tiên sẽ có mặt tại "đất nước mặt trời mọc".
Theo https://mekongasean.vn/
Nguồn:congnghiepsinhhocvietnam.com.vn Copy link