Tiêu điểm

HTX bứt phá năng lực, khẳng định vị thế từ chuyển đổi số


Chuyển đổi số không còn là lựa chọn mà là yêu cầu cấp thiết để HTX nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững. Tuy nhiên, đối với nhiều HTX, con đường chuyển đổi số vẫn còn không ít rào cản, từ yếu tố con người đến nguồn lực tài chính và hạ tầng công nghệ. Điều này đòi hỏi những giải pháp đồng bộ và quyết liệt hơn để giúp các HTX không bị bỏ lại phía sau.

Sự cần thiết của chuyển đổi số là điều không thể phủ nhận. Tại Sơn La, HTX Dịch vụ nông nghiệp Ngọc Hoàng từng gặp khó khăn khi việc ghi chép nhật ký sản xuất của thành viên đều thực hiện thủ công trên giấy, gây mất thời gian và khó khăn trong việc truy xuất thông tin, đặc biệt khi có lô hàng cần xuất khẩu.

Khi "số hóa" còn là câu chuyện xa vời

Tuy nhiên, từ khi HTX đầu tư và ứng dụng cổng thông tin egap.vn, chỉ với một chiếc điện thoại thông minh có kết nối internet, các thành viên giờ đây có thể dễ dàng cập nhật lịch sử canh tác, quản lý toàn bộ hoạt động sản xuất từ khâu làm đất, gieo trồng, bón phân, phòng trừ sâu bệnh, đến thu hoạch.

Việc số hóa quy trình sản xuất này không chỉ giúp HTX quản lý nội bộ hiệu quả hơn mà còn mang lại sự minh bạch tuyệt đối về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm cho người tiêu dùng. Nhờ đó, sản phẩm nông sản của HTX Ngọc Hoàng, như các loại cây ăn quả chất lượng cao, được người tiêu dùng tin tưởng hơn, dễ dàng thâm nhập vào các kênh phân phối hiện đại và nâng cao giá trị. Chi phí vận hành giảm, chất lượng sản phẩm được đảm bảo đồng đều hơn, và khả năng tiếp cận khách hàng nhanh chóng đã giúp HTX này tăng giá trị sản phẩm, mang lại thu nhập ổn định và cao hơn cho các thành viên.

Chuyển đổi số với HTX Ngọc Hoàng  là hướng đi tất yếu, đã giúp HTX thu được trái ngọt. Tuy nhiên, trong khu vực kinh tế tập thể, HTX, không phải HTX nào cũng thuận lợi như vậy.

-6539-1751360766.jpg

Kiểm tra quy trình sản xuất bằng điện thoại thông minh của HTX Sunfood Đà Lạt.

Như tại HTX Riti (Ninh Bình), một số thành viên trong HTX vẫn gặp khó khăn trong việc sử dụng phần mềm do thiếu kỹ năng công nghệ thông tin. Điều này đã làm giảm hiệu quả của các công cụ chuyển đổi số mà HTX đã áp dụng.

Trong báo cáo đánh giá về khoảng trống trong chuyển đổi số và thiếu hụt các kỹ năng chuyển đổi số của các HTX tại Việt Nam thuộc dự án Youcool mới đây, cho thấy hầu hết HTX vẫn đang ở giai đoạn đầu hoặc thậm chí chưa bắt đầu quá trình này.

Chỉ vỏn vẹn 13.6% số HTX tham gia khảo sát đã hoàn thành chuyển đổi số, trong khi một nửa (50%) đang trong quá trình thực hiện và đáng lo ngại hơn là 36.4% vẫn chưa hề bắt đầu. Tốc độ chuyển đổi số chưa nhanh không chỉ phản ánh những khó khăn mà các HTX đang phải đối mặt mà còn đặt ra câu hỏi về khả năng thích ứng của họ trong môi trường kinh doanh ngày càng số hóa.

Bà Trần Thị Hòa, Giám đốc HTX Nông nghiệp Nhân Mỹ (Ninh Bình mới) chia sẻ các thành viên biết chuyển đổi số là xu thế tất yếu, là con đường để sản phẩm vươn xa hơn, quản lý hiệu quả hơn. Nhưng khi bắt tay vào làm thì gặp đủ thứ khó khăn. Từ việc đầu tư phần mềm, thiết bị đến việc đào tạo cho thành viên, cái gì cũng cần tài chính, cần thời gian và cần những người thực sự hiểu biết về công nghệ. Trong khi phần lớn thành viên HTX hiện nay có độ tuổi trung bình khoảng 50-60.

Gánh nặng từ nguồn nhân lực già hóa mà HTX Nhân Mỹ đang gặp phải cũng là tình trạng chung của nhiều HTX hiện nay. Báo cáo trong dự án Youcool cũng chỉ ra rằng, 77.3% HTX tham gia khảo sát có tỷ lệ lao động trẻ (dưới 35 tuổi) dưới 30%. Điều này đồng nghĩa với việc phần lớn lực lượng lao động của các HTX là trung niên và lớn tuổi, những người thường ít quen thuộc với công nghệ số và có xu hướng tiếp nhận cái mới chậm hơn. Họ có thể cảm thấy khó khăn khi phải thay đổi thói quen làm việc truyền thống để làm quen với các ứng dụng, phần mềm mới, từ đó làm chậm quá trình tiếp nhận và triển khai chuyển đổi số.

Ông Nguyễn Anh Quân, Giám đốc HTX Sản xuất - Dịch vụ - Du lịch chiếu cói An Cư (Đắk Lắk mới), cho biết sản xuất chiếu cói và những sản phẩm từ cói nên nhiều thành viên trong HTX đã lớn tuổi. Việc dùng điện thoại thông minh để ứng dụng phần mềm quản lý sản xuất, bán hàng online là không hề đơn giản với nhiều người.

Trong khi nguồn thu nhập còn hạn chế của một số HTX trở thành một rào cản kép, kìm hãm khả năng đầu tư vào chuyển đổi số. Báo cáo trong dự án Youcool, chỉ ra rằng, 77.2% tổng số HTX có thu nhập (sau thuế) dưới 5 triệu đồng/người/tháng. Số HTX đạt thu nhập khá (từ 5-10 triệu đồng/tháng) chỉ chiếm 9.1%. Mức thu nhập này khiến các HTX gặp rất nhiều khó khăn trong việc triển khai chuyển đổi số, vì họ không đủ nguồn lực tài chính để đầu tư vào công nghệ, đào tạo nhân sự và phát triển hệ thống số hóa.

Cái gì quan trọng, cấp bách thì làm trước

Theo giới chuyên gia, có một thực tế là nhiều HTX muốn chuyển đổi số để tăng thu nhập cho thành viên nhưng lại không đủ tài chính để chuyển đổi số. Vấn đề không chỉ dừng lại ở chi phí mua sắm thiết bị, phần mềm mà còn là chi phí đào tạo, chi phí duy trì và nâng cấp hệ thống liên tục trong tương lai.

Do đó, cần có các chính sách ưu đãi đặc thù dành riêng cho HTX trong việc tiếp cận các gói vay ưu đãi, các chương trình hỗ trợ về công nghệ từ Nhà nước và các tổ chức quốc tế. Trong đó, Liên minh HTX các cấp cần đóng vai trò cầu nối hiệu quả hơn nữa, không chỉ kết nối các HTX với nguồn vốn, công nghệ mà còn là trung tâm tư vấn, đào tạo, giúp HTX tiếp cận các giải pháp số phù hợp với quy mô và đặc thù ngành nghề của mình. Cần có những mô hình điểm về chuyển đổi số thành công trong HTX để lan tỏa và nhân rộng, tạo động lực và kinh nghiệm thực tiễn cho các HTX khác.

Ông Mai Quang Vinh, Chủ tịch HĐQT Liên hiệp HTX Kinh tế số Việt Nam (VDECA), cho biết VDECA và Viện Công nghệ xanh hợp tác xây dựng và hỗ trợ cho một số HTX ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số thành công. Như tại HTX dược liệu Sóc Sơn (Hà Nội) thực hiện quản lý chất lượng bằng Công nghệ phần mềm, đăng ký Tiêu chuẩn sản xuất Nhật JAS cho các sản phẩm chính của HTX như Trà hoa vàng, Maggi đậu đen, mật ong,Trà bát hoa…

Theo vị chuyên gia này, chuyển đổi số là cần thiết đối với các HTX nhưng cũng cần phải xem xét về vấn đề chi phí, tính cấp bách để đầu tư cho hợp lý.

Nếu HTX chưa có phần mềm kế toán mà đang quản lý kế toán bằng excel thì có thể gây ra những thất thoát tiền bạc trong tương lai nặng hơn nhiều so với chi phí hiện tại để mua và đào tạo cho thành viên về phần mềm kế toán. Với nhật ký điện tử, chi phí cho việc ghi chép sổ nhật ký canh tác điện tử là không lớn so với những mất mát trong tương lai do việc HTX không chớp được cơ hội, mất đơn hàng liên kết với doanh nghiệp vì thiếu nhật ký điện tử để chứng minh xuất xứ hàng hóa, quy trình sản xuất.

Đối với việc bán hàng trên sàn thương mại điện tử có thể phù hợp với những HTX có hàng hóa đã chế biến sâu, thời gian bảo quản dài nhưng có thể lại không phù hợp với những HTX có sản phẩm tươi sống, thủy sản, cần yêu cầu cao về bảo quản, vận chuyển.

Do đó, ngoài xây dựng các chính sách hỗ trợ tài chính đặc thù thông qua các quỹ hỗ trợ và gói tín dụng ưu đãi cần tăng cường đào tạo và nâng cao năng lực cho nguồn nhân lực HTX, đặc biệt là về kỹ năng số, đồng thời khuyến khích thu hút lao động trẻ thì cần phải nghiên cứu, xem xét đâu là những công nghệ quan trọng, cấp bách để hỗ trợ HTX đầu tư trước và đầu tư ngay trong khuôn khổ nguồn lực của mình. 

Huyền Trang

Tác giả: Khi "số hóa" còn là câu chuyện xa vời