Chương trình dự kiến có sự tham dự và phát biểu của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại diện các bộ, ban, ngành trung ương, các chuyên gia trong nước và quốc tế, cùng cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức phát triển. Đây sẽ là dịp quan trọng để các bên cùng nhìn nhận lại những thành tựu, tồn tại trong giai đoạn phát triển vừa qua, đồng thời thảo luận, đóng góp ý kiến cho định hướng chiến lược tăng trưởng dài hạn của đất nước trong bối cảnh mới.
Diễn đàn hướng tới mục tiêu định hình một mô hình tăng trưởng mới phù hợp với điều kiện phát triển của Việt Nam, có khả năng thích ứng linh hoạt với những biến động của môi trường quốc tế, đồng thời bảo đảm các nguyên tắc phát triển nhanh, bền vững và bao trùm. Đây không chỉ là không gian đối thoại chính sách cấp cao, mà còn là nền tảng cho tư duy phát triển đổi mới, góp phần tạo dựng động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế.
Trong bối cảnh Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng đạt mức hai con số, phấn đấu trở thành nền kinh tế nổi bật trong khu vực, giai đoạn 2025–2030 được Hội nghị Trung ương 11 (khóa XIII) xác định là thời kỳ then chốt. Đảng và Nhà nước đã chỉ đạo rõ việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ phụ thuộc vào vốn, năng suất, lao động giá rẻ sang dựa trên nền tảng khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng các yêu cầu hội nhập và cạnh tranh quốc tế.
Sự chuyển dịch mô hình tăng trưởng không chỉ là bước đi chiến lược giúp Việt Nam mở rộng dư địa phát triển và thu hút dòng vốn đầu tư chất lượng cao, mà còn là cơ hội để kết nối các vùng kinh tế, đẩy mạnh quá trình số hóa, tự động hóa nền kinh tế. Tuy nhiên, đi kèm với đó là không ít thách thức, đặc biệt trong việc nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ và chất lượng nguồn lao động trong nước.
Trên tinh thần đó, Diễn đàn được tổ chức nhằm góp phần làm rõ cơ sở lý luận, phân tích thực tiễn trong nước và quốc tế, đánh giá mô hình tăng trưởng hiện hành, từ đó đề xuất định hướng chính sách và hệ thống giải pháp nhằm xây dựng mô hình tăng trưởng mới cho Việt Nam trong giai đoạn 2026 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chương trình sẽ tập trung nhận diện các điểm nghẽn và rào cản trong mô hình cũ, đồng thời thảo luận cấu trúc cốt lõi của mô hình tăng trưởng mới trong bối cảnh phát triển kinh tế xanh, chuyển đổi số và hội nhập sâu rộng.