Tiêu điểm

“Đãi cát” tìm giọng hát chạm trái tim người nghe


Trở thành nghệ sĩ âm nhạc xuất sắc, xuất hiện trên sân khấu lớn, trình diễn trước hàng nghìn khán giả, được hàng triệu người biết đến là giấc mơ của nhiều bạn trẻ.

Trò chuyện với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, Tiến sĩ (TS), Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Đỗ Quốc Hưng, Phó giám đốc phụ trách Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam cho biết, đào tạo thanh nhạc là một trong những ngành nghề hấp dẫn của các trường nghệ thuật thời gian qua. Tuy nhiên, để trở thành giọng ca tên tuổi, có dấu ấn trong công chúng lại không phải là chuyện dễ, dù hành trình học, làm nghề rất gian nan.

Hát hay không chỉ dựa vào năng khiếu

Phóng viên (PV): Được biết, mỗi mùa tuyển sinh, khoa thanh nhạc ở hầu hết các trường đào tạo nghệ thuật trong cả nước đều thu hút rất đông thí sinh đăng ký tham gia. Có vẻ như giấc mơ trở thành ca sĩ, ngôi sao âm nhạc chưa bao giờ giảm đối với người trẻ trong những năm qua, thưa ông?

TS, NSND Đỗ Quốc Hưng: Đúng vậy! Có làm công tác đào tạo mới thấy sức hấp dẫn của ngành nghề đào tạo thanh nhạc. Đến thời điểm này, Khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam đã có gần 500 hồ sơ đăng ký từ các em đang học trung cấp tại trường đến các em ở các tỉnh, thành phố trong cả nước, trong khi Khoa có chỉ tiêu tuyển từ 30 đến 35 sinh viên; chưa kể các trường có khoa thanh nhạc ở Huế, TP Hồ Chí Minh và các địa phương khác.

“Đãi cát” tìm giọng hát chạm trái tim người nghe

NSND Đỗ Quốc Hưng biểu diễn trong chương trình nghệ thuật kỷ niệm 76 năm Ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11-6-1948 / 11-6-2024). Ảnh: TRẦN HUẤN 

Thực tế ngành nghề này luôn có sức hấp dẫn, bởi thu nhập từ việc ca hát và làm âm nhạc cũng rất cao. Cơ hội nghề nghiệp trong lĩnh vực này tại nước ta khá rộng mở khi ngành giải trí và ca hát đang phát triển với tốc độ mạnh mẽ và dần ghi được những dấu ấn đậm nét trên trường quốc tế. Sự cạnh tranh cũng tăng cao. Đó cũng là lý do rất nhiều bạn trẻ theo học ngành thanh nhạc để tối ưu khả năng biểu diễn và vươn tầm trở thành những ngôi sao âm nhạc trong tương lai. Khi tốt nghiệp, 100% người học thanh nhạc đều có việc làm và hầu hết phát triển rất tốt theo hướng các em lựa chọn.

PV: Là một nghệ sĩ biểu diễn đã khẳng định tên tuổi trong lòng công chúng, đồng thời lại làm công tác đào tạo, vậy trước những gương mặt trẻ, ông thường truyền đạt và định hướng điều gì cho các bạn?

TS, NSND Đỗ Quốc Hưng: Tôi luôn định hướng rõ với các em: Hát hay chưa chắc đã thành tài. Yếu tố đầu tiên để bạn theo đuổi ngành này chắc chắn là khả năng cảm thụ âm nhạc tốt. Bạn cũng cần có giọng hát hay, truyền cảm, có tư duy âm nhạc và khiếu thẩm mỹ. Ngoài ra, bạn cần có niềm đam mê lớn với nghệ thuật âm nhạc, tinh thần học tập và rèn luyện hăng say. Sức khỏe tốt cũng là yếu tố cần thiết để theo đuổi sự nghiệp âm nhạc dài lâu. Ngày nay, có rất nhiều bạn trẻ muốn theo đuổi sự nghiệp ca hát hay sản xuất âm nhạc và chọn thi vào các trường đào tạo thanh nhạc. Tuy nhiên không phải bạn nào cũng tìm hiểu đầy đủ mọi thứ liên quan tới ngành học đặc biệt hấp dẫn và rất thú vị này.

Để trở thành nghệ sĩ chơi nhạc đủ sức đứng trên sân khấu và mang tới những cảm xúc mãnh liệt cho khán giả, người chơi nhạc hay ca sĩ không chỉ cần năng khiếu mà còn cần khổ luyện và không ngừng học hỏi.

PV: Ông đánh giá như thế nào về công tác đào tạo cũng như thực lực tài năng, ý chí học hỏi của bạn trẻ theo học thanh nhạc hiện nay?

TS, NSND Đỗ Quốc Hưng: Có thể khẳng định, nguồn nhân lực, đội ngũ giảng viên đào tạo thanh nhạc của Việt Nam hiện nay khá tốt. Hầu hết các trường nghệ thuật đào tạo thanh nhạc đều có những giáo viên, nghệ sĩ giỏi, giàu kinh nghiệm giảng dạy. Bởi đội ngũ giảng viên không chỉ là những người thầy mà họ còn là những nghệ sĩ biểu diễn đã khẳng định tên tuổi trong lòng công chúng.

Nhưng tôi cũng khá trăn trở với các tài năng, gương mặt trẻ theo học thanh nhạc hiện nay. Phải chăng hiện giờ các em có điều kiện hơn, trang bị đầy đủ hơn về thiết bị công nghệ, máy tính, điện thoại, nhạc cụ... nên nhiều lúc tôi thấy các em học nhạc như... con vẹt. Thời chúng tôi và ngay cả bây giờ, khi nhận được một bản nhạc là đầu tư thời gian để suy ngẫm, vỡ bài, chép tay từng nốt nhạc, lời hát rồi miệt mài ngồi bên cây đàn piano để tập. Tôi nhớ hồi đi học, có hôm chiều tối đang ăn cơm dưới nhà ăn mà thấy bạn học cùng ăn xong đứng dậy là mình cũng phải bỏ bát mà chạy vội lên phòng tập. Không khí đua nhau học, giành nhau từng phút được ngồi bên cây đàn cùng với thầy cô hiện nay dường như không còn. Giao bài cho các em xong là thấy bấm điện thoại tìm bài hát có sẵn để nghe, học vẹt hát theo, bắt chước... Thực tế giọng hát của các em bây giờ rất tốt, hơn chúng tôi rất nhiều, nhưng nếu các em không học hỏi, khổ luyện mà chỉ chăm chăm bắt chước thì khó có thể định hình phong cách để khẳng định tên tuổi của mình trong làm nghề cũng như trong lòng công chúng.

Chắp cánh cho những sứ giả văn hóa nghệ thuật

PV: Đề án đào tạo nguồn tài năng nghệ thuật chất lượng cao đã triển khai nhiều năm nay. Mới đây, các cơ quan có liên quan tiếp tục đề xuất chính sách quan tâm, đầu tư đối với các ngành nghề nặng nhọc, độc hại của nghệ thuật biểu diễn, trong đó có thanh nhạc. Ông nghĩ sao về sự quan tâm này?

TS, NSND Đỗ Quốc Hưng: Chúng tôi-những giảng viên-nghệ sĩ trực tiếp làm công tác giảng dạy và biểu diễn đánh giá cao giá trị của việc thực hiện Đề án “Đào tạo tài năng lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến năm 2030” và những đề án, chính sách quan tâm, hỗ trợ tài năng khác. Các đề án này đã chắp cánh cho sinh viên, giảng viên được phát triển tài năng, đồng thời mang lại những giải thưởng danh giá, góp phần khẳng định vị thế của nền nghệ thuật Việt Nam trên bản đồ thế giới.

Tính riêng tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, hai năm 2023, 2024, học sinh, sinh viên, giảng viên đã giành được gần 60 giải thưởng tại 14 cuộc thi nghệ thuật trong nước và quốc tế, như: Liên hoan nghệ thuật châu Á lần thứ 10; Cuộc thi âm nhạc quốc tế ZhongSin lần thứ 18; Cuộc thi âm nhạc Kyushu lần thứ 26 tại Nhật Bản... Nhờ kết quả học tập xuất sắc, sinh viên Phạm Xuân Bình Sơn (sinh năm 1999) được tuyển chọn đi du học tại Trường Đại học Webster (Mỹ) 4 năm theo Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài đến năm 2030”...

Số lượng giảng viên, nghệ sĩ, sinh viên nghệ thuật được Nhà nước gửi đi đào tạo cũng như nhận học bổng ở nước ngoài khá lớn, nhiều người đã giành được những giải thưởng cao. Họ đã truyền cảm hứng cho những người trẻ muốn đi đến thành công bằng sức lao động sáng tạo, mà sâu xa hơn, bản thân sự thành danh của họ cũng có ý nghĩa như là một “sứ giả văn hóa”, mang hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, và cũng minh chứng cho việc ươm trồng khu vườn nghệ thuật đa sắc, phong phú của những nhà hoạch định chiến lược phát triển nghệ thuật của Việt Nam là hoàn toàn đúng hướng, nâng tầm nghệ thuật nước nhà ngày một vươn xa.

PV: Theo ông, còn điều gì cần tiếp tục gỡ khó?

TS, NSND Đỗ Quốc Hưng: Chúng ta có nguồn tài năng, nhân lực rất tốt, cùng với đó là những chính sách quan tâm hỗ trợ tài năng... Nhưng để hoàn chỉnh hơn nữa trong khâu đào tạo thì vấn đề cơ sở vật chất, định hướng nghề nghiệp, đầu ra... cho sinh viên nghệ thuật, trong đó có thanh nhạc cũng rất cần được lưu tâm. Chẳng hạn, tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam hiện nay, cơ sở vật chất hầu hết đã rất cũ, lạc hậu; các phòng tập đàn không còn sử dụng được, khiến các em khó có thể ghi âm chuẩn nốt nhạc; không có thiết bị nghe nhìn, thư viện trường cũng rời rạc, thiếu tài liệu để các em tham khảo...

Theo chính sách của đề án, học sinh, sinh viên được học với các thầy cô giáo giỏi, tiết học và chính sách kinh phí hỗ trợ tăng... nhưng do điều kiện cơ sở vật chất và chế độ ưu đãi còn thấp nên như trường chúng tôi là cái nôi đào tạo thanh nhạc hàng đầu của Việt Nam hiện nay cũng khó mời gọi được các tên tuổi nổi tiếng, trình độ cao trong nước và quốc tế tới thỉnh giảng. Nhiều tài năng ra nước ngoài học tập nâng cao, khi trở về cũng rất tâm huyết cộng tác giảng dạy, nhưng khi làm việc trong điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, phòng tập, nhạc cụ cũ kỹ, xuống cấp... khiến họ cũng có lúc chán nản. Chúng tôi hy vọng thời gian tới sẽ khắc phục được những tồn tại trên và được các cơ quan chức năng lưu tâm gỡ khó.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

VƯƠNG HÀ (thực hiện)

Bài viết liên quan