Trong thượng tuần tháng 6/2023, CTCP Nông nghiệp BaF Việt Nam (BAF) đã khánh thành cùng lúc 2 trang trại xanh hiện đại áp dụng công nghệ châu Âu tại Tây Ninh, qua đó đã nâng số lượng trang trại hiện đang hoạt động lên 19 trại, tổng đàn lên trên 230.000 con, cung ứng trên 550.000 heo thương phẩm mỗi năm.
Bức tranh tương phản
Không những vậy, giữa bối cảnh kinh tế khó khăn nhưng lợi nhuận của doanh nghiệp (DN) này được dự báo vẫn rất khả quan, có tiềm năng tăng trưởng dài hạn nhờ kế hoạch mở rộng công suất đàn với các trang trại mới và hệ thống phân phối qua các siêu thị và chuỗi cửa hàng bán lẻ hiện đại. Theo dự phóng mới đây của Bộ phận phân tích của Công ty chứng khoán VnDirect, lợi nhuận ròng của BAF năm 2023 sẽ tăng 6% so với năm 2022.
Tương phản với lợi nhuận của các DN lớn trong mảng sản xuất thịt là tình cảnh chết dần, chết mòn của các nông hộ chăn nuôi heo nhỏ lẻ. |
Cần nhắc thêm, riêng ở Tây Ninh, ngoài việc đưa vào hoạt động các trang trại mới của BAF thì thời gian qua đã thu hút nhiều dự án chăn nuôi lớn. Tính từ năm 2016 đến nay đã có 162 dự án xin chủ trương đầu tư, trong đó 113 dự án chăn nuôi quy mô lớn đã được chấp thuận chủ trương. Điều này cũng nằm trong kế hoạch tiếp tục chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi quy mô trang trại tập trung, đảm bảo an toàn sinh học theo phương thức bán công nghiệp và công nghiệp.
Tuy nhiên, đi ngược với việc mở rộng những dự án chăn nuôi lớn là tình trạng các nông hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ở Tây Ninh đang “chết dần” khi liên tục thua lỗ, đầu ra không ổn định, giá thức ăn tăng cao. Đó là lý do mà nhiều hộ chăn heo ở đây không thể cầm cự nổi nên không tái đàn.
Tương tự như vậy, ở “thủ phủ chăn nuôi” Đồng Nai cũng là nơi tập trung nhiều số lượng DN chăn nuôi lớn và có tổng đàn heo lớn nhất cả nước với hơn 2,6 triệu con.
Thế nhưng, trước xu hướng chuyển đổi từ giảm chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ sang phát triển mạnh chăn nuôi công nghiệp, tính đến tháng 5/2023 chăn nuôi nông hộ ở Đồng Nai chỉ còn chiếm khoảng 10% tổng đàn, với gần 6,3 ngàn hộ chăn nuôi, trong khi những năm trước, chăn nuôi nông hộ chiếm tỷ lệ cao trong tổng đàn chăn nuôi.
Không chỉ với hai địa phương nêu trên, theo số liệu của Bộ NN&PTNT, trong 5 năm trở lại, tỷ lệ chăn nuôi nông hộ trên cả nước đã giảm từ 5-7%/năm, riêng giai đoạn 2019-2021, cơ sở chăn nuôi quy mô nông hộ giảm 15-20%. Sản lượng heo sản xuất trong nông hộ nhỏ lẻ giảm còn 35-40%, sản lượng heo sản xuất trong hộ chuyên nghiệp và trang trại chiếm 50-60%.
Một số dữ liệu còn cho thấy, nếu như cách đây 10 năm ở trong nước có 10 triệu hộ chăn nuôi heo thì đến nay chỉ còn không tới 2 triệu hộ. Nhắc đến sự sụt giảm của chăn nuôi heo nông hộ nhỏ lẻ cũng nhằm nhắc đến giá lợn hơi đang có xu hướng tăng trong một tháng trở lại đây, nhưng nhiều nông hộ không được hưởng lợi vì họ đã không còn tái đàn. Đây chính là thiệt thòi với họ sau giai đoạn gánh lỗ trước đó vì giá heo hơi đi xuống.
Như ghi nhận vào ngày 8/6 cho thấy, giá heo hơi được thu mua ở phía Nam vào khoảng 57.000 - 60.000 đồng/kg. Đây là mức giá có tính phục hồi mạnh, tăng đến 20% so với mức giá trung bình các tháng trong quý 1/2023 và là mức tăng cao nhất từ đầu năm đến nay.
Chuyên gia phân tích của VnDirect còn dự báo, giá heo hơi sẽ còn cải thiện rõ rệt hơn trong quý 3 và quý 4/2023 lên mức 62.000-65.000 đồng/kg nhờ nhu cầu tiêu thụ phục hồi và nguồn cung từ các hộ nông dân nhỏ lẻ còn hạn chế tới quý 3/2023.
Cần công bằng với nông hộ
Đứng ở góc độ của một nông hộ chăn nuôi nhỏ, anh Đào Văn Bình (huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh) cho rằng, việc chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi quy mô trang trại tập trung là lẽ đương nhiên. Tuy nhiên, Nhà nước cũng cần tạo chỗ đứng cho nông hộ vì đó không chỉ là ngành kinh tế mà còn liên quan đến chính sách an sinh xã hội.
Theo anh Bình, bao nhiêu ưu đãi gần như các nông hộ chăn nuôi không được hưởng lợi gì mà chủ yếu dành cho các DN chăn nuôi lớn. Để rồi khi giá heo hơi có phục hồi mạnh trở lại, lợi nhuận lại vào tay DN, còn nông hộ phải gánh chịu thiệt đơn, thiệt kép từ việc DN đẩy giá thức ăn chăn nuôi khiến cho nông hộ kiệt quệ.
“Các nông hộ chăn nuôi đang cảm thấy mất công bằng, đang chết mòn từng ngày vì chi phí sản xuất quá cao. Cơ quan quản lý Nhà nước cần kiểm soát tính minh bạch, thao túng giá ở những DN vừa sản xuất thức ăn chăn nuôi vừa tham gia mảng chăn nuôi”, anh Bình bày tỏ.
Cũng cần lưu ý đến những DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi. Như phản ánh của nhiều nông hộ, có hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh khi họ sử dụng hệ thống phân phối đại lý độc quyền và chiết khấu lớn, định giá bán thức ăn chăn nuôi heo cao hơn mức giá cạnh tranh, gây thiệt hại cho các hộ chăn nuôi phải 'chết dần, chết mòn'.
Nói tóm lại, để các nông hộ chăn nuôi heo không phải tiếp tục gánh chịu những thiệt thòi, để đảm bảo các chính sách về an sinh xã hội ở vùng nông thôn đang đòi hỏi sự tiếp sức lớn từ nhiều phía.
Ở đó, các hộ chăn nuôi heo nhỏ lẻ không thể ra rìa mà họ phải là chủ thể tham gia vào liên kết chuỗi chăn nuôi an toàn. Các nông hộ cần xác định thà nuôi ít mà chắc rồi từng bước mở rộng trở lại sau khi đã tích lũy. Còn các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi cần loại bỏ nạn thao túng giá, cung ứng cho nông hộ với giá cả hợp lý nhất.
Bên cạnh đó là sự hỗ trợ từ phía Nhà nước trong việc kiểm soát giá cả đầu vào, nhất là giá thức ăn, thuốc thú ý. Đồng thời tiếp tục khuyến khích nông hộ đi theo mô hình nuôi heo theo hướng trang trại để gia tăng hiệu quả kinh tế và tăng sức cạnh tranh.
Thế Vinh