Tiêu điểm

HTX trên hành trình tạo lập làng nghề xanh


Để các làng nghề truyền thống, làng nghề tiểu thủ công nghiệp ở Thành phố Hà Nội phát triển bền vững, hạn chế ô nhiễm môi trường, bên cạnh sự quan tâm của chính quyền địa phương thì các HTX làng nghề có vai trò quan trọng.

Trong nền kinh tế thị trường, HTX và làng nghề có mối quan hệ mật thiết. Trong đó, HTX vừa là đầu mối tạo việc làm, thu nhập cho lao động trong làng nghề, vừa là nhân tố quan trọng hình thành thương hiệu làng nghề, phát triển các sản phẩm chủ lực mang yếu tố đặc trưng riêng của mỗi làng nghề.

Thúc đẩy sản xuất sạch

Với vai trò hỗ trợ và liên kết của mình, các HTX sẽ hướng dẫn và đưa vấn đề sản xuất của làng nghề vào quy trình. Ngược lại, các làng nghề với những giá trị văn hóa lâu đời, với những người lao động lành nghề sẽ là bệ đỡ cho HTX phát triển, sáng tạo.

Theo thống kê của Thành phố, Hà Nội hiện có 806 làng nghề và đang tạo việc làm cho hàng triệu lao động với thu nhập ổn định. Tổng doanh thu của các làng nghề khoảng 22-25 nghìn tỷ đồng/năm.

Với những giá trị không nhỏ về kinh tế xã hội, thời gian qua, nhiều làng nghề đã có những khởi sắc nhất định trong sản xuất và môi trường nhờ có sự tham gia của những HTX kiểu mới.

Làng nghề hương đen Xà Cầu (huyện Ứng Hòa) từng một thời mai một và rơi vào cảnh ô nhiễm. Với mong muốn giữ nghề và cải thiện môi trường làng nghề, anh Nguyễn Tiến Thi, ở thôn Xà Cầu đã thành lập HTX Sản xuất hương làng nghề Xà Cầu và đầu tư công nghệ, máy móc nhằm thay thế quy trình làm hương thủ công. Đặc biệt, thay vì sử dụng hóa chất để làm hương, HTX chú trọng nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, lưu giữ mùi hương đặc trưng từ thiên nhiên nhằm bảo đảm an toàn cho người sử dụng và hạn chế ô nhiễm môi trường.

“Hương của HTX không sử dụng hóa chất, chỉ dùng các loại hương liệu, nguyên liệu tự nhiên thân thiện với môi trường, sức khỏe nên có màu sắc đặc trưng so với các loại hương những nơi khác”, Giám đốc HTX Xà Cầu chia sẻ.

Đặc biệt, những tấn mùn vầu, nứa thay vì đổ trực tiếp xuống ao hồ, hay đốt ở các cánh đồng gây ô nhiễm môi trường, làm tắc nghẽn dòng chảy thì nay đã được thu gom bán lại cho các xưởng làm giấy.

Nhờ có sự liên kết và sản xuất theo quy trình nên máy móc cũng được các thành viên đầu tư đồng bộ, bảo đảm chất lượng. Ngay các lò sấy cũng đảm bảo yếu tố môi trường, hạn chế xả khí thải độc hại ra khu dân cư.

Có thể thấy, sự đầu tư của HTX đã giúp làng nghề Xà Cầu phát triển theo hướng bền vững. Sự đổi mới của HTX cũng là động lực giúp người dân nơi đây gắn bó với nghề truyền thống.

Còn tại HTX Sản xuất Kinh doanh Gốm sứ Tân Thịnh (Gia Lâm), nhờ đầu tư máy móc hiện đại cùng với những tiến bộ của thành viên, người lao động mà đến nay môi trường sản xuất được cải thiện, đời sống người dân trong làng nghề được nâng lên.

Nếu như xưa, người làm gốm gắn bó với các lò nung đốt than cháy đêm ngày, thì nay đã được thay thế bằng các lò gas. Ông Trần Đức Tân, Giám đốc HTX Tân Thịnh cho biết ưu điểm của lò nung khí gas kiểu mới ít gây ô nhiễm, không tạo ra tro và khói, gây ra ít bụi và chất thải. Lò mới cũng giúp giảm đáng kể lượng sản phẩm bị hỏng trong quá trình nung.

Đặc biệt nhờ sự khuyến khích của Thành phố Hà Nội cùng với sự chung tay của một số dự án, đến nay làng nghề gốm đã có cơ hội chuyển đổi toàn bộ sang dùng lò nung bằng gas, đảm bảo một môi trường trong sạch, lành mạnh hơn. Đây cũng là nền tảng tạo sức hút đối và ấn tượng đẹp với khách du lịch mỗi khi đến Bát Tràng.

Có thể thấy, ngoài mô hình doanh nghiệp thì một số làng nghề ở Hà Nội đã hình thành, phát triển được đội ngũ các HTX. Các HTX hoạt động hiệu quả, đổi mới tư duy sản xuất đã góp phần quan trọng nâng tổng doanh thu của các làng nghề và cải thiện môi trường thành phố. Ngay như việc HTX Tân Thịnh chuyển đổi công nghệ lò nung than sang sử dụng gas còn góp phần tích cực cùng địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Nâng ý thức bảo vệ môi trường

Với những gì mô hình HTX mang lại, Thành phố Hà Nội trong thời gian qua đã chú trọng ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ thúc đẩy thành lập HTX ở làng nghề.

Đặc biệt, thông qua việc triển khai các chương trình, đề án khuyến công, xúc tiến thương mại, đào tạo nghề, đào tạo quản lý HTX, đào tạo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, Thành phố đã dành sự quan tâm nhất định đối với các HTX trong các làng nghề.

Bởi từ thực tiễn hoạt động sản xuất, kinh doanh của các làng nghề có thể thấy, các HTX luôn giữ vai trò hạt nhân, vừa hỗ trợ người dân về đầu vào, đầu ra, kỹ năng sản xuất, vừa linh hoạt để thích ứng với những thay đổi của thị trường.

-3116-1686815811.jpg

Gốm Bát Tràng đã được xuất khẩu đi nhiều nước nhờ chú trọng bảo vệ môi trường trong sản xuất để nâng chất lượng.

Ngoài ra, các HTX đều chú trọng mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu nên đã chú trọng đầu tư công nghệ, bảo đảm các tiêu chuẩn bền vững, sản xuất xanh để thuyết phục các thị trường khó tính. Đến nay, nhiều sản phẩm làng nghề gốm sứ Bát Tràng, điêu khắc mỹ nghệ ở Sơn Đồng, dệt kim ở La Phù… đã được các HTX xuất sang châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Theo đánh giá của các ngành chức năng, các làng nghề trên địa bàn Thành phố Hà Nội đã tồn tại hàng trăm năm nhưng nay nhờ có sự tham gia của các HTX, doanh nghiệp mà nhiều làng nghề đã phát triển theo hướng tích cực.

Nhiều HTX không chỉ tập trung vào sản xuất mà con hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến các quy trình sản xuất hiện đại, tiên tiến, giúp người dân, thành viên từng bước thay đổi tư duy, phương thức sản xuất theo xu hướng sản xuất sạch hơn, hạn chế ô nhiễm môi trường vì sự phát triển bền vững.

Từ đó, Thành phố Hà Nội xác định việc phát triển mô hình HTX trong các làng nghề sẽ giúp tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng về ý nghĩa, tầm quan trọng của môi trường sống, trên cơ sở này phát huy được mọi nguồn lực từ nguồn lao động địa phương để tham gia bảo vệ môi trường, làm cho mọi người nhận thức được một cách tự giác trong bảo vệ môi trường sống của chính mình.

Khuyến khích chuyển đổi sản xuất

Tuy nhiên, đến nay hình thức sản xuất kinh doanh chính trong các làng nghề vẫn là hộ gia đình là chính (chiếm hơn 80%) và rất ít hộ gia đình phát triển thành các HTX, doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Việc duy trì sản xuất theo quy mô hộ gia đình sẽ hạn chế đến khả năng phát triển sản xuất do quy mô sản xuất nhỏ và không có tư cách pháp nhân nên không đủ sức ký nhận các hợp đồng lớn, không mạnh dạn cải tiến sản phẩm, không đủ điều kiện để cải tiến công nghệ đắt tiền, không đủ tầm vạch ra chiến lược kinh doanh hoặc định hướng phát triển nghề…

Vì vậy, trong bối cảnh hội nhập kinh tế và Nhà nước đang khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân hiện nay, Thành phố Hà Nội cũng đang tiếp tục khuyến khích và có kế hoạch để trong các làng nghề dần xuất hiện xu hướng chuyển đổi các hộ gia đình thành HTX, Liên hiệp HTX để thích ứng thị trường đồng thời giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường.

Để cải thiện môi trường các làng nghề, Hà Nội cũng tập trung tuyên truyền Quy định về bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn Thành phố (ban hành kèm theo Quyết định số 23/2019/QĐ-UBND ngày 24-10-2019 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội); khuyến khích các địa phương xây dựng hương ước, quy ước về bảo vệ môi trường, tiến tới triển khai thành quy định bắt buộc để bảo vệ môi trường các làng nghề.

Mục tiêu đến hết năm 2023, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ hoàn thành việc rà soát, đánh giá, phân loại mức độ ô nhiễm môi trường đối với 100% làng nghề đã được công nhận ở Hà Nội và bảo đảm đưa các tiêu chí về môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường vào quá trình thẩm định và xét công nhận làng nghề, làng nghề truyền thống theo Nghị định 52/2013/NĐ-CP, ngày 12-4-2018, của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn.

Tùng Lâm

Tác giả: Thúc đẩy sản xuất sạch