Những ngày qua nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo đang đối mặt với bài toán thua lỗ - dù đây là mặt hàng đang được hưởng lợi thế về thị trường hơn rất nhiều ngành hàng khác như dệt may hay da giày ở vào thời điểm này.
Nhiều doanh nghiệp gạo đang kinh doanh thua lỗ. Ảnh minh họa |
Cụ thể, theo như công bố từ báo cáo tài chính của những “ông lớn” ngành gạo thì họ đang lỗ. Trong đó phải kể tới “ông lớn” lương thực miền Nam - Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood II) đang lỗ trên 7,1 tỷ đồng trong quý I năm nay hay Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời lỗ trên 81,2 tỷ đồng trong quí I của năm 2023.
Với những doanh nghiệp nhỏ, mức thua lỗ ít hơn nhưng rất nhiều trong số họ từ đầu năm tới nay hầu như không xuất được nhiều bởi nếu xuất thì cứ 1 tấn gạo sẽ lỗ khoảng 50 USD.
Điều nghịch lý là trong khi doanh nghiệp thua lỗ thì giá lúa gạo xuất khẩu lại đang ở mức cao, thậm chí là đang cao kỷ lục nhất trong vòng 10 năm nay. Cụ thể, theo báo cáo vừa được công bố mới đây của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong 5 tháng đầu năm nay xuất khẩu gạo cả nước đã đạt gần 3,9 triệu tấn, tương đương 2,02 tỷ USD, tăng 40,8% về khối lượng và 49% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Thậm chí bước sang tháng 6/2023 giá gạo xuất khẩu vẫn tiếp tục tăng do nhu cầu thế giới cao. Ghi nhận trong ngày 2/6, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đang được chào bán ở mức 498 USD/tấn còn gạo 25% tấm ở mức 483 USD/tấn. Với mức giá này, hiện gạo Việt Nam đnag cao hơn từ 5 – 18 USD/tấn so với gạo cùng loại của Thái Lan.
Vậy vì đâu doanh nghiệp thua lỗ trong khi giá gạo xuất khẩu tăng giá? Trong báo cáo giải trình Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, lãnh đạo của Lộc Trời đã lý giải rằng “doanh nghiệp lỗ do lãi vay ngân hàng tăng"…
Ngoài lý do nói trên, trong lĩnh vực xuất khẩu gạo có một thực tế kéo dài suốt nhiều năm nay đó là doanh nghiệp thường ký hợp đồng trước giao hàng sau, trong khi chân hàng của kho dự trữ không có đã tạo ra những rủi ro khá lớn cho doanh nghiệp, nhất là khi giá hàng hoá trong nước liên tục tăng cao.
Ví dụ, doanh nghiệp ký hợp đồng bán cho khách hàng với giá 500 đô la Mỹ/tấn nhưng kho dự trữ chưa có hàng, trong khi đó, đến lúc trả đơn hàng, thì giá nội địa tăng đến mức tương đương 500-510 đô la Mỹ/tấn, khiến doanh nghiệp bị rủi ro thua lỗ.
Riêng đối với những doanh nghiệp có một lượng hàng tồn kho nhất định rồi mới ký hợp đồng xuất khẩu thì sẽ thua lỗ ít hơn. Lý do thua lỗ của những đơn vị này là vẫn phải chịu chi phí lãi vay ngân hàng để duy trì lượng hàng tồn kho đó.
Trong khi đang lỗ nặng các doanh nghiệp xuất khẩu gạo lại đau đầu bởi vụ lúa Hè Thu chuẩn bị bước vào thu hoạch rộ và doanh nghiệp hầu hết đã ký hợp đồng bao tiêu lúa cho bà con. Như vậy theo cam kết, doanh nghiệp sẽ tiếp tục phải thu mua lúa gạo với giá thị trường và tiếp tục chịu lỗ nếu phải thu mua bằng vốn vay với lãi cao. “Chúng tôi đã ký hợp đồng bao tiêu với bà con, nếu không mua mình sẽ mất chữ tín và vụ sau chẳng còn ai bán cho mình. Còn nếu tiếp tục thu mua với giá cao như hiện nay, doanh nghiệp sẽ lại thua lỗ tiếp”- bà Đặng Thị Liên, Giám đốc Công ty Lương thực Thực phẩm Long An chia sẻ.
Theo nhiều báo cáo và dự báo, xuất khẩu gạo của Việt Nam đang có thêm cơ hội khi sản lượng gạo Ấn Độ và Thái Lan bị ảnh hưởng vì El Nino khiến năng suất giảm. Trong khi đó, chiến sự Nga và Ukraine khiến nhu cầu dự trữ lương thực trên toàn cầu tăng. Bên cạnh đó, báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), cho thấy sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2022-2023 dự báo đạt 503 triệu tấn, giảm 2% so với năm trước và mức giảm hàng năm đầu tiên kể từ niên vụ 2015-2016. Và thực tế các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cũng cho biết, họ nhận đơn hàng dồn dập trong nhiều tháng qua nhưng nguồn cung gạo trong nước không đáp ứng đủ.
Do đó, thời điểm này, để cân đối hài hòa lợi ích cho cả doanh nghiệp lẫn người nông dân, Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã kiến nghị rằng phải có chính sách “trợ vốn” cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Việc này vừa giúp doanh nghiệp thu mua hết lúa cho bà con nông dân trong những thời điểm thu hoạch rộ, lại giúp họ tránh được thua lỗ như hiện nay.
Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu gạo được coi là điểm sáng của bức tranh xuất khẩu trong khi nhiều ngành khác lao đao. Nhưng hiện tượng đã nêu ở trên, nếu hoàn toàn đúng như phản ánh của doanh nghiệp - là một nghịch lý không vui. Và, rất cần được các cơ quan chức năng nhanh chóng xem xét để giải quyết - trên cơ sở hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro.