Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, năm 2023, xuất khẩu mây tre đan, cói của Việt Nam đạt hơn 733,2 triệu USD, giảm 10,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Khó tìm kiếm khách hàng mới
Việc xuất khẩu mặt hàng này giảm là do khó khăn chung của nền kinh tế thế giới khiến các thị trường tiềm năng giảm nhập khẩu. Điều đó không chỉ khiến các doanh nghiệp mà cả các HTX trong ngành hàng mây tre đan gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm đơn hàng. Nhiều HTX trước đây có thời gian làm việc gần như kín năm nhưng năm 2023 đã phải giảm bớt lao động, đẩy mạnh tìm kiếm khách hàng ở trong nước cũng như ở những thị trường mới.
Ông Lê Viết Sơn, Giám đốc HTX Mây tre đan Vân Sơn (Quảng Bình) cho biết trước đây các HTX, doanh nghiệp nhỏ thường tập trung vào sản xuất, việc tiếp cận với khách hàng nước ngoài thường không diễn ra theo hình thức trực tiếp mà thông qua trung gian. Chính vì thế mà khi thị trường thế giới gặp khó khăn, các HTX thiếu kỹ năng tìm kiếm khách hàng mới.
Sản phẩm mây tre đan phải có "hồn cốt" mới cạnh tranh được trên thị trường quốc tế. |
Việc muốn bán hàng thủ công mỹ nghệ trực tiếp cho khách hàng sử dụng sản phẩm là rất khó với các HTX. Bởi thực tế, HTX mới đi các hội chợ, festival ở một số địa điểm trong nước, còn các hội chợ quốc tế thì chưa có điều kiện tham gia vì chi phí mở gian hàng rất tốn kém.
“Vì vậy, chúng tôi rất mong được hỗ trợ để sản phẩm tiếp cận được với các khách hàng nước ngoài và xuất khẩu trực tiếp mà không phải qua các khâu trung gian. Bởi thực chất, xuất khẩu qua trung gian cũng khiến lợi nhuận của HTX chưa thực sự lớn, thậm chí không đủ để HTX tái đầu tư”, ông Sơn nói.
Bên cạnh đó, nhiều HTX thủ công mỹ nghệ tuy có quy mô lớn với hàng chục, thậm chí hàng trăm lao động nhưng khi khách hàng, doanh nghiệp nước ngoài có nhu cầu đến tận nơi tìm hiểu sản phẩm, quy trình sản xuất thì số lượng cũng như chủng loại hàng hóa trưng bày của các HTX rất hạn chế, đơn điệu nên khó ký kết hợp đồng.
Ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch HĐQT HTX mây tre đan An Khê (Đà Nẵng), cho biết mỗi năm sản phẩm của HTX vẫn xuất khẩu với số lượng khác nhau nhưng chủ yếu là khách hàng đã quen biết và giao dịch định kỳ.
Nhìn về tương lai
Dù xuất khẩu mặt hàng mây tre đan, thảm năm 2023 giảm 10,4% so với cùng kỳ năm 2022 nhưng nhìn nhận chung đây vẫn là một trong những mặt hàng tiềm năng và chủ lực trong xuất khẩu của Việt Nam. Hiện, Việt Nam đang là một trong ba quốc gia xuất khẩu mây tre đan lớn nhất thế giới cùng với Trung Quốc và Philippines.
Theo các chuyên gia, việc ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) như: CPTPP, RCEP, EVFTA… đã giúp cánh cửa xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam rộng mở, nhất là những thị trường có nhu cầu lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… vì người dân ở các nước này ưa dùng các vật liệu thân thiện môi trường, dễ phân hủy.
Trong khi đó, Việt Nam đang có diện tích tre lên đến 1,5 triệu ha với nhiều chủng loài. Đây là cơ hội lớn cho các HTX, làng nghề mây tre đan.
Vậy nhưng để tăng khả năng xuất khẩu và khai thác được những thế mạnh này, các chuyên gia cho rằng hàng mây tre đan của Việt Nam phải tìm được dấu ấn riêng để cạnh tranh với những sản phẩm cùng loại của các nước khác.
Ông Nguyễn Văn Tĩnh, Giám đốc công ty mây tre đan Việt Quang (Hà Nội) chia sẻ nếu như Trung Quốc đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng gia dụng từ tre thì Indonesia đẩy mạnh sản xuất nội thất từ mây tre đan. Philippines thì rất chú trọng đến thiết kế, đổi mới mẫu mã và đầu tư mạnh vào các mặt hàng cao cấp. Còn sản phẩm mây tre đan của Việt Nam vẫn chưa có được nét riêng tạo dấu ấn trên thị trường. Phần thiết kế sản phẩm cũng chưa sáng tạo, chủ yếu dựa trên yêu cầu của khách hàng ở các nước.
Rõ ràng yếu tố thiết kế, đầu tư cho mẫu mã đang là một trong những khó khăn khiến không ít HTX khó mở rộng khách hàng mới. Việc sản xuất đại trà, làm theo ý của khách hàng đã khiến mặt hàng mây tre đan khó cạnh tranh trên thị trường và chưa mang lại giá trị gia tăng cho chính các HTX.
Song song với đó, xúc tiến thương mại vẫn chưa được quan tâm nên cũng chưa giúp HTX mở rộng được khách hàng. Ông Lê Bá Ngọc, Tổng Thư ký Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam, cho biết đã có những doanh nghiệp nhỏ, HTX sau khi được hỗ trợ mở khu vực trưng bày sản phẩm, tham gia các hội chợ trực tiếp và trực tuyến thì họ đã nhận ra rằng, xúc tiến thương mại có vai trò vô cùng quan trọng, là giải pháp cấp bách để mở rộng đầu ra, giúp các đơn vị sản xuất tìm kiếm, kết nối được những khách hàng mới, tiềm năng.
Nhưng để làm được điều này, trong khâu xúc tiến thương mại, các HTX, làng nghề cần lưu ý doanh nghiệp nước ngoài luôn muốn biết sản phẩm của HTX làm bằng vật liệu gì, cách thức để tạo ra sản phẩm và yếu tố văn hóa, truyền thống được thể hiện trong sản phẩm đó như thế nào? Khi trả lời được những câu hỏi đó, đồng nghĩa với việc giá cả không phải là yếu tố hàng đầu mà sâu xa hơn là "hồn cốt" của sản phẩm mới quyết định sự thành công của đơn hàng. Muốn sản phẩm có "hồn cốt" thì cần phải đầu tư theo chiều sâu, không nên tập trung vào sản xuất đại trà. Vì nếu sản xuất đại trà, hàng mây tre đan của Việt Nam cũng khó cạnh tranh được với sản phẩm cùng loại của Trung Quốc.
Ngoài ra, một trong những giải pháp, hướng mới để các HTX tìm kiếm được khách hàng, mở rộng đầu ra cho sản phẩm mây tre đan đó chính là là ứng dụng thương mại điện tử, tham gia các sàn thương mại điện tử xuyên quốc gia. Đây được coi là một hướng đi quan trong trong thời đại 4.0 để giúp các HTX thiết lập hệ thống phân phối và tiếp cận thị trường trong và ngoài nước cho các sản phẩm mây tre đan nói riêng và sản phẩm thủ công mỹ nghệ nói chung.
Tuy nhiên, dù muốn xúc tiến thương mại hay thực hiện liên kết với các sàn thương mại xuyên biên giới hiệu quả, thì các ngành chức năng từ trung ương đến địa phương cần nâng cao vai trò cầu nối thiết lập và củng cố mối liên kết giữa các HTX và các đơn vị liên quan như các sàn thương mại, các ngành chức năng ở các nước nhằm nâng cao kỹ năng sản xuất và bán hàng cho các HTX.
Huyền Trang