Tiêu điểm

Tuyên Quang: 100% cơ sở thụ hưởng chính sách khuyến công thuộc địa bàn khó khăn


10 năm qua, khuyến công Tuyên Quang đã hỗ trợ 238 cơ sở công nghiệp nông thôn thụ hưởng chính sách khuyến công, 100% số đó thuộc địa bàn khó khăn.

Theo thống kê từ Sở Công Thương Tuyên Quang, từ năm 2012- 2022 địa phương đã triển khai 187 đề án khuyến công, hỗ trợ 238 cơ sở công nghiệp nông thôn. Trong đó có 172 doanh nghiệp nhỏ và vừa, 64 hợp tác xã và tổ hợp tác, 102 hộ kinh doanh. Đáng nói, 100% cơ sở thụ hưởng chính sách khuyến công thuộc địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn.

Các chương trình, đề án hỗ trợ cơ sở thụ hưởng được khuyến công Tuyên Quang thực hiện thời gian qua khá đa dạng. Từ đào tạo nghề, nâng cao năng lực quản lý, phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, thông tin về chính sách khuyến công.

Đặc biệt, hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật và ứng dụng công nghệ thiết bị tiên tiến vào sản xuất là nội dung được Tuyên Quang dành nhiều nguồn lực thực hiện, cũng ghi nhận đạt hiệu quả cao.

Tỉnh Tuyên Quang: 100% cơ sở thụ hưởng chính sách khuyến công thuộc địa bàn khó khăn

Tỉnh Tuyên Quang: 100% cơ sở thụ hưởng chính sách khuyến công thuộc địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn

10 năm qua, từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và địa phương, Tuyên Quang đã triển khai 18 đề án xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật mới trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, như cơ khí, sản xuất hàng tiêu dùng, chế biến nông lâm sản; 77 đề án ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất.

Theo đánh giá từ Sở Công Thương tỉnh, các đề án được triển khai đã giúp các đối tượng thụ hưởng cải thiện năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm. Nhất là trong giai đoạn từ năm 2020-2022 công tác khuyến công đã đồng hành và tiếp sức cho cơ sở vượt qua khó khăn do đại dịch, thích nghi với bối cảnh mới để ổn định sản xuất.

Điển hình như Hợp tác xã Dịch vụ Sản xuất nông nghiệp Sử Anh, năm 2021 được hỗ trợ 200 triệu đồng từ nguồn kinh phí khuyến công để đầu tư máy sao chè bằng gas và máy hút chân không. Nhờ đó chất lượng sản phẩm chè của hợp tác xã được nâng cao. Cuối năm 2021, sản phẩm chè xanh Ngọc Thúy được xếp hạng OCOP 4 sao; sản phẩm chè xanh Phú Lâm được xếp hạng OCOP 3 sao. Doanh thu hằng năm từ sản xuất chè búp tươi, chế biến chè của hợp tác xã đạt trên 5 tỷ đồng, bên cạnh đó tạo việc làm cho 50 lao động địa phương.

Năm 2022, nhờ một phần hỗ trợ từ kinh phí khuyến công quốc gia, Công ty Cổ phần Cơ khí Tuyên Quang đã đầu tư dây chuyền sản xuất ván sàn công nghiệp xuất khẩu trị giá trên 15 tỷ đồng. Do có máy móc, thiết bị hiện đại mà sản phẩm ván sàn công nghiệp của đơn vị xuất khẩu sang Trung Quốc, Đài Loan, Malaisia… doanh thu đạt trên 98 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 100 lao động địa phương. Theo đại diện đơn vị thụ hưởng, nguồn kinh phí khuyến công hỗ trợ thực sự rất cần thiết, không chỉ giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực đầu tư mà còn là sự quan tâm của các ngành đối với các cơ sở sản xuất.

Dù đã chứng minh được tác động tích cực tới sản xuất công nghiệp nông thôn, đặc biệt sản xuất công nghiệp ở vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn tuy nhiên khuyến công Tuyên Quang vẫn được nhận định chưa vượt qua được một số thách thức, tạo diện mới cho sản xuất.

Đầu tiên, do các cơ sở công nghiệp nông thôn còn hạn chế về quy mô, năng lực tài chính, nhân lực có hạn. Trên địa bàn tỉnh có 8 làng nghề chè được công nhận nhưng chưa mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, do vậy chưa đáp ứng đủ điều kiện thụ hưởng chính sách khuyến công.

Cùng đó, nguồn kinh phí triển khai công tác khuyến công vẫn chủ yếu trông chờ vào ngân sách do đó chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của các cơ sở công nghiệp nông thôn.

Trên địa bàn tỉnh còn thiếu đội ngũ cộng tác viên khuyến công nên chưa nắm bắt kịp thời hiện trạng sản xuất kinh doanh, nhu cầu nên chưa hỗ trợ tháo gỡ khó khăn phát sinh cũng như tư vấn cho các cơ sở thụ hưởng chính sách khuyến công.

Trên cơ sở những khó khăn đã được nhận diện, Sở Công Thương Tuyên Quang cũng xây dựng những giải pháp tháo gỡ đúng trọng tâm. Trong đó, địa phương từng bước nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến công; hình thành đội ngũ cộng tác viên khuyến công nhằm đi sâu đi sát tới từng cơ sở công nghiệp nông thôn để tư vấn và hỗ trợ kịp thời.

Tranh thủ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia hàng năm; huy động kinh phí từ các chương trình mục tiêu quốc gia khác cho triển khai công tác khuyến công; bố trí kinh phí khuyến công địa phương đáp ứng đúng và đủ nhu cầu.

Để đảm bảo tính hiệu quả của các giải pháp cũng như hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa cho địa phương cải thiện chất lượng công tác khuyến công, từ đó góp sức thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp ở địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn, Sở Công Thương Tuyên Quang cũng đề nghị: Bộ Công Thương tăng mức hỗ trợ kinh phí khuyến công quốc gia hàng năm cho các địa phương đặc biệt là các tỉnh miền núi, công nghiệp chưa phát triển trong đó có tỉnh Tuyên Quang.

Bài viết liên quan