Tiêu điểm

Châu Âu tăng tốc ứng phó với biến đổi khí hậu


Theo Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA), các chính sách và hành động thích ứng của châu Âu chưa theo kịp tốc độ rủi ro đang gia tăng nhanh chóng.

Cụ thể, EEA vừa công bố báo cáo đầu tiên mang tên “Đánh giá rủi ro khí hậu châu Âu (EUCRA)” để giúp xác định các ưu tiên chính sách nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt với những lĩnh vực nhạy cảm với khí hậu. Báo cáo cho thấy, nhiều rủi ro đã ở mức nghiêm trọng và có thể trở thành thảm họa nếu không hành động khẩn cấp và quyết đoán.

Bien doi khi hau

Nắng nóng cực độ, hạn hán, cháy rừng và lũ lụt như những năm gần đây sẽ còn trở nên tồi tệ hơn ở châu Âu

Châu Âu là lục địa nóng lên nhanh nhất trên thế giới và các rủi ro về khí hậu đang đe dọa an ninh năng lượng, lương thực, hệ sinh thái, sức khỏe người dân...”, EEA cho biết.

Theo EEA, trong nhiều trường hợp, việc thích ứng dần dần sẽ không đủ và nhiều biện pháp nhằm cải thiện khả năng phục hồi khí hậu đòi hỏi thời gian dài nên phải có hành động khẩn cấp. Một số khu vực ở châu Âu đã trở thành điểm nóng về rủi ro khí hậu. Trong đó, Nam Âu có nguy cơ cháy rừng cao, đang đối mặt với tác động của tình trạng khan hiếm nhiệt và nước đối với sản xuất nông nghiệp, sức khỏe con người...

Giám đốc điều hành EEA Leena Yla-Mononen cho biết, năm 2023 là “năm ấm nhất” trong suốt 100.000 năm qua. Nhiệt độ toàn cầu phá kỷ lục đã được ghi nhận kể từ tháng 6/2023 và “đây là điều bình thường mới”.

Năm ngoái Lục địa già đã trải qua một mùa hè khắc nghiệt. Các quốc gia châu Âu phải vật lộn để đối phó với hậu quả của nhiệt độ thiêu đốt, cháy rừng dữ dội và lũ lụt tàn khốc”, EEA chỉ ra.

EEA cũng nhấn mạnh, ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu phải là “một trong những ưu tiên hàng đầu” đối với nhiệm kỳ tiếp theo của các nhà hoạch định chính sách Liên minh châu Âu (EU). Để giảm thiểu rủi ro khí hậu ở châu Âu, EEA cho rằng, các quốc gia thành viên EU cần hợp tác với sự tham gia của cấp khu vực và địa phương khi có hành động khẩn cấp.

Các vấn đề liên quan đến khí hậu đã gây ra 85.000 đến 145.000 ca tử vong trên khắp châu Âu trong 40 năm qua. Chỉ riêng năm 2022, các đợt nắng nóng cực độ khiến hơn 60.000 người thiệt mạng trên lục địa này. Năm 2021, lũ lụt chưa từng có quét qua Bỉ, Đức và Hà Lan, gây thiệt hại 44 tỷ euro (48 tỷ USD). Cùng năm đó, Italia chứng kiến khoảng 60.700ha rừng bị thiêu rụi trong các vụ cháy nghiêm trọng. Tổng thiệt hại kinh tế do các hiện tượng cực đoan liên quan đến thời tiết và khí hậu ở các nước EU đã vượt quá 650 tỷ euro (711 tỷ USD) từ năm 1980 đến năm 2022.
 
Tác giả: Thanh Bình
Bài viết liên quan