Từ ngày 25/8 tới, Nghị định 45/2022 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường chính thức có hiệu lực. Nghị định này thay thế 2 Nghị định 155/2016 và 55/2021. Theo đó, xử phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng nếu hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt; không sử dụng bao bì chứa chất thải sinh hoạt theo quy định. Người dân phải chia rác theo 3 loại gồm rác tái chế, tái sử dụng; rác thực phẩm; các loại chất thải rắn khác.
Cần giải nhiều bài toán
Nói về quy định trên, ông Phạm Bảo Toàn, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) quận Phú Nhuận, cho biết việc phân loại rác tại nguồn (PLRTN) trước đây đã được địa phương tuyên truyền rộng. Người dân chỉ cần phân 2 loại gồm rác tái chế và rác còn lại theo yêu cầu của UBND thành phố cũng như theo xu hướng xử lý rác bằng công nghệ đốt phát điện. Điều này về cơ bản bảo đảm lực lượng thu gom dân lập phân loại rác tái chế để bán ve chai và rác còn lại cho vào bãi chôn lấp.
"Với quy định của Nghị định 45/2022 yêu cầu phân thành 3 loại thì khác với quy định của TP.HCM nên địa phương phải chờ hướng dẫn của Sở TN-MT" - ông Toàn cho biết.
Nhận xét rằng việc phạt không mới, một cán bộ huyện Bình Chánh cho hay tại khoản 4, điều 20, Nghị định 155/2020 đã đưa mức phạt từ 15 đến 20 triệu đồng. Nghị định 45/2022 hạ mức phạt thì địa phương có thể dễ xử phạt hơn. Tuy nhiên, trước khi tiến hành xử phạt người dân thì ngành chức năng cần thực hiện tốt việc thu gom, xử lý, tái chế chất thải rắn. Khi thực hiện tốt thì việc xử phạt mới thuyết phục.
Theo cán bộ này, trước hết cần chuyên nghiệp hóa lực lượng thu gom rác dân lập và cần chính sách hỗ trợ của nhà nước để người thu gom chuyển đổi phương tiện, an tâm với nghề. Song song là chuyển đổi công nghệ xử lý rác, thiết lập nhà máy tái chế. "Ngoài ra, địa phương còn chờ hướng dẫn của UBND thành phố về quy định phân loại rác gồm 2 loại theo quyết định của thành phố hay 3 loại theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường" - vị này cho biết.
Một số địa phương khác cũng cho rằng với quy định mới nếu triển khai thì lực lượng xã, phường hoặc quận, huyện sẽ tiến hành kiểm tra, xử phạt (tùy theo mức phạt mà thẩm quyền khác nhau). Tuy nhiên, trước khi làm điều ấy, cần có chiến dịch tuyên truyền đến từng hộ dân, hướng dẫn chi tiết để họ không bỡ ngỡ.
Phương tiện thu gom rác chưa được đầu tư, chuẩn hóa. Ảnh: THU HỒNG.
Những băn khoăn về sinh kế
Nói về việc PLRTN, bà Nguyễn Thị Như Loan (xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn) cho biết từ trước tới nay bà vẫn nhặt những thứ có thể bán ve chai rồi để riêng ra, gom 1-2 tháng bán 1 lần. "Mỗi lần bán cũng không được bao nhiêu lại chật nhà nên 2 năm trước tôi quyết định không nhặt riêng nữa mà để cho người lấy rác dân lập. Để tiện, tất cả các loại rác tôi đều cho vào túi ni-lông để người thu gom tự lọc", bà Loan nói. Theo bà Loan, với quy định mới, những người thu gom rác sẽ mất đi một khoản thu nhập không nhỏ vì họ ít tiếp cận với những thứ có thể bán ve chai.
Ở góc nhìn hiệu quả , bà Lê Ngọc Hương (phường Linh Trung, TP Thủ Đức) cho hay nhiều năm nay, vẫn phân loại giấy, chai, lon bia, nước ngọt... để riêng 1 túi, sau 1-2 tuần mang cho những cụ già đi nhặt ve chai. Sau này, bà phân thành 2 túi rác như hướng dẫn của thành phố và giao hết cho người thu gom rác.
Tuy nhiên, theo bà Hương, người thu gom rác đổ dồn 2 túi rác đã phân loại lên 1 thùng xe thì việc phân loại không còn ý nghĩa và bà thấy thất vọng. "Muốn hiệu quả trong khâu phân loại rác thì phải đồng bộ từ hộ gia đình, người thu gom, vận chuyển cho đến khâu tập kết ở bô rác trước khi chở tới nơi xử lý rác thải. Nếu không đồng bộ khâu phân loại rác mà xử phạt người dân liệu có công bằng và bảo đảm tính thuyết phục?" - bà Hương đặt vấn đề.
Còn ông Phạm Văn Khanh, người thu gom rác dân lập trên địa bàn quận 5, cho rằng đa số người dân chưa PLRTN theo quy định mà để chung vào 1 túi ni-lông, tuy nhiên khi cho túi ni-lông lên xe rác, người thu gom sẽ nhặt sạch những món có thể tái chế để bán ve chai nên cơ bản rác sinh hoạt đến trạm trung chuyển đã được phân loại. Chưa kể, nhờ nhặt ve chai mà đời sống của người thu gom tạm ổn.
Theo ông Khanh, do thu nhập thấp, người thu gom không có khả năng vay mua phương tiện mới theo yêu cầu của thành phố nên khi triển khai PLRTN, phương tiện cũng cần chuyên nghiệp, cần chính sách hỗ trợ của thành phố để người thu gom an tâm gắn bó với nghề.
Đến 2025, rác thải chôn lấp chỉ còn 20% Theo Sở TN-MT TP HCM, từ nhiều năm nay, TP HCM luôn nỗ lực triển khai nhiều chương trình, dự án nhằm thúc đẩy tiêu dùng bền vững, giảm thiểu rác thải, phân loại rác tại nguồn, hỗ trợ tái chế và xử lý rác thải theo hướng bền vững, xây dựng thành phố xanh, thân thiện môi trường. Hiện Sở TN-MT đang nỗ lực hoàn thiện và nâng cao hệ thống thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải, bảo đảm 100% chất thải rắn phát sinh được thu gom và xử lý đúng. Đến năm 2025 đạt 80% rác thải được phân loại tại nguồn, giảm lượng rác thải phải chôn lấp còn khoảng 20%. |
Hạ thấp mức phạt là bước tiến Ông Vũ Chí Kiên, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, cho biết Nghị định 45/2022 sẽ góp phần chuẩn hóa hành vi của người dân trong vấn đề bảo vệ môi trường và cần có giai đoạn chuyển tiếp để đạt kết quả tốt nhất. Vấn đề quan trọng là địa phương cố gắng vận động và hướng dẫn nhằm thực hiện hiệu quả công tác phân loại chất thải. "Quy định xử phạt trước đây quá cao, người dân không thể chịu được. Việc điều chỉnh mức phạt sẽ giúp quá trình triển khai quy định pháp luật trong thực tiễn khả thi hơn, đây cũng là một bước tiến. Còn triển khai được như thế nào thì phải chờ thực tế mới đánh giá được" - ông Kiên nói. Theo Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, để bảo đảm việc PLRTN hiệu quả, thiết thực thì cần đầu tư đồng bộ, chuẩn hóa về phương tiện, cách thức thu gom và thói quen của người dân. |
Theo Luật Bảo vệ môi trường, nếu ai không phân loại, không sử dụng bao bì đúng quy định thì các cơ sở thu gom, vận chuyển có quyền từ chối thu gom. |