Tiêu điểm

Chọn lối đi bền vững để xuất khẩu sầu riêng giữ đà tăng trưởng cao


Bên cạnh khả năng sẽ đạt kim ngạch 2 tỷ USD trong năm nay thì còn rất nhiều việc để làm nhằm giữ đà tăng trưởng cao cho xuất khẩu sầu riêng trong thời gian tới. Điều quan trọng mà ngành hàng cần làm là phải chọn lối đi bền vững nhằm có bước tiến lâu dài, có như vậy sẽ xứng đáng là “con át chủ bài” cho xuất khẩu rau quả.

Tính đến hạ tuần tháng 10/2023, kim ngạch xuất khẩu (XK) sầu riêng vẫn đang duy trì được đà tăng trưởng cao, ước đạt 1,6 - 1,7 tỷ USD, tiếp tục vượt thanh long chiếm vị trí số một về giá trị XK và là “con át chủ bài”, chiếm tỷ lệ rất cao cho tăng trưởng XK rau quả trong gần 10 tháng qua (ước đạt gần 5 tỷ USD, tăng 78,4% so với cùng kỳ năm trước).

Chưa thể so bì với Thái Lan

Với đà tăng trưởng như hiện tại thì khả năng năm nay XK sầu riêng có thể sẽ đạt kim ngạch 2 tỷ USD. Nhất là từ nay đến cuối năm, Việt Nam đang có thế mạnh XK sầu riêng vào Trung Quốc với mùa vụ ở Tây Nguyên nghịch so với nhiều nước cũng đang đẩy mạnh XK vào thị trường này. 

-9415-1698146913.png

Còn rất nhiều việc để làm nhằm giữ đà tăng trưởng cao cho XK sầu riêng trong thời gian tới, điều quan trọng là phải chọn lối đi bền vững nhằm có bước tiến lâu dài.

Như chia sẻ của ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, lợi thế cạnh tranh của sầu riêng Việt Nam là có quanh năm, rải đều theo vĩ độ từ miền Nam ra đến miền Trung, tức là mùa sầu riêng đến trước ở miền Tây Nam Bộ, rồi đến miền Đông, sau đó là miền Trung - Tây Nguyên, hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ từ đầu năm đến cuối năm cho thị trường chính yếu như Trung Quốc.

“Cho nên, hầu như trái sầu riêng Việt cung cấp được quanh năm, chỉ có tháng nhiều, tháng ít. Trong khi đó, với đối thủ cạnh tranh chính ở thị trường Trung Quốc là sầu riêng Thái Lan thì chỉ có thể cung cấp từ tháng 5 đến tháng 9, các tháng còn lại thì họ lại không có. Do đó, đây là lợi thế cho XK sầu riêng của Việt Nam”, ông Nguyên nói.

Tuy nhiên, ông Nguyên cũng lưu ý khi sầu riêng Thái Lan không thể cung cấp quanh năm thì họ đẩy mạnh khâu chế biến từ trái sầu riêng vào mùa thu hoạch rộ nhằm dự trữ và cung ứng ra thị trường trong các tháng trái mùa. Còn Việt Nam lại không mạnh ở khâu chế biến sầu riêng vì lúc nào cũng có hàng tươi.

Theo giới chuyên gia, tuy XK sầu riêng tươi tăng trưởng cao, nhưng để cả chuỗi ngành hàng này phát triển bền vững cần thu hút đầu tư cho chế biến. Nên biết, quy mô của XK sầu riêng trên toàn cầu là rất lớn, trong đó có đóng góp quan trọng của sản phẩm sầu riêng chế biến (như hồi năm 2022 giá trị XK sầu riêng toàn cầu khoảng 22 tỷ USD, riêng Thái Lan đã XK hơn 10 tỷ USD).

Thực ra, ngoài mặt hàng sầu riêng tươi, sầu riêng đông lạnh của Việt Nam còn XK đi rất nhiều nước ở châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc…nhưng vẫn còn rất khiêm tốn. Chính vì, việc đầu tư để làm sầu riêng đông lạnh và đa dạng hóa các sản phẩm chế biến từ sầu riêng là điều mà các DN Việt cần làm.

Ngoài vấn đề hạn chế ở khâu chế biến, nếu so với đối thủ Thái Lan về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói sầu riêng thì Việt Nam chỉ khoảng 300 - 400, trong khi Thái Lan được cho là có đến hàng nghìn.  

Đó là chưa kể việc cấp, quản lý và sử dụng mã vùng trồng sầu riêng ở nhiều địa phương còn gặp khó khăn. Như ở “thủ phủ” sầu riêng tỉnh Đắk Lắk - địa phương trồng sầu riêng nhiều nhất cả nước với diện tích hơn 22.500 ha, dù vụ mùa sầu riêng 2023 đang dần khép lại nhưng tình hình quản lý sử dụng mã vùng trồng sầu riêng tại đây vẫn đang diễn ra tình trạng gian lận, giả mạo, dẫn đến gây ảnh hưởng uy tín và thương hiệu.

Phải xứng đáng là “con át chủ bài”

Ngoài ra, như chia sẻ của bà Nguyễn Thị Thành Thực, ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Đắk Lắk, XK sầu riêng có tăng trưởng tốt hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng của sản phẩm. Cơ hội cho sầu riêng Đắk Lắk vào cuối vụ như hiện nay là thúc đẩy xây dựng thương hiệu sầu riêng Tây Nguyên, nếu như không biết tranh thủ cơ hội để chỉn chu hơn về cách mua bán, đóng gói sản phẩm, đặc biệt là với chất lượng sản phẩm thì đôi khi “lợi bất cập hại”.

Cần lưu ý, có những thời điểm giá thu mua sầu riêng xuống thấp sau thời gian đạt đỉnh, nguyên nhân do giá bán tại Trung Quốc thấp hơn nhiều so với giá thu mua ở Việt Nam. Điều này buộc các doanh nghiệp (DN), thương lái phải hạ giá thu mua để không phải chịu cảnh thua lỗ. Trong khi đó, nhiều nhà vườn trồng sầu riêng vẫn đưa ra giá bán cao khiến cho hoạt động mua bán sầu riêng ở nhiều địa phương gặp trục trặc, gây ảnh hưởng đến XK.

Không chỉ vậy, nhiều DN cho biết khó hoàn thành đơn hàng và bị thua lỗ khi sầu riêng bị “thổi giá”, nhiều nông dân hủy cọc để bán cho cò, lái với giá cao hơn.

Theo bà Thực, tình trạng “bỏ cọc” của nhà vườn trồng sầu riêng sẽ ảnh hưởng đến cả chuỗi ngành hàng. Chẳng hạn như người bán hàng cuối cùng khi đặt cọc đã có kế hoạch bán hàng, kế hoạch tài chính. Đến khi nông dân bỏ cọc sẽ gây hệ lụy là mất niềm tin đối với những người cùng trong chuỗi thu mua. 

“Khi mất niềm tin thì người đi buôn có thể thay đổi ngành hàng, thay đổi sản phẩm rất nhanh. Còn đối với nông dân thì không thể ngày một ngày hai là có thể thay đổi được cây trồng cho mình. Và khi đã mất uy tín như vậy, nhất là thương lái có nhiều đối tượng phức tạp, có nhiều mánh khóe, có thể họ sẽ quay trở lại để ép giá hoặc bằng cách nào đó họ sẽ lấy lại thiệt hại khi mà người nông dân gây ra cho họ”, bà Thực lưu ý.

Bên cạnh đó, lý giải nguyên nhân vì sao sầu riêng của Việt Nam khi xuất sang Trung Quốc lại không được mức giá cao như sầu riêng Thái Lan, ông Võ Tấn Lợi, Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu Phương Ngọc (tỉnh Tiền Giang), nhấn mạnh do vấn đề về chất lượng trái sầu riêng tươi của Việt Nam không đồng đều.

“Mỗi tháng trung bình công ty XK sầu riêng khoảng 10 - 15 container. Mỗi container thành phẩm khoảng 17 tấn thì bắt buộc chúng tôi phải thu mua 22 - 23 tấn, thậm chí 25 tấn sầu riêng để về chọn lọc lại mới ra được số lượng như yêu cầu”, ông Lợi chia sẻ.

Mặt khác, trong đà tăng trưởng cao của XK sầu riêng hiện nay sẽ thấy vẫn phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc (chiếm khoảng 90% sản lượng sầu riêng tươi XK) dù cho sầu riêng Việt Nam đã XK đến 23 thị trường. Nếu sang năm 2024, sầu riêng Việt Nam có thêm nhiều mã số vùng trồng được cơ quan chức năng Trung Quốc cấp, khả năng XK sầu riêng đạt con số 2 - 2,5 tỷ USD. 

Do phụ thuộc vào thị trường này nên giá sầu riêng dao động lên xuống cũng tùy thuộc vào việc tăng giảm XK và nhu cầu tiêu thụ. Điều này dẫn đến những rủi ro nếu muốn giữ đà tăng trưởng XK. Cho nên, việc tìm kiếm, thâm nhập những thị trường mới chủ lực bên cạnh thị trường Trung Quốc cho trái sầu riêng là rất cần thiết trong lúc này. 

Nói chung, còn rất nhiều việc để làm nhằm giữ đà tăng trưởng cao cho XK sầu riêng trong thời gian tới. Điều quan trọng mà ngành hàng này cần làm là phải chọn lối đi bền vững nhằm có bước tiến lâu dài, có như vậy mới xứng đáng là “con át chủ bài” cho XK rau quả.

                                                                                 Thế Vinh

Tác giả: Chưa thể so bì với Thái Lan
Bài viết liên quan