Tiêu điểm

Lạng Sơn: Xây dựng cửa khẩu thông minh, gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu


Tỉnh Lạng Sơn đang nỗ lực xây dựng cửa khẩu thông minh nhằm phát huy vai trò của các cửa khẩu, gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu.

Thế mạnh từ kinh tế cửa khẩu

Nằm sát với Trung Quốc, Lạng Sơn là địa phương có thế mạnh về kinh tế cửa khẩu. Hiện nay, tỉnh Lạng Sơn có 12 cửa khẩu, trong đó có hai cửa khẩu quốc tế, một cửa khẩu song phương Chi Ma và 9 cửa khẩu phụ. Lạng Sơn cũng có hệ thống giao thông quan trọng kết nối trong nước và quốc tế, thuận lợi cho phát triển kinh tế, giao lưu hàng hóa trong và ngoài tỉnh, tạo điều kiện cho phát triển xuất nhập khẩu của cả nước qua địa bàn và đầu cầu quan trọng kết nối khu mậu dịch tự do Trung Quốc - ASEAN và hành lang kinh tế Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Lạng Sơn: Xây dựng cửa khẩu thông minh, gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu
Cửa khẩu Hữu Nghị là nơi xây dựng cửa khẩu thông minh. Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

Là nơi giao thương, xuất khẩu lượng lớn hàng hoá với thị trường Trung Quốc, các cơ quan chức năng của Lạng Sơn luôn chú trọng triển khai nhiều giải pháp để xúc tiến thương mại, tạo điều kiện xuất khẩu qua cửa khẩu. Theo Cục Hải quan cửa khẩu Lạng Sơn, tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn trong tháng 7 năm 2024 của tất cả các loại hình xuất nhập khẩu (kinh doanh, quá cảnh, chuyển cửa khẩu, vận chuyển độc lập) đạt 4.933,6 triệu USD. Mục tiêu tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tất cả các loại hình qua các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn năm 2024 là từ 55 - 60 tỷ USD.

Lũy kế từ ngày đầu năm đến hết tháng 7, tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn của tất cả các loại hình xuất nhập khẩu (kinh doanh, quá cảnh, chuyển cửa khẩu, vận chuyển độc lập) đạt 30.015,3 triệu USD.

Các doanh nghiệp cũng đang dần làm quen với những quy định mới khi thông quan hàng hoá qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh. Theo thông báo của Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn, từ 1/8/2024, phương tiện vận tải hàng hóa thông quan qua các lối thông quan, đường chuyên dụng thuộc cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan sẽ thực hiện theo các điều ước quốc tế, như: Hiệp định vận tải đường bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc; Nghị định thư thực hiện Hiệp định vận tải đường bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc và các thông lệ quốc tế và quy định của nội luật Việt Nam.

Đường chuyên dụng thuộc cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan gồm: đường chuyên dụng vận chuyển hàng hoá khu vực mốc 1119-1120 (Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan), đường chuyên dụng vận chuyển hàng hoá khu vực mốc 1088/2-1089 (Tân Thanh - Pò Chài), lối thông quan khu vực mốc 1104-1105 (Cốc Nam - Lũng Nghịu).

Theo thông báo, các phương tiện vận tải hàng hoá xuất, nhập qua các lối thông quan, đường chuyên dụng thuộc cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan phải có đầy đủ các giấy tờ hợp lệ theo quy định như: Giấy phép vận tải; Giấy chứng nhận đăng ký xe; Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; Biển số xe; Phiếu gửi hàng; Tờ khai hải quan đối với hàng hoá; Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với người thứ ba; các giấy tờ có liên quan tại cửa khẩu áp dụng đối với xe xuất nhập cảnh…

Sau gần 20 ngày chính thức triển khai quy định mới, đại diện Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị (Cục Hải quan Lạng Sơn) cho biết, tới thời điểm hiện tại lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan vẫn diễn ra ổn định, thuận lợi.

Nỗ lực xây dựng cửa khẩu thông minh

Với những lợi thế về kinh tế cửa khẩu, trong những năm qua, tỉnh Lạng Sơn đã phân bổ hàng chục nghìn tỷ đồng để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu. Đặc biệt từ năm 2022, tỉnh Lạng Sơn đã chính thức vận hành nền tảng cửa khẩu số tạo bước đột phá trong hoạt động xuất nhập khẩu qua biên giới.

Đến nay, tỉnh Lạng Sơn đã triển khai đầu tư lắp đặt 11 barie tự động và 11 cân điện tử tại tất cả các Cổng B1, B2, B0 cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị; lắp đặt 16 cân điện tử tại cửa khẩu phụ Tân Thanh, Chi Ma... Theo đó, các doanh nghiệp bắt buộc phải khai báo 100% trên Nền tảng cửa khẩu số khi thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và cửa khẩu phụ Tân Thanh.

Theo Quyết định số 865/QĐ-TTg ngày 17/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ, từ quý III/2024 đến hết quý III/2029, Lạng Sơn sẽ triển khai Đề án thí điểm xây dựng Cửa khẩu thông minh tại đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1119-1120 và đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2-1089 thuộc cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn, Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc).

Thực hiện Quyết định của Thủ tướng, Dự thảo Kế hoạch triển khai thực hiện đề án của Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn (đơn vị được UBND tỉnh Lạng Sơn phân công chủ trì) đã được xây dựng. Dự thảo chỉ rõ, trong giai đoạn I (từ quý III/2024 đến hết quý II/2026) sẽ thực hiện đầu tư xây dựng Dự án mở rộng đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1119-1120 từ 6 làn xe lên 8 làn xe (4 làn xuất và 4 làn nhập, trong đó 1 làn xuất và 1 làn nhập cho phương tiện xe dẫn đường thông minh (IGV)).

Cụ thể, trong giai đoạn I, tỉnh Lạng Sơn sẽ đầu tư xây dựng Dự án mở rộng đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2 - 1089 từ 4 làn xe lên 8 làn xe (4 làn xuất và 4 làn nhập. Trong đó 1 làn xuất và 1 làn nhập cho phương tiện siêu trường, siêu trọng; 1 làn xuất và 1 làn nhập cho phương tiện xe dẫn đường thông minh (IGV)); mở rộng hạ tầng bến bãi phục vụ cửa khẩu thông minh…

Ở giai đoạn II thực hiện đề án (từ quý III/2026 đến hết quý III/2029), tỉnh Lạng Sơn sẽ thực hiện đầu tư xây dựng Dự án mở rộng đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1119-1120 và khu vực mốc 1088/2- 1089 từ 8 làn xe lên 14 làn xe hoặc tại phần mở rộng khu vực cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (hướng về xã Bảo Lâm, huyện Cao Lộc)...

Ngoài ra, dự thảo Kế hoạch nêu rõ về việc xây dựng quy trình vận hành Cửa khẩu thông minh cũng như tiếp tục triển khai phát triển da dạng các loại hình xuất nhập khẩu hàng hóa; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành và các lực lượng liên quan…

Hiện nay, Nền tảng cửa khẩu số của tỉnh đã kết nối với nền tảng cơ sở dữ liệu hải quan của Tổng cục Hải quan và cơ sở dữ liệu đăng kiểm của Bộ Giao thông Vận tải. Theo thống kê, tính đến nay, nền tảng cửa khẩu số của tỉnh Lạng Sơn tiếp tục duy trì hoạt động ổn định, có 2.092 tài khoản đăng ký sử dụng (trước đây chỉ có 1.800 tài khoản sử dụng); 100% các doanh nghiệp khai báo trực tuyến.

Tại cuộc họp triển khai các nhiệm vụ thực hiện Đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh do UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức mới đây, ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn khẳng định, Đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã cụ thể hóa nhận thức chung đã đạt được của lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước được cụ thể rất rõ qua các văn kiện. Cùng với đó, trong quá trình xây dựng Dự thảo đề án, tỉnh Lạng Sơn đã rất nỗ lực, cố gắng trong việc triển khai các nội dung do đây là việc rất mới, chưa có tiền lệ với khối lượng công việc nhiều. Tỉnh cũng sẽ thành lập Ban chỉ đạo để thực hiện Đề án cửa khẩu thông minh, bao gồm Tỉnh ủy, HDND, UBND, các Sở, Ban ngành, địa phương, lực lượng… để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong quá trình thực hiện.