Tiêu điểm

Mối lo nông sản thực phẩm ngoại ‘khoét sâu’ thị trường Việt


Canada, Mỹ và một số quốc gia khác vẫn đang không ngừng có những động thái nhằm thâm nhập sâu, thúc đẩy tăng trưởng nông sản thực phẩm của mình vào Việt Nam. Các số liệu về nhập khẩu đã thể hiện rõ điều đó, càng tăng thêm mối lo về cạnh tranh và đầu ra đối với khối nội trong ngành hàng này khi mà việc liên kết lỏng lẻo vẫn còn là “điểm yếu cốt tử” để cho khối ngoại “khoét sâu” thị trường Việt.

Trong trung tuần tháng 12 này, ông Jeremy Harrison, Bộ trưởng Bộ Thương mại và Phát triển Xuất khẩu, chính quyền tỉnh bang Saskatchewan (Canada) có chuyến công tác dài ngày đến Việt Nam để thảo luận về các cơ hội phát triển thương mại, nhất là tập trung giới thiệu về những sản phẩm nông sản.

Đà tiến của Canada và Mỹ

Đáng chú ý khi Saskatchewan hiện là nhà cung cấp nguồn đậu khô lớn nhất của Việt Nam, chiếm 47% tổng lượng nhập khẩu sản phẩm này của cả nước.

Đó là lý do Saskatchewan đã mở văn phòng thương mại và đầu tư tại Việt Nam vào tháng 2 năm nay nhằm giúp thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu của tỉnh bang.

-2493-1670578208.jpg

Nông sản thực phẩm ngoại không ngừng thâm nhập sâu thị trường Việt càng làm tăng thêm mối lo cho khối nội trong ngành hàng này.

Số liệu xuất khẩu từ Saskatchewan sang Việt Nam tính đến thời điểm hiện nay đã tăng trưởng ấn tượng, lên đến 50%, tổng giá trị 91,7 triệu USD. Đóng góp phần lớn vào sự tăng trưởng đến từ sự gia tăng xuất khẩu sản phẩm nông sản thực phẩm như dầu hạt cải, đậu lăng… Canada và Việt Nam đều là thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). 

Còn theo số liệu mới cung cấp từ Tổng lãnh sự quán Mỹ tại Tp.HCM, Việt Nam hiện là thị trường xuất khẩu nông sản và thực phẩm lớn thứ 8 của Mỹ. Trong tháng 12 này, đại diện của 24 Hiệp hội nông nghiệp và công ty ở Mỹ, rồi đại diện của Bộ Nông nghiệp Bang Nebraska (Mỹ) đã đến Tp.HCM để tham dự một triển lãm quốc tế về ngành thực phẩm và cũng nhằm giới thiệu đa dạng các sản phẩm nông nghiệp chất lượng hàng đầu của quốc gia này.

Ông Benjamin Petlock, Tùy viên nông nghiệp cấp cao Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại Tp.HCM, cho biết thương mại nông nghiệp giữa Mỹ và Việt Nam là một phần quan trọng trong mối quan hệ giữa hai nước và đã tăng hơn gấp đôi từ hơn 4 tỷ USD năm 2011 lên hơn 9 tỷ USD vào năm 2021. 

Theo ông Petlock, hồi năm ngoái, USDA (Bộ Nông nghiệp Mỹ) đã ra mắt “United Tastes” - một nền tảng tiếp thị kỹ thuật số giúp chia sẻ thông tin về các sản phẩm thực phẩm và đồ uống của Mỹ cũng như văn hóa ẩm thực của Mỹ với người tiêu dùng Việt Nam. 

Dưới góc độ quan sát thị trường Việt Nam, ông BT Tee, Tổng giám đốc Informa Markets Vietnam, cho rằng doanh thu ngành dịch vụ thực phẩm năm nay ước tính đạt 21,6 tỷ USD, tăng trưởng 55% so với cùng kỳ năm ngoái, với dự kiến thị trường đạt tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) là 1,46% trong 5 năm tới.

Và điều mà ông BT Tee muốn đề cập tới, trong con số doanh thu nêu trên ở Việt Nam thì thị phần tiêu thụ thực phẩm ngoại chiếm khoảng 35% là, riêng trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống, các chuỗi thức ăn nhanh quốc tế vẫn là một lĩnh vực phát triển nhanh.

Còn “điểm yếu cốt tử” còn lo nhập khẩu nhiều

Trong khi đó, với sản phẩm thịt nước ngoài nhập khẩu, theo chia sẻ mới đây từ ông Đinh Viết Tú, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản Vùng I (Bộ NN&PTNT), trong 11 tháng của năm 2022, Việt Nam đã nhập khẩu trên 3 tỷ USD về mặt hàng thịt và các sản phẩm chăn nuôi. Trong đó, thịt lợn tươi chiếm thị phần lớn nhất, tiếp đến là các loại thịt khác và phụ phẩm gia cầm.

Riêng hồi quý 3 năm nay, theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, Việt Nam nhập khẩu 191,58 nghìn tấn thịt và sản phẩm từ thịt, trị giá 417,75 triệu USD, tăng 4,4% về lượng và tăng 24,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Ấn Độ, Mỹ, Brazil, Hàn Quốc và Nga là 5 thị trường cung cấp thịt và sản phẩm từ thịt lớn nhất cho Việt Nam.

Còn vào thời điểm cuối năm này, nhập khẩu thịt và các sản phẩm thịt được cho là sẽ không tăng đột biến khi mà nguồn cung thịt (đặc biệt là thịt lợn và thịt gà) của Việt Nam khá dồi dào. Không chỉ vậy, đang có khuyến cáo các doanh nghiệp (DN) nên hạn chế nhập khẩu để giúp khơi thông đầu ra cho ngành chăn nuôi trong nước.

Theo nhận định, nhập khẩu thịt lợn tiếp tục xu hướng giảm, trong khi nhập khẩu thịt gia cầm, thịt bò, thịt trâu có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm trước. Nhập khẩu thịt lợn liên tục giảm so với năm trước do nhu cầu phục hồi chậm. Brazil, Nga, Đức, Canada và Ba Lan là 5 thị trường cung cấp thịt lợn lớn nhất cho Việt Nam. 

Với nhập khẩu thịt gà, số liệu ước tính cho thấy, 10 tháng đầu năm 2022, Việt Nam nhập khoảng 211.000 tấn thịt gà, tính ra mỗi tháng nhập khẩu hơn 21.000 tấn thịt gà. 

Với thịt bò, theo Bộ NN&PTNT, nguồn cung thịt bò hiện nay từ các trang trại, các hộ chăn nuôi trong nước chỉ chiếm khoảng 10 - 20% số lượng cung ứng trên thị trường, trong khi phần còn lại là các loại thịt bò nhập khẩu. Ngoài phần nhỏ từ Mỹ, Australia, Brazil qua đường biển, bò chủ yếu được nhập về Việt Nam qua đường bộ từ các nước lân cận với số lượng hàng trăm ngàn con mỗi năm.

Trước tình hình nông sản thực phẩm ngoại không ngừng thâm nhập sâu thị trường Việt Nam như vậy, rõ ràng đang là một áp lực rất lớn đối với khối nội trong ngành hàng này.

Để giải một phần bài toán cạnh tranh với nông sản thực phẩm ngoại đang đòi hỏi các DN, hợp tác xã và nông dân phải liên kết chặt chẽ hơn nữa để mạnh lên trong chuỗi cung ứng, từ canh tác, sản xuất, chế biến cho đến phân phối. 

Còn trên thực tế, việc liên kết lỏng lẻo vẫn là “điểm yếu cốt tử” với ngành hàng này. Như tại cuộc họp mới đây của ngành chăn nuôi ở Đông Nam Bộ cho thấy trong chuỗi sản xuất - tiêu thụ thịt và trứng gia cầm của vùng này thì tình trạng không liên kết đang chiếm phần rất lớn (thịt gia cầm chiếm đến 86%, trứng gia cầm chiếm 74%).

Nói một cách sòng phẳng, một khi điểm yếu này chưa được sớm khắc phục thì cơ hội để khối ngoại trong ngành hàng nông sản thực phẩm tiếp tục “khoét sâu” vào  thị trường Việt là khó tránh khỏi.

Thế Vinh

Tác giả: Ý kiến bạn đọc
Bài viết liên quan