Tiêu điểm

Chính sách phù hợp giúp nâng vị thế của HTX


Để kinh tế tập thể, HTX tham gia sâu và phát triển hiệu quả chuỗi giá trị hàng hóa, từ đó thúc đẩy khu vực này phát triển bền vững, cần có những chính sách với điều kiện thông thoáng hay những chính sách mang tính đòn bẩy để mô hình này phát huy lợi thế trong liên kết sản xuất, phát triển kinh tế, xã hội.

Ông Trần Văn Công, Chủ tịch HĐQT HTX nông nghiệp Phú Mỹ Châu (Trà Vinh) cho biết, sản xuất theo mùa vụ đang là những khó khăn trên con đường phát triển bền vững, phát triển theo mô hình kinh tế tuần hoàn của HTX. Trong đó, nhiều thành viên trong HTX đã có tuổi, việc thu hút sinh viên trẻ, người có tri thức vào HTX chưa thực sự hiệu quả.

Chưa phát huy được lợi thế của mô hình HTX

Còn ông Tạ Viết Hùng, Chủ tịch HĐQT HTX Đầu tư nông trại xanh và phát triển bò Ba Vì (TP. Hà Nội) cho biết do nhu cầu mở rộng sản xuất, phát triển sản phẩm mới từ sữa bò nên việc đầu tư máy móc, ứng dụng khoa học đòi hỏi HTX cần có nguồn vốn lớn. Tuy nhiên, vị giám đốc HTX này cho biết vẫn phải dùng tài sản gia đình để thế chấp vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Hà Nội, song HTX cũng chỉ được vay tối đa 500 triệu đồng. Với mức vay này, theo ông Tạ Viết Hùng chưa thể giúp HTX mua 10 con bò (một con bò lúc đó là 60 triệu đồng).

Có thể thấy dù là những HTX được đánh giá là khá, tốt ở các địa phương những chính những HTX tiêu biểu này cũng đang gặp những khó khăn trong phát triển, đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh theo hướng chuỗi giá trị bền vững. Có HTX gặp khó khăn về vốn, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, có HTX gặp khó khăn về tìm kiếm đầu ra, xúc tiến thương mại, đầu tư cơ sở hạ tầng…

Chính vì lẽ đó mà việc phổ biến, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới làm ăn hiệu chưa được như mong đợi, từ đó làm cho người dân chưa thực sự tin tưởng vào các lợi ích về kinh tế xã hội do HTX mang lại.

-9816-1715088119.jpg

Chính sách hỗ trợ cần tạo điều kiện để nâng cấp HTX.

Ông Trịnh Văn Điều, Giám đốc HTX nông nghiệp xanh xã Trung An (Thái Bình) cho biết đến nay, các nội dung chương trình hỗ trợ khu vực KTTT, HTX thực hiện kinh tế số, chuyển đổi số vẫn chưa được rõ ràng, cụ thể trong các văn bản pháp luật. Bên cạnh đó, Luật HTX cũng quy định, khi HTX đầu tư phải nộp thuế VAT. Như vậy, nếu HTX vay được vốn tại Quỹ hỗ trợ phát triển HTX dù được hưởng lãi suất thấp hơn vài phần trăm nhưng lại phải nộp 10% thuế VAT. Lý do này khiến nhiều HTX không có ý định vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX và chưa giúp Quỹ phát huy được hiệu quả.

Một vấn đề được các nhà chuyên môn đánh giá đó là các chính hỗ trợ cho khu vực KTTT, HTX được đánh giá là chủ yếu tập trung hỗ trợ, ưu đãi đối với HTX, liên hiệp HTX lĩnh vực nông nghiệp, chỉ một số ít HTX phi nông nghiệp được thụ hưởng. Số lượng các HTX tiếp cận các chính sách của Nhà nước, đặc biệt là chính sách về hỗ trợ tín dụng, công nghệ và chính sách giao đất, cho thuê đất rất ít…

Ông Nguyễn Khải, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Đắk Nông, cho biết công tác kiểm tra, giải quyết khó khăn, vướng mắc theo đề xuất của các HTX tại địa phương còn chậm, thậm chí không được giải quyết như thuê đất phục vụ sản xuất… liên quan đến đấu giá, tài sản trên đất còn nhiều khó khăn nên chưa thể giúp khu vực này phát triển. Nhiều chính sách chưa thực sự thông thoáng, phù hợp với đặc điểm của mô hình HTX nên chưa giúp các HTX mạnh dạn đầu tư, mở rộng thị trường.

Cần nhóm chính sách nâng cấp HTX

Có thể nói, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến phát triển KTTT, HTX. Đặc biệt, Chính phủ đã xây dựng 6 nhóm chính sách hỗ trợ, gồm đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới; tiếp cận vốn; tạo điều kiện tham gia các chương trình mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế - xã hội; thành lập mới HTX, liên hiệp HTX… Nhưng nhìn nhận từ thực tiễn, không ít HTX vẫn chưa thể 'chạm tay' vào các chính sách này.

Theo Ts Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, HTX không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn có nhiều giá trị xã hội nhân văn gắn với phát triển bền vững như bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa, gắn kết cộng đồng…

Không dừng lại ở đó, HTX là mô hình kinh tế đã được khẳng định trong thực tiễn và các văn bản pháp lý của Đảng, Nhà nước là mô hình bình đẳng với các loại hình kinh tế khác.

Có một điểm cần quan tâm đó là HTX là mô hình có quy mô nhỏ nên không có nhiều lợi thế về vốn, nhân lực, tài sản… từ đó sẽ gặp những khó khăn nhất định trong phát triển, đầu tư, liên kết.

Từ bản chất mô hình HTX, các nước trên thế giới có khu vực HTX phát triển đều tập chung vào chính sách hỗ trợ, chi tiết hơn là chính sách hỗ trợ giúp các HTX vượt khó. Chính vì vậy, theo vị chuyên gia này, Việt Nam muốn phát triển KTTT, HTX hiệu quả, điều cần quan tâm hiện nay là ngoài nhóm chính sách hỗ trợ thì cần có thêm nhóm chính sách để nâng cấp HTX.

Điều này có nghĩa là, các nhà quản lý cần dựa trên thành tích và kết quả của HTX. HTX đang đạt được những thành tựu, kết quả như thế nào thì chính sách hỗ trợ mô hình HTX này cần tương xứng với điều HTX đã làm được. Có thể hiểu đơn giản là HTX làm được cái gì thì thưởng cái đó. Bởi HTX chính là những startup, khi có thưởng những mô hình này mới kéo khu vực KTTT, HTX đi lên, mới đẩy mạnh liên kết chuỗi.

Ngoài ra, theo TS Võ Trí Thành, Việt Nam cần có chính sách thúc đẩy các HTX xanh, tuần hoàn. Bởi Việt Nam làm rất chậm vấn đề này này nên vẫn còn tình trạng thí điểm, từ đó khiến các HTX vẫn phải chờ để phát triển.

Một nhóm chính sách nữa được TS Võ Trí Thành đề cập đó là chính sách hỗ trợ HTX liên kết vì liên kết là hướng đi tất yếu, giải quyết những tồn tại trong sản xuất nông nghiệp.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, muốn HTX phát triển, sản xuất hiệu quả, đầu ra ổn định thì phải giải quyết các nhóm chính sách về vốn, đất đai, công nghệ…Ngoài ra, cần có các chính sách hỗ trợ HTX nâng cao năng lực về bao bì, chế biến, mẫu mã và nâng cao tính liên kết.

Theo ông Vũ Bá Phú, sự quan tâm trong xúc tiến thương mại, tìm kiếm đầu ra cho HTX hiện nay còn hạn chế bởi phần lớn đang tập trung vào nguồn vốn hỗ trợ từ Trung tâm xúc tiến đầu tư quốc gia nên không nâng cao được năng lực và giúp HTX tháo gỡ những vướng mắc trong phát triển, tiếp cận thị trường.

Có thể thấy, việc ban hành các chính sách hỗ trợ HTX đã có nhưng vẫn cần các chính sách sát thực tiễn từ đó thực sự tạo nền tảng cho HTX phát triển, nâng cao năng lực của mình. Để làm được điều này, cần có những nghiên cứu, khảo sát, đánh giá cụ thể để phân loại, điều chỉnh từng chính sách một cách phù hợp.

Huyền Trang

Tác giả: Cần nhóm chính sách nâng cấp HTX