Tiêu điểm

Thái Bình: Điểm sáng trong thu hút đầu tư


Thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ tỉnh Thái Bình đã vươn lên trở thành điểm sáng trong thu hút đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài (FDI).

Thông tin từ UBND tỉnh Thái Bình, về thu hút đầu tư, hiện địa phương có 113 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký khoảng 2.046,25 triệu USD, trong đó có 65 dự án FDI trong khu kinh tế và các khu công nghiệp, 46 dự án FDI ngoài khu công nghiệp. Nhiều nhất là các dự án của các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, với 27 dự án với tổng số vốn đầu tư gần 150 triệu USD…

Thái Bình: Điểm sáng trong thu hút đầu tư

Ngày càng nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với Thái Bình

Tính từ đầu năm 2023 đến cuối tháng 4, tỉnh Thái Bình có 37 dự án đầu tư được chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư hoặc cấp, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm 1.678,7 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư nước ngoài đạt trên 19 triệu USD… Để đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo môi trường kinh doanh tốt, công tác cải cách hành chính thường xuyên được chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo thực hiện nghiêm túc theo kế hoạch đề ra. Theo đó, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được cải thiện (năm 2022 xếp hạng 28/63 tỉnh, thành phố, tăng 19 bậc so với năm 2021)…

Theo đánh giá, Thái Bình đang là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư lớn cả trong nước và ngoài nước. Nhiều nhà đầu tư nhận xét Thái Bình có môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hàng đầu hiện nay ở khu vực phía Bắc bởi địa phương có hệ thống giao thông kết nối, mặt bằng sạch, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, thiết chế minh bạch, chính sách ưu đãi khuyến khích đầu tư tối đa và cấp ủy, chính quyền luôn đồng hành với doanh nghiệp.

Nhìn vào bức tranh tổng thể, có thể nói việc thu hút các nhà đầu tư đã tạo đà, động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Bình. Các dự án FDI giúp Thái Bình thực hiện mục tiêu đổi mới mô hình tăng trưởng từ phát triển theo chiều rộng sang chiều sâu, từ dựa vào chủ yếu tăng vốn đầu tư, khai thác tài nguyên, sử dụng lao động thủ công sang dựa vào hiệu quả, năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm… Nổi bật như Dự án đầu tư nhà máy Lotes Thái Thụy Việt Nam của Công ty trách nhiệm hữu hạn Lotes Việt Nam tại Khu công nghiệp Liên Hà Thái (thuộc Khu kinh tế Thái Bình), với diện tích sử dụng đất 15ha, tổng vốn đầu tư 120 triệu USD. Đây là dự án sản xuất chân kết nối Ram máy tính, cáp nối (cable) dùng cho máy tính và thiết bị điện tử. Hay dự án của Công ty Toyoda Gosei (Nhật Bản) đầu tư dây chuyền sản xuất vô-lăng ô tô tại Khu công nghiệp Tiền Hải thu hút hơn 1.000 lao động địa phương...

Mới đây, tỉnh Thái Bình đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 3 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng. 3 dự án nói trên nằm trong số 30 dự án được trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư và biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư trong Chương trình xúc tiến đầu tư vùng tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Với lợi thế có quỹ đất dành cho phát triển công nghiệp lớn (8 khu công nghiệp và 49 cụm công nghiệp), tổng diện tích gần 3.000ha đã giải phóng mặt bằng, Thái Bình đang tiếp tục mời gọi các nhà đầu tư tiềm năng, có thương hiệu trên thế giới đến tiếp cận, mở hướng sản xuất, kinh doanh lâu dài.

Thái Bình: Điểm sáng trong thu hút đầu tư

Quy hoạch Khu kinh tế tỉnh Thái Bình rộng trên 30.000ha

Đặc biệt, Thái Bình có Khu kinh tế trên địa bàn 2 huyện Thái Thụy, Tiền Hải vị trí ven biển, với diện tích tự nhiên 30.583ha. Khu kinh tế Thái Bình có vị trí địa lý thuận lợi, giáp với TP. Hải Phòng, thuộc tam giác tăng trưởng kinh tế trọng điểm phía Bắc (Hải Phòng - Quảng Ninh - Hà Nội). Khu kinh tế này kết nối giao thông rất thuận lợi, với nhiều tuyến đường giao thông quan trọng đi qua, như: Quốc lộ 39, Quốc lộ 37, đường cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng, đường Thái Bình – Hà Nam và đặc biệt là tuyến đường bộ ven biển đi qua 6 tỉnh: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa chạy dọc Khu kinh tế đang được thi công xây dựng, rút ngắn khoảng cách giữa Khu kinh tế Thái Bình với các đầu mối giao thông quan trọng trong khu vực…

Hiện công tác xúc tiến đầu tư đang được Thái Bình tích cực triển khai, nhất là thu hút các dự án FDI quy mô lớn vào Khu kinh tế và khu, cụm công nghiệp… Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thái Bình Ngô Đông Hải khẳng định: Thái Bình luôn đồng hành cùng nhà đầu tư trong việc khảo sát, lựa chọn địa điểm đầu tư; đồng hành với nhà đầu tư trong việc giải quyết thủ tục hành chính. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời các cam kết của tỉnh đối với các nhà đầu tư. Thái Bình đang tập trung rà soát, xây dựng các cơ chế, chính sách ưu đãi, tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng để chủ động nắm bắt xu hướng dịch chuyển nguồn vốn đầu tư đang diễn ra, đặc biệt là từ các nhà đầu tư, các tập đoàn đa quốc gia.

 
Tác giả: Linh Nhi
Bài viết liên quan