Tiêu điểm

TP. Hồ Chí Minh: Công nghiệp, thương mại dịch vụ tiếp tục đà phục hồi và khởi sắc


8 tháng năm 2024, các ngành, lĩnh vực kinh tế TP. Hồ Chí Minh tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng, nhất là sản xuất công nghiệp, thương mại dịch vụ.

Ngày 4/9, UBND TP. Hồ Chí Minh tổ chức phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố tháng 8 và 8 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tháng 9/2024.

TP. Hồ Chí Minh: Công nghiệp, thương mại dịch vụ tiếp tục đà phục hồi và khởi sắc

Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi chủ trì phiên họp. Ảnh: Việt Dũng

Theo đó, trong 8 tháng năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội của TP. Hồ Chí Minh diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều biến động phức tạp và bất ổn, làm gia tăng chi phí vận chuyển, ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu. Cùng với đó là những thách thức từ bên trong như vốn, thị trường tiêu thụ, chính sách tác động đến sức khoẻ của doanh nghiệp.

Dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng các ngành, lĩnh vực kinh tế của TP. Hồ Chí Minh tiếp tục trên đà hồi phục, trong đó sản xuất công nghiệp đã có sự chuyển biến tích cực, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế.

Cụ thể, tháng 8 năm 2024, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh tiếp tục hồi phục so với cùng kỳ ở cả 3 chỉ số: Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 8,5%, chỉ số tiêu thụ ngành chế biến, chế tạo tăng 10,7% và chỉ số tồn kho giảm 14,0%. Qua đó, đóng góp chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 8 tháng năm 2024 tăng 6,4% so với cùng kỳ.

TP. Hồ Chí Minh: Công nghiệp, thương mại dịch vụ tiếp tục đà phục hồi và khởi sắc

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 8 tháng năm 2024 của TP. Hồ Chí Minh tăng 6,4% so với cùng kỳ. Ảnh: Thanh Minh.

Theo đánh giá của Sở Công Thương, mặc dù chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 8 tháng năm 2024 tăng 6,4% so với cùng kỳ, song chỉ số sản xuất của 4 ngành công nghiệp trọng điểm tăng 5,5%, thấp hơn 0,9% so với chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp. Trong đó, ngành hóa dược tăng 19,8%; chế biến lương thực, thực phẩm tăng 0,3%; sản xuất hàng điện tử tăng 0,1%; cơ khí giảm 0,2%.

Đáng chú ý, một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 8 tháng năm 2024 tăng cao so với cùng kỳ như: Bao bì đóng gói bằng plastic tăng 27,8%; sổ sách, vở, giấy và các sản phẩm bằng giấy tăng 21,7%; xi măng tăng 15,1%; bột giặt và các chế phẩm dùng để tẩy rửa tăng 14,0%.

Với đà phục hồi và tăng trưởng của ngành công nghiệp kéo theo chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 8 tháng năm 2024 tăng 9,7% so với cùng kỳ. Trong đó, một số ngành tăng cao như: Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 41,2%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 34,9%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 18,9%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 18,0%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 17,9%.

Bên cạnh sự khởi sắc của ngành công nghiệp, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 năm 2024 đạt hơn 105.850 tỷ đồng, tăng 12,1% so với cùng kỳ. Tính chung 8 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 765.233 tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ.

Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 362.888 tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ (2 nhóm mặt hàng có tỷ trọng cao nhất là lương thực, thực phẩm và đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình với mức tăng lần lượt là 10,7% và 9,7%.).

Theo đánh giá của Sở Công Thương, hầu hết các mặt hàng trong tháng 8 đều có doanh thu tăng so với cùng kỳ, do TP. Hồ Chí Minh tiếp tục chương trình khuyến mãi tập trung (đợt 1 diễn ra từ ngày 15/6/2024 - 15/9/2024) với nhiều gói ưu đãi, khuyến mãi lớn dành cho người tiêu dùng.

Để thúc đẩy kinh tế đạt tăng trưởng 7,5% trong năm nay và tạo tiền đề để đạt được tăng trưởng 8-8,5% cho năm 2024, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nhấn mạnh: Thành phố cần quyết liệt tập trung các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Cụ thể, thành phố tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách để nhanh chóng tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Đặc biệt, tập trung rà soát các vụ việc còn tồn đọng, giải phóng nguồn lực cho thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó, tập trung thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công đúng tiến độ; đẩy nhanh triển khai các dự án trọng điểm…

“Các thành viên ủy ban thành phố, Thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch TP. Thủ Đức và các quận, huyện phải tập trung rà soát, phân công nhiệm vụ, đôn đốc công việc đảm bảo thời gian. Đồng thời, tập trung triển khai Văn bản 3843 (văn bản nhắc nhở về những chỉ tiêu phải quyết tâm thực hiện cho đạt và những nhiệm vụ trọng tâm để hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh lần thứ 11) và Chỉ thị về tăng trưởng (thúc đẩy tăng trưởng từ động lực đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu, phát triển các động lực mới… đến năm 2025)", Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh đề nghị.

 
Bài viết liên quan