Tiêu điểm

Cà phê vượt mốc 67.000 đồng/kg


Giá cà phê hôm nay (1/8) trong khoảng 66.400 - 67.100 đồng/kg, tăng trung bình 800 đồng/kg. Năm nay, cà phê nhân đạt mức giá cao khiến người dân hạn chế chặt loại cây này để chuyển sang trồng cây ăn quả.

-2005-1690852801.jpg

Giá cà phê đã tăng trở lại sau những ngày đi ngang và giảm nhẹ.

Tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng), cà phê được thu mua với mức 66.400 đồng/kg. Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk), giá cà phê ở mức 66.900 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo, Buôn Hồ (Đắk Lắk), cà phê được thu mua cùng mức 66.800 đồng/kg.

Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê thu mua ở mức 67.100 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 67.000 đồng/kg ở Đắk R'lấp.

Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê ở mức 66.800 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và Ia Grai cùng giá 66.700 đồng/kg. Còn giá cà phê tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 66.800 đồng/kg.

Ghi nhận thực tế ở tuần trước và ngày cuối tháng 7/2023, giao dịch cà phê tại Việt Nam trầm lắng. Bên cạnh đó, áp lực bán cà phê vụ mới tại thị trường Brazil khiến giá giao dịch cà phê trong nước giảm. Hàng vụ mới của Brazil cũng đã được giao dịch một lượng lớn ngay sau khi thu hoạch là nguyên nhân đẩy giá Robusta trong nước tăng.

Theo nhận định của các chuyên gia, giá cà phê trong những ngày tới có thể đi ngang hoặc giảm nhưng ở mức giảm khá nhẹ nhàng do vẫn chịu áp lực của thiếu hụt nguồn cung dự trữ trong ngắn hạn. Điều này cũng sẽ giúp cà phê trong nước tiếp tục duy trì mức giá khá tốt trong thời gian tới.

Hiện nay, khu vực Tây Nguyên có tổng diện tích cà phê khoảng 640.000 ha. Với chu kỳ khai thác 20 năm, mỗi năm sẽ có khoảng 30.000 ha cà phê tái canh, cần đến khoảng 40 triệu cây cà phê giống.

Những năm vừa qua, giá cà phê ở mức khá thấp nên việc tái canh bị chững lại khi nông dân tạm thay thế cà phê bằng các loại cây cho trái hàng năm, như chuối và chanh dây, hoặc chuyển sang trồng cây ăn trái lâu năm như bơ, sầu riêng...

Năm nay, cà phê nhân đạt mức giá cao nhất trong lịch sử trong khi đa số trái cây mất mùa hoặc mất giá, đã khiến người dân hạn chế chặt loại cây trồng này hoặc đầu tư mở rộng diện tích. Theo các chuyên gia, đây có thể là diễn biến tích cực, giúp Tây Nguyên hình thành được cơ cấu nông nghiệp hợp lý khi hài hòa giữa cà phê chủ lực và những cây kinh tế thế mạnh mới.

Mới đây, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) dự báo, tồn kho cuối vụ 2023/2024 của Việt Nam sẽ tăng 1 triệu bao so với niên vụ trước lên mức 2,7 triệu bao. Về lâu dài, để Việt Nam vẫn giữ vị thế là nhà xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới thì sản lượng cần duy trì ở mức 1,8 triệu tấn mỗi năm.

NY

Tác giả: NY
Bài viết liên quan