Tiêu điểm

Độc đáo người có biệt tài 'săn' ong chúa, ngậm cả trăm con ong trong miệng


Không chỉ nổi tiếng với biệt tài "săn" ong chúa về làm tổ nuôi lấy mật, người nuôi ong ở miền Tây còn có thể thản nhiên ngậm hàng trăm con ong trong miệng mà không cần dùng đến dụng cụ bảo hộ.

Biệt tài ngậm ong trong miệng

Một dịp tình cờ đến thăm vườn chăm sóc ong của ông Trịnh Phước Trung (62 tuổi, quận Ô Môn, TP Cần Thơ), bất ngờ nhìn ông đưa tay ra hốt liên tục 3 nắm ong cho vào miệng ngậm, trong khi ông không mặc đồ bảo hộ, không đeo bao tay và lưới đội đầu, khiến chúng tôi không khỏi tò mò và kinh ngạc.

  Người đàn ông tại Cần Thơ với biệt tài ngậm ong. Ảnh: Yến Phương

Hàng trăm con ong cứ bay tứ tung trong và ngoài miệng của ông Trung, một lúc sau thì bay đi hết. Điều đặc biệt là dù đàn ong bị "động ổ" như thế nhưng bằng cách kì diệu nào đó mà ông Trung vẫn không bị con nào chích cả.

  Đàn ong đã "quen hơi" của người nuôi ong nên không chích. Ảnh: Yến Phương 

Rảo bước một vòng quanh các thùng nuôi ong, ông Trung bật mí, do ông thường xuyên đến vườn chăm sóc đàn ong nên chúng đã "quen hơi" của ông. Lúc bỏ ong vào miệng ông cũng thực hiện thao tác chậm rãi, nhẹ nhàng, nhờ đó đàn ong không có cảm giác bị tấn công nên chúng không chích ông.

Theo ông Trần Hoàng Anh (69 tuổi, quận Ô Môn, TP Cần Thơ), riêng về biệt tài "ngậm ong" thì ông Trung là người hiếm có ở miền Tây có thể thực hiện được. Bởi dù bản thân đã có kinh nghiệm hơn chục năm nuôi ong nhưng ông Hoàng Anh vẫn không dám thử sức với thử thách này.

Chuyên "săn" ong chúa

Ông Trung kể lại, từ năm 11 tuổi ông đã có niềm đam mê với con ong mật, đến năm 20 tuổi thì ông chính thức vào nghề xây tổ nuôi ong lấy mật và kiên trì theo đuổi cho đến nay, tính ra cũng đã hơn 40 năm gắn bó với nghề.

Theo chia sẻ của ông Trung, do nhu cầu của các nhà vườn trồng cây ăn trái muốn tận dụng nguồn phấn hoa trong vườn để nuôi ong kiếm thêm thu nhập nên nghề của ông được ưa chuộng nhiều. Hiện các nhà vườn thường nuôi các loài ong như ong khoái, ong rừng, ong ruồi,… đặc biệt là ong Ý cho mật ngon, ngọt và năng suất cao.

  Ông Trung ra vườn chăm sóc ong. Ảnh: Yến Phương 

"Để duy trì nghề này, tôi thường đi săn ong chúa ngoài tự nhiên rồi bắt về cấy vào hộp gỗ để làm tổ, gây đàn. Mỗi hộp gỗ nuôi ong có những vách ngăn, che giấy báo giữ nhiệt để ong làm tổ, cho mật đạt tỉ lệ cao", ông Trung nói.

Ông Trung chia sẻ, ong chúa bắt ngoài thiên nhiên có thể sống từ 8 tháng đến 1 năm. Trong đó có 3 loại gồm ong chúa cấp tạo, ong chúa nhân tạo và ong chúa chia đàn tự nhiên, cần phải nuôi riêng bởi mỗi con ong chúa sẽ có mùi tạo ra khác nhau để thu hút đàn ong.

  "Săn" ong chúa ngoài tự nhiên rồi bắt về cấy vào hộp gỗ để làm tổ, gây đàn. Ảnh: Yến Phương 

Theo đó, người làm nghề phải tích luỹ kinh nghiệm nhiều năm mới có thể hiểu được tập tính của từng loài, biết cách đóng thùng làm tổ, bắt ong tự nhiên về gây đàn và cấy ong chúa vào tổ thành công.

Hiện ông Trung đang làm với giá trung bình 1 triệu đồng/thùng ong. Thùng được đóng bằng gỗ, bắt ong chúa cấy vào và gây đàn. Sau khoảng 4 – 5 tháng nuôi ong, mỗi thùng sẽ thu được khoảng từ 0,5 - 1 lít mật tuỳ từng thời điểm, với giá bán từ 600.000 – 900.000 đồng/lít; và tiếp theo đó cách mỗi tháng sẽ được thu mật một lần.

   Mỗi thùng nuôi ong sẽ thu được khoảng từ 0,5 - 1 lít mật. Ảnh: Yến Phương 

Suốt hơn 40 năm qua, ông Trung đã xây tổ nuôi ong lấy mật và nuôi ong gia công cho gần 30 nhà vườn khắp các tỉnh, thành ở miền Tây, mỗi hộ xây từ 10 - 30 thùng nuôi.

Cứ mỗi tháng ông lại đi kiểm tra các thùng ong mật của các nhà vườn, nếu có mật nhiều thì thu hoạch, nếu số lượng ong nhiều thì chia đàn, nhờ đó mà ông Trung có thu nhập đều đều từ nghề này.