Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết từ đầu năm đến nay, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, nền kinh tế cũng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kết hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác.
Theo đó, NHNN đã giữ nguyên các mức lãi suất điều hành, duy trì ổn định mặt bằng lãi suất, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
Các ngân hàng thương mại cũng tích cực thực hiện chỉ đạo của NHNN trong việc giữ ổn định mặt bằng lãi suất huy động, tiết kiệm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay.
Kết quả, lãi suất cho vay bình quân ở mức 6,38%/năm, giảm khoảng 0,6%/năm so với cuối năm 2024.
Lãi suất cho vay bình quân của BIDV trong tháng 5 là 5,5%/năm. |
Thống kê cho thấy, đến nay, hầu hết các ngân hàng đã công bố lãi suất cho vay và huy động bình quân của tháng 5, ngoại trừ số ít ngân hàng chỉ mới công bố lãi suất của tháng 2 hoặc tháng 3.
So với tháng 1/2025, lãi suất cho vay bình quân của phần lớn các ngân hàng đều giảm, tính đến thời điểm công bố gần nhất. Các ngân hàng dẫn đầu về mức giảm lãi suất cho vay bình quân (tháng 5 so với tháng 1) lần lượt là: TPBank giảm 0,79%/năm; VIB giảm 0,64%/năm, OCB giảm 0,47%/năm, Agribank giảm 0,26%/năm.
Ngược lại, lãi suất cho vay bình quân tháng 5 tại các ngân hàng: SCB, LPBank, BaoViet Bank, MB tăng nhẹ so với tháng 1, mức tăng từ 0,02-0,04%/năm.
Về mức lãi suất cho vay trong tháng 5, các nhà băng có mức lãi suất thấp nhất thị trường là: SCB (5,4%/năm), BIDV (5,5%/năm), Vietcombank (5,6%/năm), MSB (6,35%/năm), VIB (6,48%/năm), Agribank (6,54%/năm)...
Các ngân hàng công bố lãi suất cho vay bình quân cao nhất tại thời điểm công bố gần nhất: Viet A Bank (9,71%/năm); Saigonbank (8,98%/năm), BaoViet Bank (8,97%/năm), Bac A Bank (8,66%/năm), BVBank (8,57%/năm), KienLong Bank (8,27%/năm) và PVCombank (8,15%/năm). Đây cũng là nhóm ngân hàng duy trì mức chênh lệch lãi suất cho vay và huy động bình quân lớn nhất.
Lãi suất cho vay ở mức thấp đang hỗ trợ cho tăng trưởng tín dụng. Tại họp báo Chính phủ chiều 3/7, Phó thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà thông tin về tình hình tăng trưởng tín dụng. Theo đó, tính đến ngày 26/6, dư nợ toàn hệ thống đạt trên 16,9 triệu tỷ đồng, tăng 8,3% so với cuối năm 2024, tăng 18,87% so với cùng kỳ năm 2024. "Đây cũng là mức tăng trưởng tín dụng cao nhất kể từ 2023 đến nay", theo Phó Thống đốc.
Cơ cấu tín dụng phù hợp với cơ cấu nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu tín dụng của người dân, doanh nghiệp. Trong đó, ngành nông, lâm, thủy sản chiếm 6,37%; công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 12,84%; xây dựng chiếm 7,53%, các ngành dịch vụ có quy mô dư nợ lớn nhất toàn hệ thống chiếm 23,74%; kinh doanh bất động sản chiếm 18,47%.
Các tổ chức tín dụng đã tích cực giải ngân cho các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như: cho vay nhà ở xã hội; cho vay người trẻ dưới 35 tuổi mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; chương trình tín dụng 500.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, công nghệ số, các chương trình tín dụng chính sách... đang được các tổ chức tín dụng tích cực triển khai.
Để thực hiện đa mục tiêu, vừa kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, vừa đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng góp phần hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo mục tiêu Chính phủ đề ra, trong những tháng cuối năm, NHNN sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp điều hành tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.
Đồng thời, cơ quan này cũng kịp thời triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.
Thanh Hoa