Tiêu điểm

Được mệnh danh là đặc sản miền nắng gió Quảng Trị, hạt cà phê đang giúp nông dân thay đổi mỗi ngày


Những năm gần đây, nhiều nông dân ở Quảng Trị mạnh dạn tham gia các tổ liên kết, HTX trồng cà phê sạch để tạo ra những sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao, 4 sao. Điều này đang góp phần gia tăng giá trị cho cây cà phê, đem lại nguồn thu nhập khá cao cho nông dân, HTX.

HTX nông sản Khe Sanh (huyện Hướng Hóa) là một trong những điển hình tiêu biểu về hoạt động hiệu quả. Lúc đầu mới thành lập (2019) có 7 thành viên, đến nay HTX có 30 thành viên, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất chế biến tiêu thụ cà phê theo hướng canh tác bền vững, nâng cao chất lượng sản phẩm, tiếp cận thị trường mới và tăng lợi nhuận cho hộ trồng cà phê.

Sản xuất cà phê sạch theo hướng hữu cơ

Hiện nay, Hợp tác xã tổ chức thu mua quả chín đạt từ 95% trở lên và không ngâm nước, không lẫn tạp chất nên người trồng cà phê đã thực hiện đúng tiêu chuẩn để được thu mua sản phẩm.

Điều đáng ghi nhận là HTX Nông Sản Khe Sanh mang đến cơ hội cho những nông dân nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, được tham gia vào chuỗi sản xuất, được tập huấn quy trình trồng, chế biến cà phê sạch hữu cơ, ký kết thu mua theo nhóm hộ nông dân nhằm đảm bảo tính minh bạch, phân phối lợi ích công bằng giữa người trồng, người chế biến tạo tác động xã hội, hướng tới bảo vệ môi trường, tăng thu nhập cho người trồng và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội và môi trường một cách bền vững.

-4842-1721116841.jpg

Hạt cà phê đang giúp người nông dân, HTX ở Quảng Trị có cuộc sống ngày càng ổn định, phát triển.

HTX đang liên kết với 07 tổ nhóm gồm 100 hộ nông dân thuộc xã Hướng Phùng và Hướng Tân, trong đó có 70 hộ là người đồng bào dân tộc thiểu số. Nhóm Bụt Việt 1: 28 hộ dân, diện tích 30 ha, sản lượng 480 tấn quả tươi; nhóm Bụt Việt 2: 11 hộ dân, diện tích 20 ha, sản lượng 250 tấn quả tươi; nhóm Doa Cũ: 23 hộ dân, diện tích 24 ha, sản lượng 320 tấn quả tươi; nhóm Xa Ry: 18 hộ dân, diện tích 26 ha, sản lượng 300 tấn quả tươi; nhóm Bụt Việt Yên: 18 hộ dân, diện tích 21 ha, sản lượng 250 tấn quả tươi; nhóm Hướng Tân: 15 hộ dân, diện tích 18 ha, sản lượng 200 tấn quả tươi; nhóm Cheng:16 hộ dân, diện tích 20 ha, sản lượng: 200 tấn quả tươi/năm.

Chị Hồ Thị Rường, ở thôn Bụt Việt (xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa) cho biết, tham gia HTX trồng cà phê, hội viên có nhu cầu được hỗ trợ giống cây và mua phân bón với giá ưu đãi. Ngoài ra, các hội viên được hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cà phê rất cụ thể từng công đoạn bón phân, tỉa cành, hái quả.

“Sau khi nắm bắt kỹ thuật chăm sóc, năng suất tăng lên đáng kể. Với 1ha cây cà phê cho sản lượng từ 7-8 tấn, thu nhập gần 70 triệu đồng. Nhờ nguồn thu đó, gia đình đủ trang trải cuộc sống và nuôi 2 con ăn học”, chị Rường nói.

Chị Nguyễn Thị Hằng - Giám đốc HTX nông sản Khe Sanh cho biết, mỗi năm trung bình HTX thu mua 3.000 tấn cà phê quả tươi để chế biến cà phê sạch. Bên cạnh đó, HTX ký kết với 5 doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Hàng năm, cho doanh thu 22 tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho lao động, chủ yếu là phụ nữ người dân tộc Vân Kiều với hơn 70 người, với mức thu nhập từ 4- 6 triệu đồng cho 1 lao động/tháng.

Phát triển cây cà phê mít đặc sản

Ở huyện Hướng Hóa, Quảng Trị, ngoài HTX nông sản Khe Sanh, khi nhắc tới những HTX trồng cà phê có tiếng, được nhiều người biết đến còn có có HTX dịch vụ sản xuất cà phê hữu cơ sinh thái Chân Mây Bắc Hướng Hóa, thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng, cũng đang là một trong những đơn vị đi đầu trong phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, góp phần giảm nghèo, làm giàu cho thành viên, nông dân liên kết.

Ông Lê Đình Phức, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Chân Mây Bắc Hướng Hóa, cho biết từ khi thành lập và đi vào hoạt động đến nay, HTX đã tập huấn cho các thành viên biết cách trồng, chăm sóc, thu hoạch cây cà phê theo đúng tiêu chuẩn doanh nghiệp yêu cầu để có thể ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với mức giá cao hơn gấp đôi thị trường và ổn định từ đầu đến cuối vụ.

Theo lãnh đạo địa phương, sự ra đời của HTX đã tập hợp và làm thay đổi tập quán, tư duy sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số, từ đó xây dựng thành công vùng trồng, nhất là trồng giống cà phê mít nổi tiếng, chế biến cà phê sạch, bảo vệ môi trường trên địa bàn xã Hướng Phùng, vùng đất trồng cà phê lớn nhất huyện.

-6319-1721116841.jpg

Nhờ quy trình sản xuất nghiêm ngặt, cà phê Quảng Trị đang được đánh giá là một trong những loại cà phê ngon nhất Việt Nam.

Cây cà phê vốn gắn bó lâu đời với bà con dân tộc Vân Kiều vùng Khe Sanh, Hướng Hoá. Đặc biệt, giống cà phê mít (coffea liberica) được người Pháp đưa đến vùng đất đỏ bazan này từ hơn một thế kỷ trước. Người Vân Kiều thời đó không chỉ trồng cà phê trong các đồn điền của người Pháp, mà còn trồng trên nương rẫy và ngay trong vườn nhà.

Địa hình núi non hiểm trở, song cây cà phê mít với bộ rễ khoẻ khoắn cắm sâu vào long đất đỏ bazan, vẫn phát triển tốt do được gieo từ hạt và có đặc tính chịu được khô hạn. Những cây cà phê có thể cao đến mức mỗi khi thu hoạch phải bắc thang như hái tiêu.

Tuy nhiên, giống cà phê mít và thói quen canh tác lạc hậu của bà con khiến năng suất không cao, giá bán cũng thấp hơn so với các loại cà phê khác. Chính vì vậy, dù huyện Hướng Hoá vẫn là một trong những vùng nguyên liệu cà phê trọng điểm, với diện tích trồng khoảng 5.000 ha, nhưng cà phê mít hiện chỉ còn khoảng 600 ha.

Dù vậy, HTX vẫn là ‘địa chỉ’ giúp nhiều bà con dân tộc thiểu số, nhất là bà con Vân Kiều muốn được tham gia HTX để xóa đói, giảm nghèo. Bởi lẽ, vào HTX, bà con được hướng dẫn kỹ thuật, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, và quan trọng hơn là thay đổi tư duy, tiếp cận hướng làm ăn bền vững, đảm bảo sinh kế lâu dài.

Thương mại điện tử giúp đưa sản vật cà phê đi xa

Cây cà phê là cây công nghiệp chủ lực của huyện Hướng Hóa. Diện tích cây cà phê hiện khoảng 3.700ha, tập trung tại các xã Hướng Phùng, Hướng Tân, Hướng Sơn, thị trấn Khe Sanh…Dù có nhiều lợi thế trồng cà phê, nhưng do nhiều yếu tố nên thực tế hạt cà phê Quảng Trị vẫn còn chưa đi được ‘đường dài’. Đây cũng là điều trăn trở không chỉ của các HTX mà còn của các cấp chính quyền nơi đây.

Như ở HTX Chân Mây, bằng nhiều cách, trong đó có việc sử dụng dụng các công nghệ hiện đại để có thể quảng bá, giới thiệu với bạn bè khắp nơi trên thế giới về nguồn gốc, xuất xứ của các sản phẩm mình làm ra thông qua các ứng dụng mạng xã hội như: Facebook, Zalo, YouTube, Google Ads, Shopee, Chợ Tốt… Để có được điều này, HTX đã kết nối với một dự án, trong đó thành viên, người dân được đào tạo các kiến thức và kỹ năng về thương mại điện tử, thực hiện các hoạt động marketing và bán hàng trực tuyến.

“Thành công hiện được duy trì để giúp các thành viên, người dân là đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Hướng Hóa hiểu được vai trò của việc ứng dụng công nghệ 4.0 trong tham gia thị trường và phát triển kinh tế”, ông Lê Đình Phức cho biết.

Để mở rộng thị trường, nâng cao giá trị, HTX Nông sản Khe Sanh đã ký hợp đồng tiêu thụ với 5 doanh nghiệp. Sản phẩm cà phê của HTX Nông sản Khe Sanh còn có mặt tại nhiều hệ thống bán lẻ và đại lý tiêu thụ trong nước.

“Hiện nay, chúng tôi đang tiếp tục xây dựng sản phẩm OCOP 5 sao từ sản phẩm Khe Sanh Coffee dạng bột 100% Arabica và liên kết với các tổ nhóm để làm chuỗi cà phê nông lâm kết hợp. Sản phẩm OCOP 5 sao sẽ là cơ hội để nâng tầm và đưa cà phê Quảng Trị ngày càng vươn xa, có giá trị cao hơn”, bà Hằng cho biết.

Được biết, cây cà phê được tỉnh Quảng Trị xác định là 1 trong 6 cây chủ lực phải duy trì diện tích ổn định. để thúc đẩy ngành hàng cà phê Quảng Trị phát triển, thời gian qua, tỉnh Quảng Trị đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm; thu hút các doanh nghiệp đầu tư, liên kết.

Trà My

Tác giả: Sản xuất cà phê sạch theo hướng hữu cơ